Ước mơ góp sức giữ chủ quyền biển đảo
Giữa nắng gay gắt của Hà Nội, 55 trẻ đến từ nhiều vùng miền trong cả nước vẫn háo hức khi lần đầu tiên được về Hà Nội, vào Lăng viếng Bác và gặp Chủ tịch nước.
Không giấu nổi niềm vui, Nguyễn Thị Lành (học sinh lớp 9A THCS Quang Minh – huyện Bắc Quang, Hà Giang) chia sẻ: “Lần đầu tiên em được về Hà Nội. Hà Nội rất đẹp, em thích nhất được vào Lăng viếng Bác. Em đã nghe kể về Bác rất nhiều, qua cả văn thơ… nhưng lần này được tận mắt thấy Bác thì rất xúc động”.
Lành sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh éo le: Bố bị câm điếc bẩm sinh, mẹ bị di chứng chất độc da cam/dioxin nên hoàn toàn không có khả năng lao động. Bố mẹ bỏ nhau, để lại Lành cùng một cậu em trai 4 tuổi cùng cha khác mẹ cho ông bà nuôi. Cả nhà 4 thành viên chỉ trông chờ vào số tiền trợ cấp nạn nhân chất độc da cam hàng tháng của ông, mà số tiền ít ỏi đó còn phải trích trả nợ ngân hàng. Hàng ngày, ngoài thời gian đi học buổi sáng, cô gái nhỏ này còn phải phụ giúp bà trong công việc nhà và đi kiếm củi, bắt cua bán lấy tiền phụ thêm với bà.
Lành tâm sự: “Ngày may mắn em bắt được 1kg cua, với mấy bó củi đem bán cũng được 40-50 nghìn đồng. Số tiền ấy cùng với hơn 200.000 đồng tiền trợ cấp trẻ mồ côi hàng tháng em để dành mua sách vở và quần áo cho em trai”. Mặc dù có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhưng 8 năm liền cô cán bộ lớp này liên tục là học sinh giỏi. Năm học 2013 -2014, Lành đạt giải nhất thi học sinh giỏi văn toàn tỉnh Hà Giang, cùng năm này em còn đạt giải 3 thi môn giáo dục công dân.
Vinh dự và tự hào, Lành hứa sau này sẽ học thật giỏi để có thể trở thành công an, hoặc gia nhập lực lượng cảnh sát biển để tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Mặc dù rất bận rộn với thời gian vừa học vừa làm, nhưng tối nào em cũng xem chương trình thời sự, em nói rất thích tin tức về Biển Đông. “Em rất bức xúc trước hành động ngang ngược của Trung Quốc. Em mong lớn lên sẽ góp phần đấu tranh giành chủ quyền cho đất nước” – Lành nói rành rọt.
Mong trở thành doanh nhân phát triển kinh tế
Nhìn gương mặt nhỏ nhắn, xinh xắn của em Nguyễn Thái Nguyệt (học sinh lớp 9A Trường THCS Nguyễn Quang Tố, hiện ở ấp 7, xã Nguyễn Thịnh, huyện U Minh, Cà Mau), ít ai biết rằng tuổi thơ của cô bé thật dữ dội.
Nguyệt tâm sự: “Năm em lên 2 tuổi thì mẹ mất, ba bỏ đi để lại 3 chị em bơ vơ nương tựa vào bà ngoại gần 70 tuổi. Vì gia đình khó khăn, hai chị gái phải nghỉ học đi phục vụ quán cơm. Có được chút tiền nhỏ nhoi, 2 chị nhất định bắt em đi học”. Thương 2 chị, ngoài thời gian học tập, Nguyệt không nề hà việc dọn nhà, nấu cơm, làm đồng, bán rau và chăm sóc bà ngoại già yếu. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng 9 năm liền em vẫn đạt thành tích học sinh giỏi cấp trường.
Cũng như nhiều bạn nhỏ khác, đây là lần đầu tiên Nguyệt được đến Hà Nội. Nguyệt rất vui và tự hào: “Em sẽ cố gắng học thật giỏi, mai này trở thành một doanh nhân tham gia phát triển kinh tế đất nước. Có tiền em sẽ giúp đỡ được nhiều bạn nhỏ có cùng hoàn cảnh khó khăn và báo hiếu bà cùng hai chị” – cô bé chia sẻ ước mơ.
Bà Phan Thị Kiều Loan - Phó Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Cà Mau cho biết, những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn như em Lành, em Nguyệt khá nhiều ở những vùng nông thôn. Không phải em nào cũng được hỗ trợ, được động viên và có nghị lực vươn lên. Trong năm 2013 Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Cà Mau đã hỗ trợ trao hơn 2.000 suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Riêng 5 tháng đầu năm 2014, quỹ đã phối hợp với Chương trình Trái tim cho em phẫu thuật cho 16/30 cháu mắc bệnh tim bẩm sinh. Mặc dù vậy, đây mới chỉ là con số rất ít trong tổng số trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong toàn tỉnh.
“Nếu xã hội cùng chung tay, ít nhất các em có cơ hội học hành, có định hướng vươn lên khắc phục khó khăn, tạo dựng cuộc sống tốt hơn cho mình và cống hiến cho xã hội”- bà Loan nói.
Toàn xã hội luôn đồng hành cùng các em
Gặp mặt và tuyên dương thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt là hoạt động thường niên được tổ chức tại Phủ Chủ tịch từ năm 2008, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước dành cho các cháu thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt.
Theo Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, năm 2013 cả nước có 26,7 triệu trẻ em (dưới 16 tuổi), trong đó có gần 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (chiếm 5,6%).
Trong không khí thân mật và xúc động, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ân cần hỏi thăm các cháu thiếu nhi, nghe kể những câu chuyện về các em. Bày tỏ vui mừng gặp mặt đoàn đại biểu thiếu nhi tiêu biểu, có hoàn cảnh đặc biệt nhưng đã vượt khó vươn lên học giỏi, đúng dịp Quốc tế Thiếu nhi 1.6, Chủ tịch nước khẳng định Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm to lớn đối với các cháu thiếu nhi, đặc biệt là những thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn. Chủ tịch nước căn dặn, các cháu hãy vững tâm phấn đấu để đạt được ước mơ. Bên cạnh các cháu luôn có sự đồng hành của toàn xã hội.
Chủ tịch nước đánh giá cao các địa phương, các tổ chức, nhà hảo tâm đã chung tay đóng góp hơn 4.000 tỷ đồng vào Quỹ Bảo trợ trẻ em trong 22 năm qua, góp sức cho trên 28 triệu lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước vươn lên trong cuộc sống.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước cho rằng, Việt Nam hiện còn gần 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và hơn 2,5 triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, đang cần sự quan tâm hơn nữa của Đảng, Nhà nước và sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội. Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới, củng cố hệ thống Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp để là cầu nối giữa nhà tài trợ và các em; thực hiện chủ trương xã hội hóa về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Chủ tịch nước chúc các em học tập thật tốt, nỗ lực phấn đấu đạt thành tích cao, xứng đáng là con ngoan, trò giỏi và trở thành công dân có ích, chủ nhân tương lai của đất nước.
-
Tuyên dương trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Chiều 30.5, Bộ LĐTBXH tổ chức buổi gặp mặt tuyên dương đại biểu là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt lần thứ 7 và kêu gọi hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Hiện tại, nguồn lực hỗ trợ tự nguyện cho các em chủ yếu thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Trong 22 năm qua, Quỹ Bảo trợ trẻ em đã huy động được trên 4.000 tỷ đồng và hỗ trợ được hơn 28 triệu lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Riêng năm 2013, hệ thống Quỹ Bảo trợ trẻ em đã huy động 262 tỷ đồng, trong đó Quỹ Bảo trợ trẻ em ở Trung ương huy động 62 tỷ đồng, Quỹ Bảo trợ trẻ em ở địa phương huy động 200 tỷ đồng và đã hỗ trợ cho gần 1,5 triệu lượt trẻ em.