Chuyện đặc biệt của gia đình Hà Nội ở Hoàng Sa năm 1938

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - Trong ký ức của ông Bảo, hòn đảo ở Hoàng Sa không rộng nhưng đã có 2 chiếc cột ăngten cao hơn cột điện ở Hà Nội và hàng chục mái nhà...

Tiếp chúng tôi tại ngôi nhà riêng trên phố Ngô Sĩ Liên (phường Văn Miếu, Hà Nội), Đại tá Trần Quân Bảo (SN 1934, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Đảng ủy Tổng Cục Công nghiệp Quốc phòng) đã kể lại những kỷ niệm khó quên về quãng thời gian gần 2 năm (từ cuối năm 1938 đến giữa năm 1940) ông cùng gia đình sinh sống ở Hoàng Sa.

Năm 1938, cha ông - cụ Trần Văn Phước được điều động tới đảo Paracels (quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam) để quản lý đài vô tuyến điện. Hồi ấy, cụ Trần Văn Phước vốn là kỹ thuật viên vô tuyến điện. Căn nguyên mà gia đình ông đến quần đảo xa xôi này là do cụ Phước không chịu nổi những hành vi phỉ báng người Việt Nam của gã chủ người Pháp tên là Fradime và đã một lần tát thẳng vào mặt gã để rồi phải từ bỏ công việc ở thành phố, nhận nhiệm vụ ở nơi "đầu sóng, ngọn gió" xa xôi.

Ông Trần Quân Bảo đang xem lại bức ảnh hòn đảo ở Hoàng Sa mà gia đình ông từng ở trong 2 năm 1938 - 1940 và bức ảnh này cũng chính do bố ông chụp.
Ông Trần Quân Bảo đang xem lại bức ảnh hòn đảo ở Hoàng Sa mà gia đình ông từng ở trong 2 năm 1938 - 1940 và bức ảnh này cũng chính do bố ông chụp.

"Lúc đó không ai dám ra đảo bởi đi thì không biết sống chết ra sao. Trước đó, ông Ngô Thế Duông - một đồng nghiệp của bố tôi đã được điều ra đây để lắp máy nhưng ông Duông ở đó chỉ có một mình mà không có gia đình ra cùng. Còn bố tôi yêu cầu cho đưa theo cả gia đình và đã được trên chấp thuận. Gia đình tôi có bố mẹ và 3 anh em: tôi (SN 1934), em gái tôi (SN 1936) và cậu em trai (SN 1938)…", ông Bảo kể.

Cuối năm 1938, gia đình ông đi từ Hà Nội vào đến Đà Nẵng (ngày đó gọi là Tourane) bằng tàu hỏa. Sau khoảng 2 đêm 1 ngày đến Đà Nẵng, gia đình ông ở lại đó mấy ngày và chờ có chuyến tàu thuỷ đi ra đảo.

"Tàu thuỷ chở gia đình chúng tôi cùng khoảng 10 người khác là tàu chuyên chở hàng hóa ra đảo nên khoang chở khách rất nhỏ. Lúc đó, do sợ anh em tôi bị say sóng nên mẹ tôi yêu cầu chúng tôi vào khoang ngủ và chỉ mở chiếc cửa tròn phía trên giường nằm để nhìn ra biển. Độ hơn 1 ngày đêm thì tàu cập bến lên đảo", ông Bảo nhớ lại.

Ông Bảo chia sẻ: "Trong ký ức của tôi, hòn đảo không rộng lắm nhưng đã có rất nhiều thứ ở trên đảo rồi. Hình ảnh ập vào mắt tôi đầu tiên là 2 chiếc cột ăng-ten cao hơn cả những cột điện ở Hà Nội.

Tôi rất ngạc nhiên vì thấy nhà ở đây khác với nhà trong đất liền, tất cả là nhà mái bằng. Sau được bố mẹ giải thích, tôi mới hiểu là mái bằng để hứng nước mưa chảy xuống các bể ngầm dưới nền nhà trữ nước ngọt dùng quanh năm.

Khi ấy trên đảo chỉ có khoảng hơn chục mái nhà lớn nhỏ, trong đó có hai nhà lớn nhất. Một nhà là nơi ở của đồn trưởng (người Pháp) và lính bảo an. Nhà thứ hai là trạm khí tượng thủy văn và trạm vô tuyến điện, gia đình tôi cũng được ghép vào ở trong ngôi nhà này.

Trên đảo tuy có nhiều cây nhưng đó chỉ là những cây không cao quá đầu người. Vì còn nhỏ nên không bao giờ chúng tôi được đi chơi một mình mà đi đâu cũng phải có ba mẹ đi cùng. Thỉnh thoảng cả nhà mới đi chơi quanh đảo.

Bố tôi chỉ lo công việc chủ yếu là truyền tin tình hình thời tiết và số tàu thuyền qua lại gần đảo về đất liền hàng ngày. Trong phòng làm việc, bố tôi vừa đánh máy, vừa đeo tai nghe… Tôi không bao giờ được phép vào phòng làm việc của ông.

Khi đó, tôi còn nhớ, trò chơi của anh em tôi chỉ là tắm nắng, nghịch cát và chơi các loại ốc biển to nhỏ rất đẹp. Khi gia đình tôi về đất liền thì mẹ tôi đã có hàng hộp khuy áo được làm từ vỏ con ốc này để làm quà cho họ hàng bạn bè. Có một người trên đảo đã tặng cho bố tôi 1 bộ đồi mồi từ nhỏ đến to để treo lên trang trí trên tường nhà. Ra đây, chúng tôi cũng biết thế nào là con vích. Vào mùa trăng lên, vích lên đảo đào hố đẻ rồi vùi trứng dưới cát, đến khi trứng nở thì vích con theo sóng ra biển mà không bao giờ đi ngược lên đảo...

Thời tiết ở đảo, nắng thì rất to, mưa cũng nhiều. Có những lúc đang đi chơi, bất chợt gặp gió to thì không thể đi ngược chiều mà phải đi xuôi chiều gió mới có thể về được nhà. Mỗi khi có bão thì chúng tôi chỉ nằm trong nhà 2- 3 ngày chứ không thể ra ngoài. Khi ăn cơm, các gia đình thường xuyên phải đóng các cửa lại đề tránh cát làm sạn cơm canh vì gió ngoài đảo rất mạnh".

Bức ảnh toàn cảnh hòn đảo ở Hoàng Sa mà gia đình ông Bảo từng sinh sống do chính bố ông chụp lại. (Ảnh do ông Bảo cung cấp).
Bức ảnh toàn cảnh hòn đảo ở Hoàng Sa mà gia đình ông Bảo từng sinh sống do chính bố ông chụp lại. (Ảnh do ông Bảo cung cấp).

Trong trí nhớ của ông Bảo, lúc đó trên đảo, mọi người chủ yếu ăn các loại hải sản biển và dùng đồ khô.

"Thịt ướp muối, ướp salpêtre (chất ướp hay được dùng để làm xúc xích hiện nay) được chuyển từ đất liền ra. Tôi sợ nhất là trứng vịt ướp muối vì phải thường xuyên ăn món này.

Còn rau thì 1 tuần mới có được một bữa ăn rau.  Tàu chở từ đất liền ra thì chủ yếu là củ quả. Còn rau trồng ở đảo thì phần lớn là rau cải hoặc các loại rau mọc rất thấp. Đến giờ trong tôi vẫn còn nhớ nguyên kỷ niệm về việc dùng nước trên đảo, đến mức nước tiểu cũng phải được tận dụng để tưới rau. Trên đảo, mọi người dùng nước rất tiết kiệm.

Thỉnh thoảng vào những dịp nắng dài ngày, có tàu ở nơi khác đến đảo mang nhiều cá để đổi lấy nước ngọt. Họ dùng bình thuỷ tinh để đựng mang đi dùng dần, cũng không rõ họ ở xa hay gần", ông Bảo kể.

Kỷ niệm sâu sắc nhất trong tâm trí của vị Đại tá đã ở tuổi bát tuần này chính là 2 cái Tết ở Hoàng Sa.

"Có lẽ trong cuộc đời tôi không bao giờ quên không khí Tết ở trên đảo. Gia đình tôi ăn 2 cái Tết ở đảo. Tất cả các thứ từ đất liền gửi ra. Tết ở đó có báo Tết, có kẹo bánh nhưng không có tiếng pháo".

(Còn nữa)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại