Trước đây, việc một người phụ nữ được gọi là "cô" Phú (TX. Sông Công, Thái Nguyên) chữa bệnh bằng cách giẫm lên ngực, bụng, lưng, chân tay, hay những chỗ đau của người bệnh đã từng được báo giới trong nước phản ánh nhiều.
Mấy ngày nay, những hình ảnh hàng trăm bệnh nhân để trần lưng, kéo quần hơi tụt xuống để hở phần mông rồi nằm la liệt chờ "cô" Phú giẫm lên người tiếp tục được lan truyền.
"Cô" Phú từng đi chữa ở Bệnh viện Tâm thần
Được biết, "cô" Phú tên đầy đủ là Phạm Thị Phú, cư ngụ tại tổ 9 phường Mỏ Chè (TX. Sông Công, Thái Nguyên).
Một tờ báo trong nước cho hay, ngoài được gọi là "cô" thì bà Phạm Thị Phú còn được gọi là "cậu" Phú, "siêu nhân" Phú và thậm chí có người gọi bà là "cô Phú Bồ Tát".
"Cô" đã hành nghề được khoảng chục năm nay và số lượng bệnh nhân tìm đến là rất lớn, có thời điểm còn quá tải.
Theo thông tin trên tờ Sức khỏe & Đời sống, bà Phú từng phải nhập viện điều trị tâm thần.
Nguồn này thuật lại lời bà Phú như sau: “Tôi chỉ là người bán rau, cá ngoài chợ, sau một thời gian bị đau đầu kinh niên, tôi được gia đình cho đi chữa bệnh tại Bệnh viện Tâm thần Thái Nguyên và Bệnh viện Tâm thần Trâu Quỳ, Hà Nội".
Tờ Sài Gòn giải phóng cho hay, năm 2005, bà Phú được gia đình đưa từ viện tâm thần về nhà.
Khi đó, bà bắt đầu có những hành động mê tín dị đoan như tổ chức lên đồng, xem bói ở nhà, cho mình là người được thần nhập, có khả năng siêu phàm dự đoán mọi việc.
Những ý kiến trái chiều
Phóng viên của một tờ báo sau khi trực tiếp tới xem cảnh người phụ nữ này chữa bệnh đã gọi đây là "cách chữa bệnh quái gở".
Theo mô tả của phóng viên này, hàng trăm bệnh nhân với đủ các loại bệnh khác nhau được chữa cùng một kiểu, chủ chốt nhất là màn giẫm lên người bệnh.
Theo tờ Infonet, bà Phú nhận chữa các loại bệnh như bệnh ung thư, liệt, u hạch, tai điếc... Việc chữa bệnh của người phụ nữ này trải qua 4 công đoạn là: Ngồi - nằm ngửa - nằm sấp - quỳ.
Cụ thể, khi người bệnh ngồi, bà Phú sẽ dùng chân giẫm lên đầu, vai. Sau đó, người bệnh nằm ngửa, vén áo lên quá ngực để bà dùng châm giẫm lên ngực, bụng.
Tiếp đến, người bệnh nằm sấp để bà đứng trên lưng giẫm trong khoảng vài giây. Cuối cùng, bệnh nhân phải quỳ để "cô" tiếp tục dùng chân chữa bệnh.
Việc chữa bệnh của người phụ nữ này gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Năm 2010, tờ Công an nhân dân có đăng tải bài viết với tựa đề "Bộ Y tế cần sớm kết luận về trường hợp chữa bệnh của bà Phạm Thị Phú". Trong đó, tờ này đã ghi lại chia sẻ của nhà văn Lê Lựu, sau khi ông được bà Phú chữa bệnh cho.
"Sức khỏe của tôi khá hơn rất nhiều kể từ khi được cô Phạm Thị Phú chữa bệnh, ai gặp tôi cũng phải ngạc nhiên.
Theo nhận xét của tôi, khả năng chữa bệnh đặc biệt của cô Phạm Thị Phú, cũng giống như khả năng đặc biệt của một số nhà ngoại cảm mà khoa học chưa thể giải thích được", tờ này thuật lại lời nhà văn Lê Lựu.
Bà Phú giẫm đạp lên người để trị bệnh. Ảnh: T.Kiên/Sài Gòn giải phóng
Không chỉ vậy, được biết, năm 2010, Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người đã có đề tài nghiên cứu ứng dụng những khả năng đặc biệt để chữa bệnh, nâng cao sức khỏe cộng đồng, trong đó nghiên cứu khả năng của bà Phạm Thị Phú.
Cũng theo tờ Sài Gòn giải phóng, Trung tâm trên và Trung tâm Nghiên cứu bảo trợ văn hóa truyền thống, sau khi tìm hiểu cách chữa bệnh của bà Phú đã có kết luận:
"Khả năng ngoại cảm của bà Phú có tác động tích cực lên sức khỏe con người, góp phần chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giảm bớt mức độ bệnh tật một số người".
Đoàn công tác của Bộ Y tế đã lên tận nơi
Trong một diễn biến khác, theo tờ Sức khỏe & Đời sống, năm 2010, một đoàn công tác của Bộ Y tế, do lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh làm trưởng đoàn đã trực tiếp lên nhà bà Phú để làm rõ sự việc.
Theo nguồn trên, khi lý giải về lý do khám chữa bệnh tại nhà của mình, bà Phú cho hay, sau khi điều trị ở viện tâm thần về, bà không thích ngủ mà chỉ thích lang thang ra nghĩa trang ngủ.
Một thời gian sau đó, bà thấy trong người khác lạ và có khả năng dự đoán cho mọi người.
"Tôi cũng không học về y hay dược nhưng từ năm 2005, chả hiểu sao mọi người cứ tìm đến nhà tôi để nhờ tôi chữa bệnh.
Khi tỉnh táo, được các cấp chính quyền giải thích tôi hiểu rằng việc chữa bệnh của mình là phản cảm, nhưng nếu 3 ngày mà không được chữa bệnh cho ai, thì người tôi bứt rứt, khó chịu...", tờ Sức khỏe & Đời sống dẫn lại lời bà Phú.
Sau khi trực tiếp kiểm tra, làm việc với giới chức địa phương, đoàn công tác của Bộ Y tế đã kết luận, bà Phạm Thị Phú không được đào tạo về y khoa, không có bất cứ chứng nhận, chứng chỉ, bằng cấp về đào tạo y khoa.
Ngoài ra, bà Phú không có giấy chứng nhận lương y, không có giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền cũng như không có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh.
Được biết, tháng 7/2010, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa yêu cầu đình chỉ việc chữa bệnh bằng cách giẫm, đạp lên chỗ đau của người bệnh của bà Phạm Thị Phú.
(Tổng hợp)