Cơn dông khủng khiếp ở Hà Nội: Khó có thể dự báo chính xác?

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - Các chuyên gia cho rằng, việc người Hà Nội còn chủ quan trước thời tiết nguy hiểm ngoài lý do chủ quan còn do đưa tin dự báo chưa chuẩn...

Trao đổi với chúng tôi vào chiều 5/6, GS.TS Phan Văn Tân, Chủ nhiệm Bộ môn Khí tượng, Khoa khí tượng Thủy văn và Hải dương học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) đánh giá, cơn dông lớn xảy ra vào chiều tối 4/6 là rất nguy hiểm, tuy nhiên, việc cảnh báo, dự báo chính xác được các hiện tượng này không phải là điều đơn giản.

"Cơn dông lốc xảy ra vào chiều tối 4/6 là hiện tượng rất nguy hiểm, bởi sức gió mạnh lên đến cấp 8, cấp của bão kèm theo mưa lớn và sét cũng mạnh. Theo dõi thì tôi thấy, trong bản tin dự báo trước đó 1 ngày đã có những cảnh báo về hiện tượng dông lớn như vậy có thể xảy ra.

Ở đây, do thời nắng nóng kéo dài, lại có đợt không khí lạnh tràn về thì khi hai hệ thống này tương tác với nhau sẽ rất mạnh và tạo ra các hiện tượng dông, lốc... Tuy nhiên, mạnh đến mức độ nào và quy mô đến đâu thì rất khó có thể dự báo được chính xác.

Bởi vì hiện tượng dông xảy ra như vừa qua là ở quy mô nhỏ trong khi đó, các mô hình dự báo của chúng ta giống như các ô lưới, tuy nhiên, các ô lưới này hiện nay còn đang rộng và độ phân giải thấp. 

Cũng phải nói rõ, tại sao độ phân giải lại thấp, bởi điều kiện máy tính của Việt Nam hiện nay chưa đủ để chạy được độ phân giải cao. Cùng với đó, điều kiện số liệu của ta cũng chưa đầy đủ. Một điều nữa, đó là cho đến thời điểm này, chúng ta vẫn chưa thể hiểu, lý giải được hết hiện tượng này. Ngay chính hiện tượng vòi rồng ở Mỹ hiện nay cũng chưa thể dự báo được mà mới chỉ có thể dùng radar để quét và nghi chỗ nào có thì đến kiểm tra rồi đưa ra cảnh báo.

Thực tế, đối với các hiện tượng dông, lốc như tối 4/6 không thể dự báo được chính xác trước được mà chỉ có thể đưa ra cảnh báo về khả năng có thể xảy ra", GS.TS Tân cho hay.

GS.TS Phan Văn Tân.
GS.TS Phan Văn Tân.

Đồng quan điểm với GS Tân, ông Phạm Văn Đức, nguyên Phó Tổng giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cũng cho rằng, rất khó để có thể dự báo chính xác, sớm được hiện tượng dông nguy hiểm xảy ra vào tối 4/6 vừa qua.

"Hiện tượng dông nguy hiểm này là hiện tượng xảy ra trong phạm vi rất hẹp và thời gian diễn ra rất nhanh từ 15 phút đến khoảng 1 tiếng đồng hồ. Với những trận dông xảy ra trong khoảng 1 tiếng đồng hồ thì rất lớn.

Cho nên để dự báo thì chỉ có thể dự báo theo dự báo cực ngắn tức là trước khi hiện tượng dông này xảy ra khoảng một đến ba tiếng đồng hồ nhưng phải trong điều kiện là các radar phải hoạt động nghiêm chỉnh. Tuy nhiên, theo tôi được biết thì hiện nay, hệ thống radar của ta đã xuống cấp, trong khi các hệ thống mới chưa được lắp đặt nên việc dự báo ngắn này cũng còn rất khó khăn.

Còn cảnh báo thì có thể cảnh báo được trước từ 12 đến 24 tiếng đồng hồ nhưng đó chỉ là những cảnh báo chung cho toàn khu vực chứ không thể dự báo cụ thể sẽ xảy ra ở đâu, cường độ thế nào", ông Đức nhấn mạnh.

Theo GS.TS Tân, thông tin về hiện tượng thời tiết nguy hiểm này rất quan trọng đối với người dân, tuy nhiên việc dự báo chính xác các hiện tượng này còn gặp nhiều khó khăn và chưa chính xác nên rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị dự báo và các cơ quan truyền thông.

"Vai trò của các cơ quan truyền thông trong việc  đưa những thông tin cảnh báo về hiện tượng thời tiết nguy hiểm này rất quan trọng. Vì vậy ở đây, theo tôi cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị dự báo và cơ quan truyền thông.

Tuy nhiên, trong việc truyền tải thông tin về dự báo thời tiết hiện nay, tôi thấy, một số đơn vị làm còn chưa chính xác, không đúng, sử dụng các thuật ngữ khoa học khó hiểu. Hơn thế, còn có hiện tượng là nói khuếch đại, cường điệu lên quá, khiến cho người dân hoang mang và khi hiện tượng thời tiết không xảy ra như vậy đã làm cho người dân không còn tin vào dự báo.

Dự báo thời tiết là sự dự báo trước, nói trước tương lai, vì thế chỉ mang tính chất tương đối chứ không bao giờ tuyệt đối được. Chính vì vậy, trong thời gian tới, các cơ quan tuyên truyền cần phải làm sao đưa các thông tin dự báo thời tiết phải chuẩn, chính xác, có những lý giải bằng ngôn ngữ bình dân, gắn với đời sống, có như vậy, mới giúp người dân yên tâm, tin vào dự báo", GS Tân chia sẻ.

GS Tân cũng bày tỏ, để xảy ra thiệt hại lớn như trong cơn dông chiều 4/6 có một phần nguyên nhân do người Hà Nội còn chủ quan khi không theo dõi thường xuyên các thông tin cảnh báo của cơ quan dự báo khí tượng.

"Đúng là để xảy ra những thiệt hại kể cả về người trong cơn giông chiều qua có một phần nguyên nhân do người Hà Nội còn chủ quan trước những cảnh báo đã được phát.

Tuy nhiên, việc chủ quan này cũng có lý do của nó. Trước hết, đó là người dân còn chưa quen sử dụng các thông tin dự báo thời tiết. Việc hiểu và sử dụng các thông tin này mới chỉ ở mức là nếu dự báo 39 độ thì phải là 39 độ, nếu không đúng thì là sai. Hiểu như vậy là không đúng vì, dự báo chỉ có thể mang tính chất tương đối và hơn thế, với khí quyển thì không ai có thể báo trước được, đó là sự ngẫu nhiên", GS Tân nói.

Cây đổ đè bẹp xe, khiến lái xe taxi tử vong trong cơn giông nguy hiểm xảy ra chiều tối 4/6 tại Hà Nội.
Cây đổ đè bẹp xe, khiến lái xe taxi tử vong trong cơn giông nguy hiểm xảy ra chiều tối 4/6 tại Hà Nội.

GS.TS Đinh Văn Ưu (khoa Khí tượng thủy văn và Hải dương học, Trường Đại học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng, ở đây, chính là sự lơ là của bộ phận người dân Hà Nội trước các hiện tượng thời tiết nguy hiểm

"Đa phần người dân miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng đều có ý thức, không có sự chủ quan nhưng việc để xảy ra những tai nạn, thiệt hại về người khi có hiện tượng thời tiết nguy hiểm như vừa qua là do một bộ phận còn lơ là, chưa coi trọng sự tự ý thức, bảo vệ mình", GS Ưu cho hay.

Những lời khuyên để giúp tránh thời tiết nguy hiểm

GS.TS Phan Văn Tân cho rằng, để tránh những tai nạn có thể xảy ra khi có hiện tượng thời tiết nguy hiểm, người dân cần chủ động theo dõi các thông tin cảnh báo, tự ý thức trong việc bảo vệ chính mình.

"Điều đầu tiên, khi thấy có hiện tượng thời tiết nguy hiểm, bất thường, người dân cần phải tìm nơi trú ẩn an toàn, hạn chế tối đa việc di chuyển trên đường và không nên trú, nấp ở những gốc cây to, vì rất dễ bị tai nạn do các cành gãy, cây bật gốc gây ra.

Với hiện tượng dông thì thường kèm theo sấm, sét nên người dân cần chủ động tắt, rút các thiết bị điện trong gia đình để tránh bị hư hỏng do sấm, sét gây ra. Nếu ở các khu vực cánh đồng, hoang vắng cần bỏ các thiết bị có sắt, tắt điện thoại di động để đảm bảo an toàn.

Các cấp chính quyền cũng cần phải có sự nâng cao về nhận thức trong việc phòng chống thời tiết nguy hiểm có thể xảy ra. Chẳng hạn, đối với việc hạ chặt các cây trong nội đô Hà Nội hiện nay, tôi cho rằng, cần phải có sự thay đổi. Bởi lẽ, việc chặt hạ các cây cổ thụ, lớn đó chính là một phần nguyên nhân có thể khiến thiệt hại do dông, lốc nặng hơn.

Thêm vào đó, trong khi chặt các cây lớn cần chú ý, không nên chặt theo kiểu cành nào dễ chặt thì chặt còn khó chặt thì thôi, bởi cách làm như vậy rất nguy hiểm và có thể gây nhiều hậu quả", GS Tân đưa ra lời khuyên.

Còn GS Ưu bày tỏ, để nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng, tránh thiệt hại có thể xảy ra do dông, lốc thì quan trọng hơn cả vẫn là tăng cường công tác tuyên truyền sao cho nhanh chóng, ngắn gọn nhưng phải chính xác, rõ ràng, đầy đủ thông tin.

 

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại