Chuyện hai chị em song sinh Líu và Lo: Đời không như tên gọi…

Nguyễn Thành |

Hai chị em song sinh mang hai cái tên rất tươi vui: Líu và Lo, như nỗi ước mong của ba mẹ, rằng các con sẽ vui vẻ, hạnh phúc. Nhưng rồi cuộc đời không như tên gọi.

Và giờ đây, khi bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, trước gánh nặng lo toan, với bổn phận của mình, người chị chấp nhận nhường bước để em được đến trường.

Khối phố Phú Phong, phường An Phú, thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) là vùng quê nghèo giữa phố.

Cái tin chị em Trương Thị Líu và Trương Thị Lo đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp quốc gia vừa qua - đủ điểm xét tuyển vào ĐH, khiến người dân trong khu phố ai cũng vui mừng.

Thế nhưng chỉ mình Lo làm hồ sơ vào Đại học Quảng Nam, còn Líu nộp hồ sơ…làm công nhân để nuôi em ăn học.

Phận mồ côi

Bà Ngô Thị Trọng, 48 tuổi - mẹ của hai chị em, kể: Khi chị đầu Trương Thị Luyến được 2 tuổi, thì Líu, Lo chào đời. Nhưng chỉ 4 năm sau, người bố qua đời sau cơn bạo bệnh khiến 3 em sớm lâm cảnh mồ côi.

Từ đó, cuộc sống của 3 chị em Luyến, Líu, Lo chất đầy gánh nặng lo toan lên vai bà Trọng bệnh tật ốm yếu. Bốn mẹ con nương tựa vào nhau để sống trong căn nhà tuềnh toàng.

Nhà có 3 sào ruộng, một mình bà Trọng quần quật nuôi con lớn khôn, ăn học đàng hoàng.

Ba chị em, Luyến, Líu, Lo ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành có tiếng trong vùng, ai cũng quý mến. Năm 2013, Luyến thi đậu cử nhân Văn, Đại học Sư phạm Đà Nẵng, bà Trọng phải bán đi 1 con bò để em có tiền nhập học.

Suốt 2 năm qua, Luyến làm đủ thứ nghề để tự nuôi mình và lo chi phí ăn học. Nghỉ hè, em ở lại Đà Nẵng làm phụ quán, gia sư để kiếm tiền giúp mẹ và em.

Ở nhà, Líu và Lo vừa phụ giúp mẹ việc đồng áng, vừa chăm chỉ học hành. Trường THPT Duy Tân (phường An Phú, Tam Kỳ) ai cũng biết chị em Líu-Lo không phải vì giống nhau như 2 giọt nước mà vì hoàn cảnh nghèo khó.


Líu nghẹn ngào, tủi thân khi kể về hoàn cảnh của gia đình mình.

Líu nghẹn ngào, tủi thân khi kể về hoàn cảnh của gia đình mình.

Chị nhường em đi học

Kỳ thi tốt nghiệp quốc gia mới đây, Líu - Lo tự bắt xe buýt ra Đà Nẵng đi thi. Kết quả thi Líu được 19,75 điểm khối C (cộng ưu tiên được 20,25), còn Lo được 18,25 điểm (chưa cộng ưu tiên) khối A.

Với số điểm đó, Líu đủ điều kiện xét tuyển ĐH, nhưng em không làm hồ sơ. Líu kể: Em xác định từ đầu thi để có bằng tốt nghiệp THPT để đi xin việc làm giúp mẹ và em nên không làm hồ sơ xét tuyển ĐH.

Em bảo với Lo rằng: Cứ làm hồ sơ học, mọi việc để chị lo cho. Mai mốt có điều kiện thì đi thi lại, muộn tý cũng không sao.

Lo nghe lời chị, làm hồ sơ và trúng vào ngành CNTT của Đại học Quảng Nam, còn Líu chạy đi làm hồ sơ xin làm công nhân một công ty may ở Tam Kỳ.

Lo nay đã nhập học, từ nhà đến trường gần 10km, hằng ngày đạp xe đến trường. Còn Líu ở nhà phụ giúp mẹ, chờ công ty may gọi đi làm công nhân.

“Em nhờ người quen nộp hồ sơ công nhân may rồi. Em nghe nói lương cũng thấp lắm, nhưng em sẽ gắng để có tiền cho mẹ chữa bệnh, lo cho em ăn học. Khổ mấy em cũng cam chịu”, Líu tâm sự.

Bà Trọng xanh xao yếu ốm hơn sau khi biết mình bị thêm bệnh tim. Bác sĩ bảo hằng tháng phải tái khám để chữa bệnh. Bà kể: Hơn 3 tháng nay vì không có tiền, bà chưa quay lại viện.

Bệnh tật bà vẫn quần quật trên 3 sào ruộng, nhiều hôm mệt quá, bà ngồi tựa vào bờ ruộng, chui vào vườn sắn ngồi nghỉ khỏe rồi làm tiếp. Vì không muốn con cái lo nên lúc nào bà cũng bảo các con rằng: Mẹ khỏe lắm các con yên tâm.

“Tôi khuyên cái Líu cứ nộp hồ sơ đi, cực mấy mẹ cũng lo được nhưng nó không chịu, nó bảo con không muốn mẹ khổ nữa. Nghĩ mà thương.

Và để có tiền nuôi các con, ngoài 3 sào ruộng, hằng ngày bà Trọng làm đủ thứ nghề từ cấy thuê, cuốc mướn, phụ hồ, bốc vác… Ai gọi gì bà làm nấy. Biết sức khỏe bà, nhiều người không cho bà làm, nhưng bà nằng nặc xin được thôi.

“Nếu em xác định đi học từ đầu thì em đã nộp hồ sơ vào ĐH Quảng Nam rồi. Em ước mơ được làm giáo viên. Nhưng nghĩ đến mẹ, đến em nên em không nộp. Nếu em đi học, ai chăm mẹ, mẹ lấy tiền đâu nuôi.

Mẹ bị u xơ tử cung lâu rồi nhưng không tiền chữa trị. Cách đây 3 tháng mẹ ốm nặng nhập viện, bác sĩ bảo bị hở van tim. Biết bệnh, mẹ suy sụp, em sợ lắm. Chúng em mồ côi cha, nên sợ lắm cảnh mất luôn mẹ”, Líu nghẹn ngào.

Nhắc đến hoàn cảnh của gia đình bà Trọng và các con, bà Trần Thị Thanh Vân - Chi hội trưởng Chi hội khuyến học khối phố Phú Phong, ngậm ngùi:

“Dân làng ai cũng thương lắm nhưng bà con ở đây ai cũng nghèo như nhau nên chẳng giúp được gì mấy mà chỉ biết động viên tinh thần. Quỹ khuyến học của phường, khối phố có hạn nên không giúp được bao nhiêu.

Chỉ mong các nhà hảo tâm, cơ quan đoàn thể giúp đỡ để mẹ các em được chữa bệnh, các em được đến trường”.

Bạn đọc, các nhà hảo tâm gần xa muốn chia sẻ giúp đỡ, xin liên hệ đến em: Trương Thị Lo – địa chỉ: tổ 5 khối phố Phú Phong, phường An Phú, thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) – điện thoại: 0165 6 550526. Hoặc Văn phòng đại diện báo Tiền Phong tại Đà Nẵng: 19 Ngô Gia Tự (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) – ĐT: 0511 3 828 039.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại