Chủ tịch đến từng nhà giục dân nhượng đất
Chị Phạm Thị Dậu được 42 hộ nông dân ủy quyền đứng đơn tố cáo. Chị Dậu nói: “Tố anh trai mình, tôi đau lắm chứ. Nhưng ông anh đã ăn cả tương lai của các con tôi và những người nông dân khác. Cực chẳng đã, tôi phải lên tiếng. Đất bị thu hồi rồi, trong khi chúng tôi không còn đất canh tác, hết nguồn sống thì những chân ruộng màu mỡ 2 lúa bị bỏ hoang”.
Tháng 3/2008, các hộ dân có đất trồng lúa nằm trong 5ha bị thu hồi để làm khu công nghiệp (KCN) ở thị trấn Yên Định được mời họp. Ông Phạm Ngọc Diệp - chủ tịch thị trấn - thông báo việc lấy ruộng và giao cho 3 doanh nghiệp gồm Cty TNHH thương mại Minh Tân, Cty CP thương mại Hồng Quảng, Cty TNHH Đại Thanh.
Ông chủ tịch UBND thị trấn làm luôn việc thỏa thuận giá cả với dân, giá 12.600.000 đồng/sào. Nhưng việc này không có kết quả, bằng chứng là trong Biên bản thỏa thuận về phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB xây dựng cụm công nghiệp thị trấn Yên Định tại tổ dân phố số 2 và số 3 được lập không có ngày tháng và cũng không có chữ kí bất cứ thành phần nào tham gia.
Thực tế, UBND tỉnh Nam Định không có quyết định thu hồi đất cho từng hộ dân, cũng không có dự án đầu tư được phê duyệt.
Nhưng ông Chủ tịch UBND thị trấn Yên Định đã cho cấp dưới “thuyết phục” các hộ dân phải nhận tiền ngay từ tháng 4/2008.
UBND thị trấn Yên Định cũng lên “danh sách thu hồi đất canh tác hộ gia đình phục vụ giải phóng mặt bằng xây dựng xưởng sản xuất” và “tổng hợp diện tích đất thu hồi cho 3 doanh nghiệp” có dấu xác nhận của văn phòng đăng kí quyền sử dụng đất.
89 sổ đỏ của các hộ dân có ruộng đang cấy nằm xâm canh tại địa giới của xã Hải Hưng trong phần đất 5ha trên bị ông Diệp làm văn bản “xin toàn bộ số giấy chứng nhận…”. Ông Diệp cũng trực tiếp trả tiền cho các hộ dân này.
Trong khi đó, điều 41 khoản 2 -Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 quy định cán bộ địa phương không được can thiệp vào việc thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất trong trường hợp đất không thuộc diện thu hồi.
“Tôi là nông dân mất đất, tôi phải giúp nông dân”
Ngồi trước chúng tôi là người phụ nữ khắc khổ sinh năm 1969 Kỷ Dậu. Bố mẹ chị Dậu sinh được 5 người con. Ông Diệp là anh ruột chị, sinh năm 1967.
Chị Dậu vay tiền đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan được một thời gian ngắn. Hai vợ chồng tích cóp xây được ngôi nhà ngói, chị lên Hà Nội làm ô sin, sau lại về Hải Hậu chăm chồng, và trông nom cháu.
Trong số 5ha mà nông dân thị trấn Yên Định phải sang nhượng, chị Dậu có 3 sào. “Có chút hiểu biết về pháp luật, tôi phải giúp bà con, chứ họ có biết đường đi nước bước thế nào đâu? Tôi cũng là nông dân bị thu hồi đất như họ” - chị Dậu nói.