Chuyện tình của 'Romeo - Juliet miền Tây' ly kỳ như phim

Hận thù giữa "đằng trai" và "đằng gái" cao đến mức, người thân của cô gái đe dọa "cắt đầu treo trên cầu", thậm chí kéo nhiều người đến bắt cóc mẹ chàng trai làm con tin.

>>> Kỳ trước: Kết thúc có hậu của "Jomeo - Juliet" miền Tây

Không chỉ vậy,người mẹ tội nghiệp bị khiêng đi suốt quãng đường hằng mấy cây số...

Bắt trói nhà gái, khiêng đi khắp làng

Nhờ mẹ ruột giúp sức, lần bỏ trốn này, Trinh và Dễ đã đi xa trót lọt. Bà Lê Thị Bích, mẹ Dễ thấy hai trẻ thương nhau thiệt tình nên đã cho Dễ chiếc xe máy, lẫn chiếc máy cắt lúa của gia đình để cậu con trai tự tìm đường sinh sống.

Gia đình ông Tư Hậu nghi ngờ bà Bích tiếp tay cho Dễ và Trinh bỏ trốn, nên không ít lần đến nhà ép buộc bà Bích phải nói ra chỗ ở của hai người. Thuận tình cho đôi trẻ, nhưng bà Bích làm sao biết được Dễ đưa Trinh đi đâu.

Nghĩ bà Bích cố tình che giấu, lại mang nỗi căm giận Dễ vì... "dám bỏ bùa mê, thuốc lú" con gái mình, ông Tư Hậu ấm ức trong lòng, ăn không ngon, ngủ không yên. Bà Tám Hồng Hoa, dì ruột của Trinh cũng hậm hực vì muối mặt với nhà chàng trai tên Pha, người mà bà từng mai mối cho Trinh.

Bởi vậy, tình hình đã căng thẳng, bà Tám lại còn tối ngày thủ thỉ, nói những câu như "đổ thêm dầu vào lửa" khiến cơn nóng giận của ông Tư Hậu lên đến đỉnh điểm.

Tức khí, ông Tư Hậu cùng người thân qua nhà bà Bích, nặng lời đe dọa, rằng, nếu không "giao nộp" đôi trai gái thì nhà Dễ sẽ biết tay, rằng, nếu cương quyết không chỉ chỗ hai đứa thì sẽ "cắt đầu treo trên cầu 7000" ... - chiếc cầu nối con kênh ngăn cách hai nhà.

Đến một ngày cuối năm 2006, gia đình Trinh đã kéo rất đông người đến bắt cóc bà Bích đem về xã Nhơn Hòa Lập cũ làm con tin, với lời nhắn khi nào con gái họ trở về thì mới thả mẹ của Dễ ra.

Bà Bích chống cự quyết liệt nên xảy ra việc hành hung, bắt trói người. Một mình bà Bích ở nhà, không biết kêu ai nên đành phải chịu trói trước đám người hung hãn.

Sau đó, người mẹ tội nghiệp đã bị khiêng đi suốt quãng đường hằng mấy cây số trước sự chứng kiến của hàng trăm người dân, nhưng không ai dám can thiệp.

Dũng cảm vượt qua mọi thù hận cách trở hai người cuối cùng cũng đã được ở bên nhau.

Sau, nhờ có người báo tin, chính quyền, công an xã đã kịp thời có mặt giải cứu cho bà Lê Thị Bích. Cuộc bắt cóc không thành đã khiến nạn nhân bị thương nặng, phải vào viện điều trị. Nghe tin nhà xảy ra chuyện "động trời", Dễ liền đưa Trinh trở về quê để chăm sóc mẹ và cũng nhằm xoa dịu cơn giận của ông Tư Hậu. Lúc này, trong bụng Trinh đã mang giọt máu của Dễ.

Những người phạm tội đã phải nhận bản án công tâm của pháp luật. Ngày hầu tòa, chính Đoàn Văn Dễ với tư cách đại diện phía bị hại đã đưa đơn xin giảm án cho người thân của Trinh. Về phần mình, Trinh chỉ biết quỳ trước nhà mong cha mẹ ruột tha thứ tội, và báo tin mình đã mang thai.

Nhưng không vì thế mà ông Tư Hậu thôi oán giận gia đình Dễ. Vì ông nghĩ chính Dễ là nguyên nhân khiến người thân của ông vướng vào tù tội, khiến ông mang tiếng có đứa con gái "bỏ nhà theo trai". Nên ngay lập tức, ông đuổi Trinh ra khỏi nhà, tuyên bố từ con, từ cháu và không cho bất kì người thân nào trong gia đình được gặp Trinh.

Chuyện đăng ký kết hôn cũng lắm ly kỳ

Thương con trai và con dâu, mẹ của Dễ liền cho cả hai mảnh đất gần nhà để dựng chòi ở tạm. Ổn định xong nơi ăn chốn ở, Đoàn Văn Dễ và Nguyễn Thị Trinh ra UBND xã Tân Thành làm giấy đăng kí kết hôn.

Dễ tâm sự: "Tuy không được làm lễ gia tiên trước gia đình hai họ, nhưng chúng em muốn chính thức trở thành vợ chồng trên mặt pháp lý".

Theo thủ tục, phải có sổ hộ khẩu của cả hai người để cán bộ hộ tịch cắt nhân khẩu, mới có thể làm được giấy đăng kí kết hôn. Nhưng ngặt nỗi, cha của Trinh đã từ mặt con nên cô không thể về nhà để lấy hộ khẩu.

Cái thai đang lớn dần lên, muốn làm giấy khai sinh cho con có đủ tên của cả cha lẫn mẹ thì cũng phải cần đến tờ giấy đăng kí kết hôn ấy.

Đương lúc không biết phải làm sao, thì em gái Trinh là Lụa lén đến nhà thăm chị. Hai chị em tỉ tê một hồi, thấy chị đang bối rối, Lụa liền hứa sẽ giúp Trinh trộm hộ khẩu gia đình.

Chiếc xe đạp đơn sơ là phương tiện Dễ đưa đón vợ con qua những khúc khuỷu quanh co đường làng.

Ông Tư Hậu, biết con gái ra UBND xã đăng kí kết hôn mà không được do thiếu giấy tờ thì về nhà cất sổ hộ khẩu rất kỹ, sợ bà Tư lại "tiếp tay" cho con gái. Vì thế, Lụa cho dù cố gắng đến cách mấy cũng không thể tìm ra. Nhưng một hôm hai mẹ con cùng đi chợ, thì bà Tư Hậu dúi cuốn sổ hộ khẩu vào tay Lụa.

Biết ý, Lụa liền cầm qua nhà giao cho Trinh. Xong đâu đấy, cuốn sổ hộ khẩu lại được lặng lẽ trả về chỗ cũ.

Hận thù biết bao giờ nguôi?

Đăng kí kết hôn xong thì cũng đến lúc Trinh chuyển dạ. Bé gái đầu lòng có khuôn miệng xinh xắn giống Trinh và làn mi cong vút của Dễ, khiến ai nhìn cũng muốn nựng yêu.

Mang nỗi ấm ức trong lòng nên cha mẹ Dễ đặt tên cho cháu gái là Đoàn Thị Ngọc Hận. Dễ và Trinh dù không ưng nhưng nào dám cãi lời cha mẹ, nên đành để tên con trong giấy khai sinh là Ngọc Hận, còn ở ngoài thường gọi là Thúy An.

Được một năm sau, Trinh tiếp tục sinh cho Dễ một đứa con trai kháu khỉnh khiến hạnh phúc gia đình càng vuông tròn, ấm áp.

Oán giận cũng đã dần nguôi ngoai, bà Bích thương dâu, thương cháu nên đặt tên bé trai là Đoàn Thanh Nhàn với ý nghĩa xóa bỏ hận thù, sống cuộc đời thanh thản.

Nhưng ông Tư Hậu thì vẫn cương quyết không cho bất cứ người nào trong gia đình đi thăm Trinh, khiến bà Tư mỗi lúc nhớ con, nhớ cháu chỉ len lén tạt ngang ghé nhìn. Đến nỗi, ngày đám tang ông nội, mẹ chồng Trinh qua nhà báo tin rồi bảo con dâu nên về để tang, thắp nén nhang cho người đã khuất.

Nào ngờ, Trinh mới lấp ló ngay đầu ngõ, ông Tư Hậu đã vác chổi đuổi đi. Thấy hai đứa cháu khôn ngoan xinh xắn, ông cũng chỉ tần ngần đứng nhìn một chút, rồi cứ thế quay lưng.

Trinh đứng trước cửa nhà nhìn lưng cha đã còng, tóc bắt đầu bạc trắng phơ phơ mà chỉ biết khóc rưng rức...

Trinh nói trong nước mắt: "Em đâu có giận cha, em lúc nào cũng mong cha xóa bỏ hận thù mà nhìn con, nhìn cháu. Tại cha bị người ta xúi mới đến nỗi làm bậy như vậy, chứ em biết cha tuy hơi khó tính nhưng hồi giờ chưa hề làm mất lòng một ai, cha cũng chưa từng đánh mẹ với các con một roi nào.

Em nhớ mẹ lắm, mẹ con mỗi lần gặp nhau chỉ lén lén lút lút. Giờ em chỉ mong cha mẹ khỏe mạnh, em bất hiếu, cha giận em thì em chịu, chứ em biết làm sao nữa đây".

Mái tranh nghèo nhưng hạnh phúc gia đình Dễ và Trinh luôn khiến người khác thầm ngưỡng mộ.

Thời gian thấm thoát trôi qua, tới mùa vụ Dễ vác máy đi cắt lúa mướn, Trinh ở nhà nuôi cá lóc mùng trong chiếc ao nhỏ phụ chồng đắp đổi qua ngày. Thấy Trinh hiền lành lại ăn nói lễ phép nên bà Bích – mẹ Dễ không còn giận gia đình Trinh nữa mà hết mực thương yêu con dâu. Hai đứa cháu vừa kháu khỉnh, vừa thông minh, lanh lợi khiến bà cũng dần quên đi tai nạn năm nào.

Bà Lê Thị Bích tâm sự: “Sẵn đây, tui nói luôn là tui chỉ mong nhà bên đó quên đi thù hận, để cho cháu nó biết nhà nội, mà vợ chồng thằng Dễ cũng an tâm mà sống cuộc đời của nó. Hận thù chi, chỉ khổ mình, khổ con cháu mình mà thôi”.

Quả thật, tình càng gian khó, cách trở lại càng sâu sắc mặn mà. Cho đến tận bây giờ, mỗi khi kể lại mối tình vượt qua thù hận của Đoàn Văn Dễ và Nguyễn Thị Trinh, ai cũng không khỏi khâm phục nghị lực của đôi bạn trẻ. Chỉ mong, thời gian dần xóa bôi thù hận, để gia đình nhỏ ấy, hạnh phúc được vẹn tròn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại