“Tạm ứng” ngân sách để bồi thường
Liên quan đến vụ việc Công an tỉnh Hải Dương phải bồi thường cho các chủ lô hàng bạch tuộc bị phân hủy (Công an tỉnh Hải Dương đã tạm giữ trước đó), Đại tá Cao Ngọc Lan khẳng định: “Hiện nay vụ việc đã được giải quyết xong”.
Về nguồn gốc số tiền 650 triệu đồng mà Công an tỉnh phải bồi thường cho các chủ lô hàng bạch tuộc, ông Lan cho biết: “Trước mắt, chúng tôi sử dụng nguồn kinh phí của Công an tỉnh Hải Dương để bồi thường cho các chủ hàng. Người dân cũng đã nhận tiền bồi thường xong xuôi rồi”.
Đồng thời, ông Lan cũng phủ nhận thông tin dư luận cho rằng Công an tỉnh Hải Dương đã vay mượn tiền của cá nhân bên ngoài: “Chúng tôi đã lấy tiền ngân sách ra để bồi thường cho các chủ lô hàng bạch tuộc, không có chuyện công an vay mượn tiền của cá nhân bên ngoài”.
Ngoài ra, ông Lan cũng cho biết Công an tỉnh Hải Dương đang tiến hành làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ việc tạm giữ các lô hàng bạch tuộc và để các lô hàng của người dân bị phân hủy nói trên.
“Việc làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong vụ việc trên hiện đang được chúng tôi tiến hành. Chúng tôi sẽ có hình thức xử lý kỷ luật nội bộ sau”, ông Lan nói.
"Đúng mà… chưa đúng"
Liên quan đến việc Công an tỉnh Hải Dương “tạm ứng” ngân sách để bồi thường cho chủ các lô hàng bạch tuộc, Luật sư Giáp Văn Điệp - (Phó giám đốc Công ty Luật TNHH Fanci, Đoàn Luật sư Bắc Giang) cho biết: “Trong vụ trên, việc Công an tỉnh Hải Dương tiến hành thỏa thuận, đàm phán để bồi thường quyền lợi hợp pháp của bên bị thiệt hại là việc làm đúng, đủ và có trách nhiệm”.
“Việc làm trên của Công an tỉnh Hải Dương còn tạo ra tiền lệ tốt cho các tổ chức, cá nhân khác và các sự vụ tương tự (nếu có) về sau, đó là thực thi đúng theo pháp luật, công bằng, khách quan và dân chủ, không thiên vị. Tôi nghĩ đây là một vụ việc mà Công an tỉnh Hải Dương đã xử lý hợp lý lẫn cả… hợp tình”, LS Giáp Văn Điệp nói.
Tuy nhiên, theo Luật sư Lê Minh Hải - Trưởng Văn phòng Luật sư Royal (Đoàn Luật sư Hà Nội) thì lại cho rằng trong vụ bồi thường trên, Công an tỉnh Hải Dương đã “làm đúng mà chưa đúng”.
LS Hải cho rằng: “Nếu chỉ “tạm ứng” trước mắt thôi thì mới có thể chấp nhận được. Còn nếu trích ngân sách với một khoản tiền lớn như thế để bồi thường theo tôi là không phù hợp”.
LS Hải phân tích: “Việc trích ngân sách trước mắt là điều cần thiết. Bởi theo đúng quy định của pháp luật, trong vụ việc này, những người liên quan trực tiếp đến việc xử lý lô hàng dẫn tới gây thiệt hại cho các chủ hàng cũng là những người đang thực thi nhiệm vụ được giao.
Việc xử lý bước đầu, Công an Hải Dương phải sử dụng tiền ngân sách để “tạm ứng” cho việc chi trả bồi thường. Tuy nhiên, đối tượng phải chịu trách nhiệm thực sự trong vụ việc trên lại chính là các cá nhân đã tham gia tạm giữ và để lô hàng bạch tuộc bị phân hủy. Bởi thế, trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các chủ lô hàng sẽ phải thuộc về những đối tượng này”.
“Trước mắt, việc trích ngân sách ra để bồi thường là đúng. Song về sau thì Công an Hải Dương sẽ phải truy trách nhiệm đến từng cá nhân, tập thể có liên quan đến việc làm sai sót gây thiệt hại cho các chủ lô hàng để xử phạt và truy thu lại số tiền mà cơ quan công an bỏ ra để bồi thường trước đó thì mới đúng với quy định của pháp luật”, LS Lê Minh Hải khẳng định.