Công chức, viên chức phải đi bộ đội: Nhiều ý kiến trái chiều

“Hàng năm nước ta có tới hàng triệu thanh niên đến tuổi nhập ngũ, chẳng lẽ kêu cả triệu người vào quân đội. Theo tôi, nên dành số tiền đó để đầu tư cho quốc phòng và quân đội sẽ tốt hơn”.

Dự thảo Luật Nghĩa vụ Quân sự (NVQS) mới đây có nêu nhóm đối tượng là cán bộ công chức, viên chức, người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp phải có nghĩa vụ vào phục vụ trong quân đội.

Thực tế theo Đại tướng Phùng Quang Thanh- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đi nghĩa vụ quân sự có tới 90% là con em nông dân, còn các cán bộ, công chức, viên chức đang làm trong đội ngũ chính trị, xã hội gần như không tuyển. “Tới đây chúng ta sẽ phải xem lại vấn đề này để đảm bảo sự công bằng. Và từ năm 2015 trở đi chúng ta sẽ tập trung gọi đối tượng này đi nghĩa vụ quân sự” – ông Thanh nhấn mạnh.

Ngay khi được nêu ra, dự thảo trên đã vấp phải các ý kiến trái chiều. Những ý kiến phản đối cho rằng, trong điều kiện tình hình đất nước như hiện nay có nhất thiết yêu cầu cả công chức, viên chức phải đi NVQS hay không; công chức, viên chức đi NVQS thì lấy ai làm việc...

Ảnh Nguyễn Bảo Hiếu (SN 1991, trường Đại học Bách Khoa) chia sẻ, hiện tại Hiếu chỉ còn nợ 1 môn là ra trường và đang có ý định xin đi làm tại một số nơi.

“Sau khi ra trường ai cũng muốn được đi làm, lúc đó khí thế, khát vọng cống hiến và khát vọng kiếm tiền còn hừng hực. Đó là hai năm quan trọng nhất đối với một người sinh viên mới ra trường. Bây giờ nghe tin có thể phải nhập ngũ em cảm thấy rất lo lắng. Đi về rồi không biết công việc sẽ ra sao và liệu có còn tí kiến thức nào còn đọng lại trong đầu không để vác hồ sơ đi xin việc?” - Hiếu tâm sự.

Anh Nguyên, một giảng viên đại học tại Hà Nội cho rằng: "Đất nước đang trong thời bình nên cũng không cần thiết phải huy động tất cả phải nhập ngũ. Hàng năm nước ta có tới hàng triệu thanh niên đến tuổi nhập ngũ chẳng lẽ kêu cả triệu người vào quân đội. Theo tôi, nên dành số tiền đó để đầu tư cho quốc phòng và quân đội sẽ tốt hơn".

Đồng quan điểm với ý kiến trên, anh Trần Quốc Dương đang công tác tại huyện ủy huyện Lương Sơn (Hòa Bình) cho biết, anh không từ chối lệnh nhập ngũ khi Tổ quốc cần nhưng trong điều kiện hiện nay thì không cần thiết lắm. Đặc biệt theo anh có những người đang nắm giữ vị trí quan trọng trong cơ quan, tổ chức không thể di chuyển được, nếu có tuyển những người mới e là họ không quen việc thì không thể làm nổi, sẽ khó đáp ứng được yêu cầu công việc.

Nỗi lo lắng khi phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, phải rời vị trí công tác là nỗi lo của khá nhiều người. Song bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến đồng tình với đề nghị gọi công chức, viên chức đi NVQS để tạo sự bình đẳng.

Anh Hoàng Trung (SN 1988) hiện đang công tác tại ngân hàng nhà nước Việt Nam, chi nhánh đặt tại Pleiku, cho biết nếu luật nghĩa vụ quân sự đi vào thực thi anh sẵn sàng gác lại công việc để lên đường thực hiện nghĩa vụ của mình. “Nếu Tổ Quốc cần tôi sẵn sàng lên đường thực hiện nghĩa vụ của mình, hãy coi đây là cơ hội để mình được rèn luyện thử thách, để trưởng thành hơn”.

Tuy nhiên, Trung cũng không ngần ngại bày tỏ lo lắng rằng đối với một số ngành mang tính đặc thù như của Trung thì việc xắp xếp người làm trong 2 năm cũng không phải dễ. Hơn nữa, nếu cùng tuyển nghĩa vụ quân sự đối với những người nằm trong độ tuổi phải thực hiện nghĩa vụ của mình thì sẽ gây ra một sự thiếu nguồn nhân lực trầm trọng. Anh Trung cho biết: “Nếu trong một cơ quan những người nằm trong độ tuổi đi nghĩa vụ quân sự phải nhập ngũ thì sẽ rất khó có thể đảm bảo công việc được thông suốt. Đặc biệt, với một số ngành mang tính đặc thù cao như công việc của mình phải đi lại thường xuyên thì nữ giới không thể đảm nhiệm được”.

Anh Trần Quang (SN 1985) hiện đang công tác tại Viện Khoa học xã hội Việt Nam, xuất thân trong một gia đình có cả bố và mẹ đều là bộ đội nên anh rất ủng hộ dự thảo này. Anh Quang cho biết: "Nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm chung và là nghĩa vụ thiêng liêng của mọi công dân, vì vậy mọi công dân phải thực hiện nghĩa vụ này. Nhà nước nên thay đổi lại chính sách để đảm bảo công bằng và bình đẳng hơn, không có từ miễn hay hoãn được và không thể để tình trạng chỉ có con em ở nhà không đi học hay con em nông dân thì phải đi thực hiện NVQS".

Bên cạnh đó, anh Quang cũng cho rằng việc nâng thời gian thực hiện NVQS lên 2 năm là hợp lý vì thời gian khoảng 18 tháng thì chưa đủ thời gian để huấn luyện 1 cách kỹ lưỡng, rèn luyện kỹ năng của một người lính.

“Tôi cho rằng lý do mọi người không đồng ý với đề xuất công chức, viên chức phải đi NVQS vì họ ngại rời vị trí công tác, lo sợ sau thời gian phục vụ trong quân đội thì vị trí của họ trong cơ quan sẽ bị người khác thay thế. Cho nên tôi nghĩ Nhà nước phải có quy định rõ ràng sau thời gian phục vụ trong quân đội họ sẽ được cơ quan tạo điều kiện làm việc trở lại để họ yên tâm nhập ngũ”, anh Quang chia sẻ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại