* Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về việc Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố kết luận kiểm tra đối với một cán bộ cấp cao như ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ?
- Ông Đinh Xuân Thảo: Tôi cho đó là việc làm tốt, đặc biệt sau khi Quốc hội chất vấn tại nghị trường thì Tổng Thanh tra Chính phủ nói rằng việc này thuộc thẩm quyền của Ban Bí thư. Ủy ban Kiểm tra trung ương đã làm việc rất kịp thời và đưa ra kết luận rõ ràng. Việc này phần nào đã đáp ứng niềm tin của nhân dân. Còn việc xử lý tiếp theo có thể cần cơ quan pháp luật của Chính phủ làm. Tôi cho rằng cần phải xác định rõ tiền mua, xây dựng những ngôi nhà đó lấy ở đâu ra.
* Trong khối tài sản của gia đình ông Truyền, dư luận đặc biệt chú ý tới khu dinh thự trị giá nhiều chục tỉ đồng đứng tên con trai ông - một đại úy CSGT công tác ở Công an tỉnh Bến Tre. Theo ông, Tỉnh ủy Bến Tre có nên làm rõ con trai ông Truyền lấy tiền đâu ra để xây dinh cơ hoành tráng này?
- Việc đó là cần thiết. Bất cứ tài sản nào trong diện nghi vấn thì phải điều tra cho rõ để chứng minh cho được nguồn gốc tài sản đó là chính đáng, tiền phải là tiền sạch. Về việc kê khai tài sản, con ông Truyền là một cán bộ, đảng viên thì cũng phải xem có kê khai không và nếu thuộc thẩm quyền phải khai mà không thực hiện là sai. Nếu có khai thì phải làm rõ nguồn tiền xây dựng ở đâu ra.
* Trường hợp ông Truyền với nhiều nhà đất được cấp rất dễ dàng khiến dư luận băn khoăn liệu có “vấn đề gì” không và có phải điều tra, xử nghiêm trách nhiệm của những cán bộ liên quan?
- Khi xử lý một vụ việc thì phải xem xét mọi khía cạnh. Cũng có thể ông Truyền chứng minh nhà đất đó quá rẻ thì ông mua bằng lương nên có thể ông nói điều đó là đúng. Nhưng trách nhiệm ở đây thuộc về cơ quan quản lý, cơ quan cấp nhà cho ông Truyền. Rõ ràng, phải quy trách nhiệm của đơn vị cấp nhà, chí ít cũng là cố ý làm trái gây thiệt hại tài sản của nhà nước, phải xử lý.
Nếu anh cấp đúng thì bây giờ làm gì có chuyện đi thu hồi tài sản? Còn nếu đã thu hồi thì rõ ràng là làm sai, mà đã làm sai thì phải truy trách nhiệm.
* Việc ông Trần Văn Truyền ký quyết định bổ nhiệm hơn 60 trường hợp trước lúc về hưu, dù không được nhắc tới trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương nhưng theo ông, có cần làm rõ trách nhiệm?
- Cái đó cũng nên làm vì nó thuộc quy định của nhà nước rồi - những người giữ chức vụ thì trong vòng 6 tháng cuối cùng trước lúc nghỉ hưu không đưa ra quyết định về công tác tổ chức nhân sự. Quy định đã có mà anh vẫn làm là sai. Dù anh là cán bộ, đảng viên đã nghỉ hưu rồi cũng phải kiểm điểm, cũng có thể có hình thức kỷ luật.
Đối với những người được bổ nhiệm vào thời điểm đó cũng cần phải rà soát lại. Nếu trường hợp nào không đúng với điều kiện, tiêu chuẩn - như không có trong quy hoạch hoặc không đủ trình độ năng lực - thì phải xem xét lại.
Đại úy Trần Hoàng Anh chỉ kê khai tài sản năm 2014
Ngày 24-11, nguồn tin của phóng viên Báo Người Lao Động cho biết đại úy Trần Hoàng Anh (SN 1981, con trai ông Trần Văn Truyền, hiện công tác tại Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an tỉnh Bến Tre) chỉ kê khai tài sản năm 2014 vào ngày 6-3 khi báo chí đã đăng tải thông tin về khối tài sản của ông Truyền. Những năm trước đó, đại úy Trần Hoàng Anh không kê khai tài sản.
Theo nguồn tin này, đại úy Trần Hoàng Anh khai mình là chủ sở hữu biệt thự ở xã Sơn Đông, TP Bến Tre. Thửa đất số 598B5 Nguyễn Thị Định mà Ủy ban Kiểm tra trung ương chỉ đạo thu hồi cũng do đại úy này đứng tên. Ngoài ra, ông Trần Hoàng Anh còn khai mình góp vốn để kinh doanh đại lý bia Trần Hoàng Dũng với số tiền 3 tỉ đồng. Hằng ngày, người dân còn thấy đại úy Trần Hoàng Anh đi làm bằng một ô tô hạng sang nhưng không thấy kê khai tài sản.
Một lãnh đạo Công an tỉnh Bến Tre xác nhận trong năm 2014, đại úy Trần Hoàng Anh có kê khai tài sản nhưng không tiết lộ tài sản gồm những gì vì cho rằng đó là thông tin bí mật cá nhân.
M.Sơn