Chuyện lạ ở thung lũng người Thái: Thôn không điện, 600 người 1 tivi

Nhóm PV |

Sau màn khởi động ằng ặc, chiếc máy cày – máy phát điện bắt đầu "ho" lên sòng sọc, màn hình của chiếc tivi duy nhất trong thôn Đồng Lách bật sáng giữa tiếng máy móc và trầm trồ của hàng trăm con người.

 

Video "Rạp chiếu phim ông Xuân"

“Rạp chiếu phim ông Xuân” và buổi chiếu như thời bao cấp

“Mới sáu rưỡi mà đã tối thế”, bà Lương Thị Hói (84 tuổi, thôn Đồng Lách, xã Tân Trường, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) ngồi lầm rầm trong ánh sáng nhờn nhợt phát ra từ chiếc đèn ắc-quy.

Hôm nay ở bên nhà ông Xuân lại chiếu tivi, bà muốn sang xem lắm nhưng khổ nỗi, nhà ông Xuân thì ở giữa làng mà cái chân bà Hói lại đau quá nên dù tiếc cũng chẳng thể nào đi nổi.

Lúc bấy giờ, ở nhà ông Phạm Văn Xuân (42 tuổi), cô con gái và đứa cháu ngoại của bà Hói cùng hàng trăm người đã có mặt.

Họ lục đục chọn chỗ, lót dép hay ngồi bệt xuống mà bàn tán xem hôm nay ông Xuân sẽ mở phim gì, nhớ lại xem đã bao lâu mới lại được xem tivi...

Trong số hàng trăm con người ấy, tôi thấy ông trưởng thôn Vi Văn Luân đang gãi đầu gãi tai, cười cười giải thích về chiếc loa tay bị hỏng khiến ông không thể thông báo cho bà con được biết về buổi chiếu tivi tối ngày hôm nay.

Sau màn khởi động ằng ặc, chiếc máy cày – công cụ phát điện chưa được nghỉ đã lại 'ho" lên sòng sọc, màn hình của chiếc tivi duy nhất ở thôn Đồng Lách bật sáng trong tiếng máy móc và tiếng trầm trồ của mọi người.

Hình ảnh y hệt câu chuyện thời bao cấp diễn ra sống động ngay trước mắt nhóm phóng viên chúng tôi, giữa tháng 10 năm 2015, chứ không hề là chuyện kể từ thập niên 90 của thế kỷ trước.

Khán giả bao gồm cả trẻ em và người già
"Khán giả" bao gồm cả trẻ em và người già
Chăm chú theo dõi buổi phát hiếm hoi
Chăm chú theo dõi buổi phát hiếm hoi

Đồng Lách không có điện, trong thôn lại đa số là hộ nghèo nên xem tivi không phải chuyện bình thường mà là ngày hội. Người đến xem mỗi người sẽ góp cho ông Xuân một vài nghìn đồng, gọi là chi phí để “nuôi” chiếc máy cày – trạm phát điện.

Chương trình phát của “rạp chiếu phim ông Xuân” cũng không lấy gì đa dạng, chỉ là những đĩa phim rời rạc mà ông Xuân lượm lặt được mỗi lần xuống huyện.

Phim lẻ cũng có, phim dài tập cũng có, phim HongKong, Đài Loan, Việt Nam đủ cả.. “Vậy cũng thỏa mãn lắm rồi”, người trong thôn kháo nhau như thế.

“Không phải hôm nào nhà ông Xuân cũng chiếu tivi, chỉ thỉnh thoảng thôi.

Thông thường trước mỗi buổi chiếu, tôi sẽ dùng loa tay thông báo cho cả thôn biết, nhưng hôm nay thì cái loa này lại hỏng nên còn nhiều bà con chưa kịp đến” ông Vi Văn Luân, trưởng thôn Đồng Lách cho biết.

“Vì thôn không có điện nên buổi tối tĩnh mịch lắm, tiếng máy cày phát điện rất to nên dù cuối làng hay đầu nghe được mà sang thôi, kể cả đang ăn cơm cũng bỏ mâm mà đi ngay” - ông Luân cười, nói thêm.

Khát vọng ánh điện

Nhìn khung cảnh đang diễn ra ở thôn Đồng Lách, tôi chợt nhớ về kỷ niệm của hơn 20 năm trước, khi tôi đang học lớp hai, vào một buổi chiều đi học về tôi đã từng bàng hoàng sung sướng khi thấy trong căn nhà tập thể chật chội của gia đình mình xuất hiện một chiếc tivi 14 inch.

Khuôn mặt đầy tự hào của cha tôi ngày đó khi ông với tay bật tivi, niềm phấn khích muốn bật ra khỏi lồng ngực của tôi, tất cả vẫn hiện rõ mồn một.

Hành động hôm đó của cha tôi, cho tới hai mươi năm sau vẫn là nỗi khắc khoải ước mong của anh Phạm Văn Chuyên, một người dân sống trong thôn Đồng Lách.

Anh tâm sự: “Khi nào thôn có điện, khó thế nào anh cũng sẽ cố mua một chiếc tivi màu.

Lúc thằng cu lớn đi học về, anh sẽ mở các chương trình thiếu nhi mà anh thâu được từ dưới huyện, cả nhà vừa ngồi ăn cơm vừa xem hát”, anh còn nói nhiều nữa về những dự định làm ăn, cuộc sống khi có điện của anh và cả những người trong thôn.

Đến đây, tôi lại nhớ đến tờ giấy khai sinh của một cậu bé có cái tên rất đẹp và như nỗi khắc khoải: Phạm Ánh Điện.

Ánh điện vẫn là ước mơ khắc khoải của người dân thôn Đồng Lách
Ánh điện vẫn là ước mơ khắc khoải của người dân thôn Đồng Lách

Để giải đáp cho những điều gặp ở thôn Đồng Lách, nhóm PV báo Người Đưa Tin đã tìm gặp ông Nguyễn Ngọc Bê, chủ tịch UBND xã Tân Trường, Tĩnh Gia, Thanh Hóa.

Trao đổi với PV, ông Bê cho biết: “Thôn Đồng Lách có khoảng 600 người, toàn bộ là dân tộc người Thái sinh sống, có địa thế như một thung lũng, đường vào thôn rất khó đi nên việc kéo điện cũng vì vậy mà gặp nhiều khó khăn, điều này địa phương nắm được nhưng vì số tiền đầu tư quá lớn nên không thể tự khắc phục.

Năm 2013, theo thông báo của Tổng công ty điện lực Miền Bắc thì tổng công ty này sẽ kéo đường điện lên Đồng Lách nhưng cho đến nay vẫn chưa được tiến hành.

Huyện và tỉnh vẫn tiếp tục liên kết với tổng công ty điện lực Miền Bắc để có phương án kéo điện cho thôn Đồng Lách, nhưng thực tế là chưa hề có một đại diện nào của tổng công ty về địa phương để thảo luận và trao đổi”.

Ông Nguyễn Ngọc Bê, chủ tịch UBND xã Tân Trường, Tĩnh Gia, Thanh Hóa
Ông Nguyễn Ngọc Bê, chủ tịch UBND xã Tân Trường, Tĩnh Gia, Thanh Hóa

Trước đó, nhà máy xi măng Công Thanh cũng đã lên phương án xây dựng 2,8km đường vào thôn Đồng Lách, tuy nhiên không biết vì lý do gì mà dự án này chưa đi vào thực thi đã dang dở, kéo theo khát vọng thoát nghèo của cả thôn cứ nâng lên rồi đặt xuống không biết bao giờ mới thành hiện thực...

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại