Chống tham nhũng hiệu quả, cần tư pháp độc lập

Theo Laodong |

Tại phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương ngày 26.3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề ra nhiều việc phải làm như tập trung xét xử tham nhũng lớn, nêu ra phương châm “không làm thay, không cản trở hoạt động bình thường mà sử dụng, phát huy tối đa vai trò của các cơ quan chuyên môn”.

Lần họp trước, Tổng Bí thư cho rằng “cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ cực kỳ khó khăn, vì nó liên quan đến vật chất, tiền tài, danh vọng, động chạm đến những người có chức, có quyền”.

Đầu năm nay, bà Fiona Lappin - Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Anh - đã chúc cho Việt Nam “sẽ tìm ra những phương cách mới và táo bạo để tạo được mốc son phòng, chống tham nhũng trong năm 2013”. Liệu dịp này đã là thời cơ cho chúng ta?

Cùng nhìn lại “vai trò của các cơ quan chuyên môn” xem nó đang cần những gì để có thể hoạt động bình thường? Tháng 1.2013, tại cuộc hội thảo khoa học về chống tham nhũng do Tạp chí Cộng sản và Đại học QG TPHCM tổ chức, có hai ý kiến nổi bật: “Chống tham nhũng chỉ mới bắt được mèo con. Ở cấp trung ương chỉ phát hiện được 0,3% số vụ tham nhũng”.


	Công tác tư pháp cần sự độc lập hoàn toàn để tránh những cái "bắt tay" nhuốm màu lợi ích.

Công tác tư pháp cần sự độc lập hoàn toàn để tránh những cái "bắt tay" nhuốm màu lợi ích.

Tuần trước, trong buổi UBTV Quốc hội chất vấn Chánh án Trương Hòa Bình có rất nhiều câu hỏi bức xúc: “Tại sao tòa xử các vụ án tham nhũng nhẹ hơn các vụ án khác tới khoảng 45%?”; “Tại sao tòa xử quá nhiều án ''treo'' cho tội tham nhũng so với các tội khác?” v.v...

Chánh án Trương Hòa Bình cho rằng xử sai là do trình độ chuyên môn của thẩm phán yếu kém, còn xử nhẹ và xử nhiều án ''treo'' là do có chính sách chiếu cố những người “nhân thân tốt”, mà đã là cán bộ, đảng viên thì tất cả đều có “nhân thân tốt”!

Những câu hỏi và nội dung trả lời nói trên đều không nêu nghi vấn về việc tòa án có thể bị tác động, thao túng bởi những người có chức, có quyền. “Phương cách mới và táo bạo” mà bà Fiona Lappin nói chính là làm sao để đảm bảo “không cản trở hoạt động bình thường... của các cơ quan chuyên môn”.

Điều quan trọng nhất là phải tạo cho tư pháp, tòa án có vị thế độc lập. Gọi là “mới và táo bạo” bởi vì nó chưa quen với tập quán ở xã hội chúng ta. Đại hội XI đã ghi rõ, phải “đề cao tính độc lập, khách quan, tuân thủ pháp luật của từng cơ quan và chức danh tư pháp”; nhưng điều này chưa thể hiện thật đầy đủ bằng các quy chế, luật pháp đủ sức đảm bảo cho một nền tư pháp độc lập, tòa án chỉ xử theo luật mà không sợ bất cứ áp lực nào.

Hình thức tòa án khu vực cũng chưa đủ sức thuyết phục mọi người yên tâm là sẽ đảm bảo được tính độc lập xét xử như mong muốn. Đây là vấn đề đòi hỏi Ủy ban Cải cách tư pháp bỏ nhiều công sức, trí tuệ để trình một đề án thật toàn diện.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại