Đúng khen, sai cũng… khen
Thanh Thủy (Phú Thọ) một ngày đầu tháng 11/2015, tròn 1 năm sau bản báo cáo số 220 được gửi đi từ địa phương này về “Công tác quản lý kinh doanh bến bãi trên tuyến sông Đà” đoạn chảy qua địa bàn.
Theo đó, đợt kiểm tra cuối năm 2014 cho thấy, thực trạng bến bãi trên toàn huyện Thanh Thủy rất phức tạp, có tới 5/6 tổ chức, 11/14 hộ gia đình và cá nhân bị kết luận là hoạt động không phép.
Dẫu thực tế là vậy, nhưng sau tất cả, bản báo cáo vẫn không quên nhấn mạnh và chuyển tải nhiều thông điệp mang tính tích cực:
“Nhìn chung các dự án đi vào hoạt động hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, nộp nghĩa vụ thuế với Nhà nước...".
Văn bản này cũng dành nhiều dòng nhắc tới doanh nghiệp (DN) tư nhân Xuân Thiều như một điểm sáng điển hình tại địa phương, trước khi nói sẽ “yêu cầu dừng” và “xử lý nghiêm” các bến bãi “chui”:
“Trong 6 tổ chức hoạt động kinh doanh bến bãi, có DN tư nhân Xuân Thiều tại xã Thạch Đồng được UBND tỉnh giao đất năm 2006, có đầy đủ các thủ tục về dự án, đất đai, môi trường và các giấy tờ liên quan đến hoạt động bến bãi và đi vào hoạt động hiệu quả”.
Thế nhưng, khác với những gì lạc quan được ngay ngắn in trên mặt giấy, khu vực bãi bồi dọc con sông dữ như một gương mặt chằng chịt sẹo.
Những bãi tập kết vật liệu vẫn ngang nhiên tồn tại, phủ bóng đen lên các biện pháp “xử lý nghiêm” của UBND huyện Thanh Thủy từng ban bố trước đó.
Một người địa phương đưa chúng tôi men theo khúc sông Đà đoạn chảy qua xã Thạch Đồng rồi với tay chỉ về phía những đụn cát, than, đá... cao vọi, khẳng định những gì diễn ra đang “đè” lên pháp luật.
Những bến bãi mọc lên như nấm sau mưa trên bãi sông, xâm phạm nghiêm trọng hành lang thoát lũ và đang "đè" lên pháp luật.
“Họ thuê lại đất canh tác của dân rồi tự ý chuyển đổi mục đích, xây cất nhà xưởng làm bãi tập kết trái phép. Hết bãi này đến bãi khác, đến nay đã thành một hệ thống bến bãi dày đặc rồi”, anh bức xúc.
Là một kỹ sư thủy văn, người đàn ông tên Thành này giải thích lý do tại sao anh cảm thấy lo lắng:
"Sông Đà vốn rộng lớn lại đặc biệt hung dữ vào mùa bão lũ. Lúc ấy, nước gầm gào tràn trắng bờ, nuốt chửng các doi đất, cuốn phăng hoa màu.
Việc hành lang thoát lũ bị xâm phạm bởi hệ thống nhà xưởng có thể ngăn trở việc thoát nước. Gia tăng nguy cơ ngập lụt nếu xảy ra mưa lớn".
"Lỗi thuộc về lịch sử"
Tiếp tục đi vào tìm hiểu thực tế, chúng tôi lại một lần nữa nhận thấy DN duy nhất có phép Xuân Thiều chẳng mẫu mực giống những gì bản báo cáo dài 5 trang miêu tả.
Theo quan sát, bến bãi của DN này khá rộng lớn, gồm cả cảng thủy, ăn sát mép nước, được đầu tư hoành tránh và cũng nổi bật nhất trong những bến bãi dọc tuyến sông Đà.
Ngoài việc bê tông hóa phần lớn diện tích đất nền, Xuân Thiều cũng đầu tư hệ thống nhà xưởng và nhà điều hành khang trang kiên cố.
Khu nhà xưởng kiên cố trên hành lang thoát lũ của DN Xuân Thiều.
“Chưa nói đến việc Xuân Thiều lập bến bãi và cảng thủy có đúng hay không, nhưng chắc chắn việc DN này cho xây dựng nhà xưởng kiên cố là trái pháp luật”, anh Thành nhấn mạnh.
Bên cạnh DN duy nhất có phép này, vị kỹ sư thủy văn cũng cất công đưa đường giúp chúng tôi tận tường những bất ổn khác dọc theo bãi bồi ven sông Đà.
Ngoài 20 tổ chức, hộ gia đình và cá nhân đã được điểm tên trong báo cáo, còn hàng chục bến bãi tự phát khác cũng đua nhau mọc lên, chủ yếu kinh doanh cát sỏi, khiến toàn tuyến sông bị biến dạng như một trận địa tan hoang.
Để làm rõ hơn về những bến bãi không phép, về những cáo buộc liên quan đến “điểm sáng” Xuân Thiều, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Thanh Tùng – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Thanh Thủy.
Ông Tùng thông tin, sau lần rà soát nói trên, cơ quan ông chưa có thêm đợt thanh kiểm tra nào có tính bước ngoặt về lĩnh vực này.
Một góc cảng thủy được bê tông kiên cố của doanh nghiệp Xuân Thiều.
Người đừng đầu phòng TN&MT huyện thừa nhận sự lỏng lẻo của địa phương trong công tác quản lý khi để xảy ra tràn lan tình trạng bến bãi "chui", tuy nhiên lại không đưa ra được giải pháp xử lý nào cụ thể.
"Đó là tình trạng chung và do lịch sử để lại", ông Tùng lúng búng phân trần trước câu hỏi liên quan đến trách nhiệm cá nhân.
Về dự án rộng gần 1 ha nằm trên hành lang thoát lũ của Xuân Thiều, vị trưởng phòng cho biết, không thuộc thẩm quyền của đơn vị ông bởi "đây là dự án do tỉnh cấp phép", nhưng cũng thừa nhận Xuân Thiều "vẫn còn vướng mắc về thủ tục xây dựng".
Trưởng phòng TN&MT Nguyễn Thanh Tùng: "Đó là tình trạng chung và do lịch sử để lại...".
"Về đất đai thì DN này có giấy tờ đầy đủ, dự án cũng phù hợp với quy hoạch chung. Còn xây dựng thì vẫn còn vướng mắc", ông cho hay.
Cũng theo lời ông Tùng, quản lý các công trình nằm trên hành lang đê, hành lang thoát lũ còn thuộc nhiều cơ quan khác như nông nghiệp, đê điều... do đó, để xảy ra những vi phạm không đơn giản chỉ có trách nhiệm của đơn vị ông.
Vậy tại sao một công trình nhà xưởng đồ sộ vẫn có thể ngang nhiên tồn tại trên hành lang thoát lũ suốt nhiều năm mà DN chủ quản không những không bị xử phạt mà vẫn được nhắc đến như một điển hình của địa phương?
Tiếp tục chắp nối các thông tin, chúng tôi thực sự bất ngờ khi nhận thấy chủ nhân DN Xuân Thiều có mối quan hệ cực kỳ đặc biệt với Chánh Văn phòng UBND tỉnh Phú Thọ, nguyên Chủ tịch UBND huyện Thanh Thuỷ.
Vậy mối quan hệ đó là gì? Mời các bạn đón đọc kỳ sau: Tại sao voi chui tọt... lỗ kim?
5 lần bị lập biên bản
Theo chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Phú Thọ, việc DN Xuân Thiều cho tiến hành xây dựng nhà xưởng kiên cố trong hành lang thoát lũ đã vi phạm nghiêm trọng luật đê điều và pháp lệnh phòng chống lụt bão.
Do đó trong trong quá trình xây cất, hạt quản lý đê Tam Thanh đã ít nhất 5 lần lập biên bản yêu cầu đơn vị này dừng thi công để bổ sung các thủ tục.
Tuy nhiên cho đến nay, công trình xây dựng đã hoàn thiện và đi vào hoạt động khá lâu nhưng vẫn chưa được cấp phép bởi các cơ quan có thẩm quyền.
(Còn nữa)