Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: ​“Không thể cấm người ta mở mồm”

LÊ KIÊN |

Ngày 6-4, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật an toàn thông tin.

“Các cá nhân, tổ chức luôn phải đối mặt với nhiều loại hình tấn công trên mạng với mức độ ngày càng thường xuyên hơn như làm biến dạng trang tin, lừa đảo trên mạng, tấn công từ chối dịch vụ, phát tán mã độc hại và virút máy tính, thư rác, đánh cắp thông tin, phá hoại dữ liệu, làm gián đoạn, phá rối hoạt động thay đổi cấu hình của các hệ thống thông tin, phần mềm gián điệp, tấn công hệ thống ngân hàng và mạng lưới bán hàng trực tuyến, tin nhắn lừa đảo...

Các nhóm tội phạm khác nhau như: khủng bố, tình báo nước ngoài và quân đội của một số nước đang hoạt động hiện nay nhằm mục đích xâm hại lợi ích của Việt Nam trên mạng” - ông Son nêu thực trạng.

Ông cho rằng “tất cả vấn đề trên đã đặt ra cho công tác quản lý nhà nước về an toàn thông tin cần phải giải quyết để bảo đảm một môi trường phát triển ổn định”.

Không có nhiều quy định cụ thể, dự luật 56 điều đưa ra các nguyên tắc chung về đảm bảo an toàn thông tin; các hành vi bị nghiêm cấm; giám sát an toàn hệ thống thông tin; phát hiện, ngăn chặn và xử lý phần mềm độc hại; nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân...

Nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn ngay từ cái tên luật và e ngại về sự tương thích các quy định của dự luật này với Hiến pháp và các đạo luật khác.

“Quyền được tiếp cận thông tin, quyền được thông tin là một trong những quyền cơ bản của con người.

Vì vậy, đặt ra yêu cầu phải quản lý nhưng không được cản trở quyền thông tin của tổ chức, cá nhân” - Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý. 

Đồng thời bà Phóng gợi ý luật này “chỉ nên tập trung việc đảm bảo an ninh mạng”.

Trong khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu nội dung luật phải rõ ràng.

“An toàn thông tin thì các đồng chí muốn điều chỉnh cái gì đây?

Nói về thông tin thì có người sản xuất thông tin, người cung cấp thông tin và người nhận tin, vậy các đồng chí muốn điều chỉnh ai đây?

Một người nói cho một người nghe cũng là thông tin, một người nói cho nhiều người nghe cũng là thông tin.

Báo là thông tin, đài là thông tin, mạng là thông tin, blog cá nhân cũng là thông tin. Đấy là tôi chưa nói an toàn thông tin và an ninh thông tin khác nhau rất nhiều” - Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Ông cho rằng: “Chúng ta không cấm được thông tin, cái mồm người ta sao mà cấm người ta mở mồm được. Người ta nói A, mình thấy không đúng thì mình phải nói B chứ không thể cấm người ta”.

Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục chỉnh lý dự án luật này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại