Uổng công bắt tép nuôi cò/Cò ăn mau lớn, cò dò, cò bay. Có lẽ hầu hết người dân ở miền Tây đều thuộc nằm lòng câu ca dao này. Hiểu theo nghĩa đen, cò là một loài chim trời mà “khi vui nó ở, khi buồn nó bay”. Cho dù con người có thương yêu, bỏ công nuôi nấng, chăm sóc chúng cỡ nào đi nữa thì cũng không thể giữ được như con gà, con vịt. Biết vậy nhưng ông Nguyễn Ngọc Thuyền (70 tuổi, ở P.Thuận An, Q.Thốt Nốt, Cần Thơ) dám bỏ 2ha đất để trồng cây, xúc tép...nuôi cò hơn 30 năm nay. Ngoài danh “vua cò” mà thiên hạ đặt cho, gia đình ông vẫn đang sống vất vả dù đất đai không ít. “Cung điện” của “vua cò” là căn nhà tuềnh toàng ở một góc vườn cò tư nhân lớn nhất nhì miền Tây.
Bỏ đất, bỏ công nuôi cò
Mấy năm qua tình trạng săn bắt cò, cồng cộc xung quanh vườn rất nhiều. Người ta giăng bẫy rồi bỏ cò mồi trên ruộng gần vườn để bắt những con trong vườn bay ra kiếm ăn. Các nhà hàng, quán nhậu coi đây là một “đặc sản” của đồng bằng. Thực khách ăn thịt cò, cồng cộc cũng nhiều khiến ông Thuyền và các con “lên ruột”, phải canh giữ vườn cò cẩn thận hơn. Đã rất nhiều lần ông phải cầu cứu công an quận đến thu giữ bẫy, lưới đặt xung quanh vườn để bắt cò nhưng không thể ngăn chặn hết được.
Từ Cần Thơ đi về hướng tỉnh An Giang chừng 50km thì đến vườn cò Bằng Lăng của ông Thuyền. “Gọi là vườn cò Bằng Lăng không phải vì trong vườn trồng cây bằng lăng, mà là vì người ta lấy tên địa danh nơi này ghép vào để gọi cho dễ nhớ, riết rồi thành danh luôn” - ông Thuyền giải thích. Có một điều rất lạ là cò chỉ sinh sống trong khu đất của ông Thuyền. Các thửa ruộng, vườn cây cạnh vườn cò này không hề có con nào.
Khi đến đây mọi người đều phải chấp nhận “điếc tai” với “dàn nhạc giao hưởng” của vô số con cò, cồng cộc đậu đặc kín trên cây. Lên đài quan sát cao chừng 6-7m, chúng tôi được nhìn toàn cảnh khu vườn rất độc đáo của ông Thuyền. Trong vườn không có bất kỳ cây ăn trái nào mà chỉ toàn tre, trúc, gáo... Cò và cồng cộc đậu kín trên ngọn cây. Còn dưới các tán cây là vô số tổ cò. Nơi thì cò đang ấp trứng, chỗ thì cò con nháo nhác đòi ăn. Vừa nhẹ nhàng mớm cá vào miệng một con cò non bị rơi khỏi tổ, ông Thuyền kể ông gắn bó với đàn cò này cũng là cơ duyên chứ chưa bao giờ nghĩ mình sẽ nuôi cò làm gì.
Năm 1978 ông bỏ tiền ra mua mảnh đất rộng 22.000m2 liền ranh với đất của gia đình rồi thuê nhân công đào kênh xung quanh khu đất để đắp đê ngăn lụt, bên trong trồng lúa. Khoảng năm 1983 bỗng nhiên hàng trăm con cò trắng rủ nhau bay về đậu trên cây, trên ruộng nhà ông. “Sợ cò đạp hư lúa, tôi nhờ thợ săn đến bắn cò làm thịt. Vì sợ nên chúng bỏ đi. Ai dè sáu tháng sau cò lại rủ nhau về đậu đặc kín ruộng. Tôi lại kêu thợ săn đến bắn. Cò bỏ đi, rồi sau đó quay lại với số lượng nhiều hơn hai lần trước. Lúc này tôi mới nghĩ rằng cò nhận thấy đây là đất lành nên chúng mới về ở. Tôi không kêu người ta bắn để đuổi nữa mà làm mấy tấm bảng “Cò nuôi, xin đừng bắt” xung quanh ruộng. Nhưng vì thấy cò nhiều nên người ta cũng rình bắn hoài nên tôi phải cất công canh giữ”. Đó là vào năm 1984.
Kể từ lúc này ông Thuyền ngưng trồng lúa và trồng cây ăn trái cho cò đậu và có thêm thu nhập. Thế nhưng khi cây có trái thì cò kéo về đông nghịt làm chết cây, không hái được trái nào. Ông bỏ cây ăn trái chuyển sang trồng tre dày đặc trong vườn. Năm 1990 lũ tràn về, cây chết gần hết nhưng cò vẫn bám trụ lại chứ không bỏ đi. Ông Thuyền phải trồng tre lại cho cò có chỗ ở. Bây giờ trong vườn vẫn còn rất nhiều bụi tre khổng lồ trồng từ mấy chục năm trước. Thế nhưng điểm yếu của tre là nhánh rất yếu, cò lại làm tổ rất dối nên mỗi khi mưa to gió lớn là tổ bị hư, trứng và cò non rơi xuống đất chết la liệt. Thấy xót, ông Thuyền lại tìm các loại cây cổ thụ về trồng.
Chị Nguyễn Thị Lệ Hà (con gái đầu lòng của ông Thuyền) kể khi thấy cha mình quyết định trồng cây trên 2ha đất để nuôi cò, chòm xóm dị nghị dữ lắm. Chị và tám đứa em không có công ăn việc làm trong khi đất đai bỏ hoang để nuôi cò. Để có cái ăn mỗi ngày, chị Hà và đàn em phải chia nhau đi làm thuê kiếm sống, tứ tán khắp nơi. Ông Thuyền nghe thiên hạ rủa riết chịu không nổi đành trốn biệt trong vườn, lặng lẽ trồng cây, tìm hiểu về đặc điểm của cò để chăm sóc chúng. “Nhiều người khuyên tôi lấy trứng cò và cò non đem bán để bù đắp việc không trồng lúa được nhưng tôi không đồng ý. Làm vậy ác lắm. Cò thấy đây là chốn an toàn thì chúng mới tới ở. Nếu mình bắt con chúng, lấy trứng thì chúng sẽ biết và bỏ đi. Tôi chấp nhận bỏ đất, bỏ công nuôi cò thì không thể làm cho chúng sợ phải bỏ đi” - ông Thuyền tâm sự.
Ông Thuyền và con rể nhặt còn non bị rơi về chăm sóc
Mến tay mến chân rồi
Năm nào cũng vậy, mỗi khi mùa mưa tới là ông Thuyền mất ăn mất ngủ do trời mưa người ta đi săn bắt cò, cồng cộc nhiều hơn. Mưa gió làm cò con bị rơi xuống rất nhiều. Ông Thuyền mặc áo mưa ra vườn nhặt từng con cò non về chăm sóc, vừa để canh giữ vườn. Để cò hạn chế bay ra ngoài kiếm ăn và làm mồi cho người săn bắt, mấy năm trước ông mua hàng tấn cá lòng ròng, cá rô non về thả vào hàng chục ao đào chi chít trong vườn để cho cò ăn. Những con lòng ròng may mắn sống sót mấy năm trước giờ đã lớn thành cá lóc “khủng” nặng 5-6kg/con. Những con cá lớn tiếp tục đẻ. Nhìn những con cò trắng đi bộ lững thững quanh ao săn mồi trông rất thanh bình, chúng tôi mới hiểu được ông Thuyền gần gũi, yêu thương đàn cò, chăm sóc chúng tận tâm như thế nào.
Hiện nay đàn cò trong vườn ông Thuyền có khoảng 200.000 con, chủ yếu là cò trắng, cò ruồi (cò bắt ruồi rất giỏi), cồng cộc. Mấy năm trước ông liên kết với Công ty Du lịch Cần Thơ đưa khách đến tham quan, được chia 10.000 đồng/khách. Thu nhập từ du lịch cũng đủ trang trải chi phí giữ đàn cò. Nhưng vài năm nay khách du lịch tham quan vườn còn ít dần nên hai bên ngừng hợp tác. Hiện tại ông Thuyền và những người con đều tập trung về vừa làm ruộng, vừa chăm sóc và tự khai thác du lịch vườn cò. Hôm chúng tôi đến có chừng 20 khách đến tham quan, chủ yếu là học sinh. “Thu nhập 200.000 đồng/ngày từ 2ha đất là quá ít, vì sao ông vẫn giữ vườn cò?” - chúng tôi hỏi. Ông Thuyền cười: “Tôi nuôi cò mấy chục năm nay, mến tay mến chân rồi, không thể bỏ được. Mà nếu đốn hết cây cũng chưa chắc cò bỏ đi đâu. Tôi vào vườn cò hằng ngày, chúng nó đã quen nên không bay đi. Còn người lạ đặt chân vào vườn thì cò bay náo loạn hết luôn”.
Ông Thuyền nói chiều cò về đậu kín tất cả cây cối trong vườn, chúng phải cắn nhau để giành chỗ đứng ngủ. Vì thương đàn cò thiếu chỗ nghỉ chân nên ông bàn với mấy người con kế hoạch mua thêm khoảng 2ha đất liền ranh vườn để trồng cây cho cò ở. “2ha đất ở đây giá cũng trên 3 tỉ đồng. Tiền công đào ao, đắp đê, trồng cây cũng vài trăm triệu đồng nữa. Tôi bảo mấy đứa nhỏ liên hệ với chính quyền địa phương xem có nguồn nào vay vốn ưu đãi lãi suất thấp thì mới có thể làm được, chứ vay lãi suất thương mại thì không dám” - ông Thuyền nói.