Do mới rải xong phần cấp phối bằng đất lại gặp mưa nên mặt đường hơi khó đi, song xe máy vẫn dễ dàng vượt dốc. Con đường rộng tới gần chục mét uốn lượn trong mầu xanh của rừng bạch đàn, keo và sắn.
Dừng xe ở đỉnh dốc, anh Lâm Văn Dực, cán bộ Giao thông thủy lợi xã Kiên Lao cho biết, tuyến đường này thuộc dự án xây dựng đường giao thông vào trung tâm các xã nghèo miền núi, bắt đầu từ đường 295 đến đèo Cóc dài gần chục cây số, trong đó mặt đường được bê tông rộng 6m.
Đặc biệt, từ đèo Cóc đi thêm 7 km là đến thị trấn Mẹt, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, nên khi tuyến đường hoàn thành sẽ rất thuận tiện trong việc thông thương hàng hóa, nhất là tiêu thụ vải thiều. Bà con nông dân ở đây sẽ không phải mất công mang hàng ra thị trấn Chũ, chạy xuống TP Bắc Giang rồi mới vòng lên Lạng Sơn, mà từ đây ô tô chạy thẳng ra trung tâm huyện Hữu Lũng, rút ngắn vài chục cây số.
- "Mở tuyến đường tại Kiên Lao là điều đáng mừng, nhưng mừng hơn trong quá trình thi công, chính quyền, nhà thầu nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân sống ven trục đường. Gần 50 hộ tự nguyện hiến đất, đa số là người dân tộc thiểu số, tiêu biểu nhất là bà Ninh Thị Thành (SN 1960), dân tộc Sán Chí, thôn Hố Bông hiến gần 8 nghìn m2 đất"- Ông Đặng Ngọc Nguyên, Thường trực Đảng ủy xã Kiên Lao tự hào thông tin.
Trong lúc dẫn chúng tôi tới vị trí đất mới hiến, bà Thành kể, trước đây việc đi lại ở khu vực này rất khó khăn, đường nhỏ, dốc, đá gập ghềnh. Mặc dù gia đình có gần 14 ha đất rừng tự nhiên và 4,3 ha đất đồi, nhưng thỉnh thoảng bà mới lên thăm được. Việc trồng, chăm sóc cây (cả cây rừng và cây trồng xen) gặp khó khăn vì tất tần tật từ vận chuyển phân bón và dụng cụ sản xuất đến thu hoạch sản phẩm đều bằng đôi vai con người, vừa mệt lại chậm. Sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, giá thấp vì rất ít người đến thu mua.
Ước mơ về một con đường rộng, đi lại thuận tiện đã có trong bà từ lâu, chính vì thế khi được cán bộ xã, thôn phổ biến chủ trương hiến đất làm đường, bà ủng hộ ngay. Song thời điểm đó, điều bà trăn trở nhất là làm thế nào để mọi thành viên trong gia đình cùng thông suốt quan điểm này (gia đình bà có 5 người con trai- PV). Phải suy nghĩ mất mấy ngày rồi lựa một hôm thích hợp, có đông đủ các con, bà Thành mới trao đổi về việc hiến đất. Lúc đầu có ý kiến cho rằng không nên dại thế, cứ đề nghị Nhà nước đền bù được đồng nào hay đồng đấy. Tuy nhiên khi nghe bà thuyết phục, tất cả các thành viên trong gia đình đều thông suốt.
Khu vực bà Thành hiến đất làm đường.
- Bằng cách nào mà chị vận động được các con đồng ý hiến đất? Tôi hỏi.
- "Nói là vận động nghe to tát quá, tôi chỉ bảo với các con thế này: Mẹ nghe đài, xem truyền hình thấy nhiều người dân hiến đất xây dựng nông thôn mới, có người còn bỏ cả đống tiền cùng bao ngày công đi tìm hài cốt đồng đội. Ngay trong xã Kiên Lao cũng có hàng chục gia đình như ông Lâm Văn Lợi, Hoàng Văn Tha ở thôn Nóng; Trần Ngọc Đường, Hoàng Văn Hành ở thôn Họ... không chỉ hiến đất mà còn chặt cả vải thiều đang cho quả để làm đường. Chẳng nhẽ họ đều là những người dại ư? Hơn nữa có co đường rộng rãi rồi, mẹ con mình muốn lên bãi thăm cây sắn, cây keo… cũng thuận tiện đấy chứ. Ở đời đừng lúc nào cũng tính toán thiệt hơn. Thế là các con tôi đều đồng ý "- bà Thành phấn khởi.
Ban đầu, gia đình bà Thành hiến 7.980 m2 đất, nhưng khi thi công, đất đá gạt từ những mỏm núi xuống rất nhiều lại thiếu chỗ đổ, được cán bộ xã vận động, gia đình bà lại tiếp tục dành gần 10 nghìn m2 khu vực sườn núi đang trồng keo, bạch đàn để tập kết đất, dựng lán ở cho công nhân. Nhờ đó, việc thi công thuận lợi, con đường mới, đẹp lên từng ngày.
"Chúng tôi rất tự hào về bà Thành. Mà không tự hào sao được khi nhiều nơi chỉ vì một vài m2 đất mà sinh ra kiện tụng, thậm chí anh em trong gia đình từ nhau, bà Thành hiến tới gần 8 nghìn m2 đất mà nhẹ như không” - Trưởng thôn Hố Bông Ninh Văn Tiến tự hào.
Cũng theo ông Tiến, không chỉ hiến đất làm đường, mọi công việc của thôn bà đều tham gia tích cực. Cùng đó, bà còn vận động người thân trong gia đình thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Sau khi bà hiến đất, các em chồng là Lâm Văn Sơn, Lâm Văn Thủy cũng hiến tới hàng nghìn m2. Tuyến đường không giúp người dân trong thôn, xã đi lại thuận tiện, mà còn tăng giá trị nông sản hàng hóa. Vải thiều, sắn, khoai tây… được thương nhân đến tận thôn thu mua, giá cả cũng vì thế ổn định và tăng hơn trước. Vụ vừa qua, người dân trong thôn xuất bán hơn 200 tấn vải thiều, gần 300 tấn sắn và các sản phẩm khác. Đời sống các hộ dân từng bước được cải thiện. Có đường đi thuận lợi, học sinh đến lớp đều hơn, bỏ học giảm. Năm học vừa qua không có học sinh nào bỏ học, nhiều em thi đỗ các trường cao đẳng, đại học.
Nhìn cảnh người xe qua lại thuận tiện, nông sản hàng hóa được vận chuyển bon bon trên tuyến đường mới, bà Thành như thấy mình trẻ ra. “Tôi vui bởi từ sự đóng góp của mình đã mang lại lợi ích cho bà con trong thôn cũng như cộng đồng – Cho đi để nhận niềm vui”- Bà Thành nói trước lúc chia tay.