Chuyện tình thượng úy "ba lần cưới hụt"

33 tuổi, chàng thượng úy người Nghệ An tên Nguyễn Văn Dũng là trưởng ngành 5 (ngành cơ điện), vốn được ví như trái tim của con tàu cảnh sát biển 4033.

Các đồng đội cứ trêu: quá tam ba bận. Hỏi ra mới hay anh đã... hai lần cưới hụt.

Lần thứ nhất, gia đình hai bên định tổ chức đám cưới vào tháng 2-2014 thì phải hoãn vì thượng úy Dũng đi làm nhiệm vụ đột xuất. Hai bên quyết định dời lại, tổ chức ngày 8-6 nhưng không được vì chú rể tương lai đang ở Hoàng Sa, không về kịp.

“Trên tàu có ba vị trí gần như bắt buộc không thể thay thế, không được nghỉ phép khi có lệnh đột xuất. Đó là thuyền trưởng, chính trị viên và trưởng ngành 5” - trung úy Hoàng Văn Thường (chính trị viên tàu cảnh sát biển 4033) cho hay.

Hai lần cưới hụt và cặp nhẫn cưới trao trên tivi

Thượng úy Nguyễn Văn Dũng là sĩ quan của tàu cảnh sát biển 4033 - con tàu có nhiều cái nhất ở Hoàng Sa:

Một trong những tàu có mặt sớm nhất ở thực địa, là tàu đầu tiên bị đâm ở khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, là một trong những tàu kiên trì bám trụ làm nhiệm vụ dài ngày nhất tại thực địa.

Như một cơ duyên không hẹn mà trùng hợp, đúng ngày 8-6 là ngày gia đình hai bên định tổ chức đám cưới lần thứ hai cho anh Dũng thì chương trình cầu truyền hình mang tên “Tổ quốc nhìn từ biển” của Đài truyền hình Việt Nam đã dành tặng một món quà bất ngờ cho thượng úy Dũng và người vợ sắp cưới.

Tại đầu cầu Đà Nẵng, ông Văn Hữu Chiến - chủ tịch UBND Đà Nẵng - đã bất ngờ tặng cặp nhẫn cưới cho vợ sắp cưới của anh Dũng - chị Nguyễn Thị Nhàn (25 tuổi) - như một món quà dành cho cặp vợ chồng trẻ tương lai.

“Tôi vui và bất ngờ lắm. Cứ cười mãi. Anh em trêu chả biết nói lại câu gì. Hôm ấy tôi thấy mẹ và Nhàn khóc nhưng lại thấy rất vui.

Đêm đó không ngủ được. Ai cũng bảo tôi quá may, vì nhờ được tặng nhẫn cưới trên truyền hình, cả nước đều biết mặt cô dâu tương lai rồi nên nếu có lỡ hẹn lần nữa, cô ấy cũng không “dám” bỏ mình” - thượng úy Nguyễn Văn Dũng cười rạng rỡ kể.

Trước đó ngày 31-5, để chuẩn bị cho món quà bất ngờ này, khi tàu cảnh sát biển 4033 đang ở cảng của Nhà máy Sông Thu (Đà Nẵng) để bảo dưỡng và khắc phục một số bộ phận, nhóm phóng viên VTV đã quay một số hình ảnh về thượng úy Nguyễn Văn Dũng.

Anh Dũng kể: “Lần đó về công việc bận quá, Nhà máy Sông Thu sửa tàu đến 4g sáng, tôi bảo VTV cố gắng quay gọn trong thời gian ngắn thôi. Không ngờ họ quay để chuẩn bị cho chương trình cầu truyền hình này”. Hai ngày sau tàu cảnh sát biển 4033 trở lại Hoàng Sa lần thứ ba làm nhiệm vụ. Bí mật này được giữ kín cho đến phút chót.

Nhà có ba anh em trai. Anh Dũng là con út. Hai anh trai đã lập gia đình. Năm ngoái, từ tháng 4 đến tháng 8 anh đi làm nhiệm vụ biền biệt trên biển.

Nhắc về gia đình, anh Dũng lại có một kỷ niệm khác, thật đau đáu. Đó là lần mẹ anh bị tai nạn giao thông, nằm viện bốn tháng nhưng cả nhà giấu. Khi vào bờ, anh trai cho hay nhưng thượng úy Dũng cũng không thể về thăm mẹ. Sau chuyến đi Hoàng Sa thứ nhất, tàu cảnh sát biển 4033 quay về Đà Nẵng ngày 26-5.

Mở điện thoại, anh thấy 167 cuộc gọi nhỡ của mẹ. Mẹ lặn lội từ Nghệ An vào thăm, anh đưa mẹ xuống tàu chơi. Nhớ mẹ quá, anh xin không ở lại tàu ăn cơm trưa mà về khách sạn mẹ đang ở để hai mẹ con có nhiều thời gian tâm sự. Người mẹ thấy con trai khỏe mạnh trở về từ nơi căng thẳng cứ ôm con mà khóc.

Ngỏ lời qua điện thoại và Facebook

Vợ sắp cưới của anh, chị Nguyễn Thị Nhàn (25 tuổi), là người cùng quê. Nhà hai người cách nhau 5km. Do thời gian ở đơn vị nhiều quá, lúc mới quen anh toàn “cưa” qua điện thoại và Facebook.

Mới đến nhà người yêu chơi hai lần, anh đã xin được làm đám hỏi. Chị Nhàn học Trường cao đẳng Tài chính - kế toán Nghệ An rồi học liên thông lên đại học, tốt nghiệp năm 2012. Nghe lời khuyên của người yêu, chị học thêm tiếng Anh để vào Đà Nẵng xin việc dễ hơn.

Khi Nhàn đưa về nhà chơi, anh mới hay gia đình cô gái nhỏ nhắn ấy cũng rất hoàn cảnh. Bố mất sớm, mẹ lớn tuổi (hơn 60). Chị lớn đi lấy chồng. Em trai út đã tốt nghiệp đại học và đi làm. Nhàn ở nhà quán xuyến hết mọi việc gia đình.

“Lúc ấy Nhàn còn đi học nhưng rất chịu khó làm việc nhà, giúp mẹ đi chợ, nấu nướng. Tôi nghĩ một người bộ đội như mình, cưới Nhàn sẽ rất phù hợp vì cô ấy có thể quán xuyết mọi việc gia đình. Còn Nhàn nói yêu tôi vì tôi thẳng thắn, thật thà. Tôi có nói với Nhàn: đã xác định đến với anh, sướng khổ gì cũng chấp nhận nhé.

Đặc thù công tác của anh là thế, em thấy thế nào? Nhàn bảo: em đã xác định từ lúc thích anh rồi. Anh cứ yên tâm đi công tác. Ở nhà em sẽ quán xuyến hết. Nhiều lúc nghĩ lại tôi thấy Nhàn thiệt thòi quá. Nếu yêu người khác không phải bộ đội có thể nhàn hạ hơn nhiều” - thượng úy Nguyễn Văn Dũng bộc bạch.

Nhưng với khí phách của một người lính, thượng úy Dũng vẫn chắc nịch: Không dễ cân bằng giữa nhiệm vụ, công việc và chuyện cá nhân gia đình. Có lúc tôi thấy mình không trọn vẹn được với tình yêu, để cô ấy phải thiệt thòi, phải khóc nhiều.

Tuy nhiên với chúng tôi, đã bước chân vào quân ngũ thì nhiệm vụ là trên hết. Đã lên tàu làm nhiệm vụ thì không suy nghĩ, phân vân gì những chuyện ở sau lưng.

Bởi với các anh, rèn luyện ý thức kỷ luật ngay từ trong tâm thức đã trở thành máu thịt...

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại