Chuyện chưa kể về Hạt phó Kiểm lâm tử vong khi dập lửa cứu rừng

Ngọc Tú |

Tuy công việc vất vả, phải xa gia đình, nhưng ông Tường luôn yêu nghề, yêu cánh rừng xanh mướt. Có lần đang đi, mải nhìn cánh rừng thông bị cháy mà xót xa, ông bị ngã xe, gãy chân.

Như chúng tôi đã đưa tin, chiều 11/9, 1 vụ cháy lớn xảy ra tại cánh rừng thông thuộc giáp ranh giữ 2 xã Tân Hương và Đức Dũng (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh). Lúc này ông Hồ Sỹ Tường (59 tuổi) - Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đức Thọ (Hà Tĩnh) cùng 200 người tham gia chữa cháy 5 ha rừng thông. Do đám cháy lớn nên suốt từ chiều đến 22h đêm, đám cháy mới được khống chế. Sáng 12/9 một đám cháy khác lại bùng phát ở xã Tân Hương, ông Tường tiếp tục cùng nhiều lực lượng tới hiện trường chiến đấu với giặc lửa đến đêm.

Do làm việc cường độ cao liên tục 2 ngày trong thời tiết oi bức, cộng thêm việc hít phải khói độc, ông Tường đã kiệt sức và được người nhà đưa đi bệnh viện cấp cứu. Sau 5 ngày điều trị, đến sáng 17/9 ông Tường đã tử vong.

Di ảnh bàn thờ ông Hồ Sỹ Tường - Nguyên Hạt phó Kiểm lâm huyện Đức Thọ bị tử vong vì kiệt sức sau khi dập lửa cứu rừng.
Di ảnh bàn thờ ông Hồ Sỹ Tường - Nguyên Hạt phó Kiểm lâm huyện Đức Thọ bị tử vong vì kiệt sức sau khi dập lửa cứu rừng.

Ngày 18/9, gia đình đã tiến hành làm lễ mai táng thi thể ông Tường theo phong tục địa phương tại quê nhà. Rất đông đồng đội, người dân tới để thắp những nén hương tưởng nhớ, tiễn đưa linh hồn ông về nơi chín suối.

Vợ và 2 con của ông Tường đau buồn trước nỗi đau quá lớn.
Vợ và 2 con của ông Tường đau buồn trước nỗi đau quá lớn.

Vốn sinh ra trong gia đình nông dân chất phác, chân lấm tay bùn ở xã Sơn Diệm (Hương Sơn, Hà Tĩnh), năm 1976, ông Tường thi đậu vào ngành Lâm sinh của Đại học Lâm nghiệp Hà Nội. Sau khi ra trường, ông được nhận vào làm việc ở Viện điều tra quy hoạch rừng (thuộc Bộ Lâm nghiệp cũ). Sau nhiều năm được giao nhiệm vụ “cai quản” những cánh rừng ở Nghệ An và Hà Tĩnh, năm 2007, ông về giữ chức Phó hạt trưởng Kiểm lâm Đức Thọ đến khi qua đời vào ngày 17/9.

Ngồi trước bàn thờ nghi ngút khói hương của người chồng quá cố, bà Phan Thị Tuyên (52 tuổi) chết lặng đi trước nỗi đau không nói nên lời.  Đưa tay quệt ngang dòng nước mắt, bà Tuyên chậm rãi kể chuyện đời của người chồng quá cố. Năm 1991, 2 ông bà đã nên duyên vợ chồng. Vì nhà nghèo nên ông Tường phải vay mượn tiền bạn bè mới có đủ làm lễ cưới. Cưới nhau xong, cuộc sống của 2 người là những tháng ngày biền biệt xa cách. Thấu hiểu nỗi khổ cực của chồng, ở nhà, bà Tuyên vừa lên trường dạy học, vừa một mình chăm sóc bố mẹ già bị bệnh và nuôi hai đứa con nhỏ dại.

Trong mắt những người đồng đội, ông Tường luôn là người giàu tình cảm, nhiệt tình, yêu và tận tụy với công việc của mình.
Trong mắt những người đồng đội, ông Tường luôn là người giàu tình cảm, nhiệt tình, yêu và tận tụy với công việc của mình.

“Thời gian ông ấy dành cho những cánh rừng nhiều hơn là cho gia đình. Khi vợ sinh con thứ hai, ông nhận được tin chỉ cười vì không về được. Rồi ông ấy dặn dò vợ giữ sức khỏe, ăn uống đầy đủ. Bốn ngày sau, ông về gặp cậu con trai bé bỏng, sau đó lại nhận lệnh công tác rồi đi biền biệt xa nhà” - bà Tuyên tâm sự.

Cuộc đời của ông Tường là sự gắn bó với những cánh rừng từ Nghệ An đến Hà Tĩnh. Nhiều khi đang kỳ nghỉ phép, nhưng nghe tin báo có cháy rừng, lâm tặc quấy rối là ông lại lên đường đi ngay mà không chút do dự. Hiểu công việc của chồng, bà Tuyên cũng không phản đối mà luôn san sẻ với chồng.

Vì đặc thù công việc nên ông Tường phải thường xuyên làm xa nhà. Hồi làm ở Quế Phong, Kẻ Gỗ, ông phải đi làm xa hơn 100 km, đa phần một tháng mới về thăm vợ con được một lần. Một năm trời, ông Tường chỉ ở nhà với gia đình vẻn vẹn chưa đầy 2 tháng. Tới khi chuyển về Đức Thọ, quãng đường có rút ngắn hơn, khoảng 50 km cả đi lẫn về. Nghĩ về người vợ phải chịu nhiều thiệt thòi, vất vả, nên cứ khoảng một tuần, ông lại tranh thủ chạy xe về dọn dẹp nương vườn, chăm sóc đàn lợn, con gà phụ giúp vợ.

Trước nỗi đau không nói nên lời, bà Tuyên cùng cô con gái chỉ biết nén lòng với những giọt nước đau thương.
Trước nỗi đau không nói nên lời, bà Tuyên cùng cô con gái chỉ biết nén lòng với những giọt nước đau thương.

"Ông ấy yêu rừng lắm, dù mệt nhọc thế nào ông cũng cố gắng đi làm, không nghỉ. Có đêm ông lên cơn sốt rét, nằm mê sảng cả đêm. Thấy thế, tôi đánh thức dậy bảo đưa đi viện nhưng ông ấy gạt phắt đi, rồi dậy nấu nước xông người và tự châm cứu cho mình. Thế mà ngay ngày hôm sau, ông đã có thể đi lại được. Nhớ có lần đang đi, mải nhìn cánh rừng thông bị cháy mà xót xa, ông ấy bị ngã xe, gãy chân. Thương ông ấy lắm" - bà Tuyên cho hay.

Khoảng 8 năm trước, trong một lần đi tuần tra, ông Tường bị một tên lâm tặc rút dao chém thẳng vào người. Nhưng may nhờ học khí công, biết võ nên ông Tường đã tránh được và nhanh chóng khống chế đối tượng rồi nói: “Cậu không làm được gì tôi đâu, bỏ cái việc làm trái phép đó đi”. Có nhiều lần bị cả nhóm lâm tặc tấn công, ông Tường bị chúng lôi xềnh xệch ra giữa quốc lộ để đánh, cũng may các đồng đội đã kịp thời giải vây nên ông chỉ bị thương nhẹ.

Hiện trường vụ cháy rừng tại đồi thông ở xã Đức Dũng và Tân Hương (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) xảy ra vào ngày 11/9 vừa qua. Vì làm việc quá sức, ông Tường đã sinh bệnh và tử vong sau 1 thời gian điều trị.
Hiện trường vụ cháy rừng tại đồi thông ở xã Đức Dũng và Tân Hương (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) xảy ra vào ngày 11/9 vừa qua. Vì làm việc quá sức, ông Tường đã sinh bệnh và tử vong sau 1 thời gian điều trị.

Sau những năm tháng tận tụy với công việc, yêu cánh rừng như yêu chính cuộc sống của mình, vị Phó hạt trưởng Kiểm lâm đã nhiều lần được các đơn vị Kiểm lâm trong tỉnh, UBND các huyện tặng bằng khen về thành tích phòng chống cháy rừng.

Nói về người đồng đội đã khuất, ông Mai Đình Thành - Hạt trưởng Kiểm lâm Đức Thọ, tự hào chia sẻ: "Anh Tường là một tấm gương tiêu biểu cho phong trào bảo vệ rừng. Vừa rồi, xảy ra vụ cháy, anh Tường vừa là người chỉ huy, vừa là người trực tiếp tham gia chữa cháy. Sự ra đi của Tường là một mất mát lớn đối với gia đình và đơn vị chúng tôi. Tôi mong các cấp, đoàn thể ghi nhận những công lao, nhân rộng tấm gương điển hình của đồng chí Tường. Mong gia đình sớm vượt qua nỗi đau thương mất mát này".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại