Chợ sâu bọ nằm ngay sau khoảng sân của Thuận Kiều Plaza, quận 5, TP.HCM. Chợ hoạt động từ sáng sớm tinh mơ, khoảng 5 giờ sáng đến 18 giờ tối.
Người ta gọi khu chợ này là "chợ kinh hãi". Bởi món hàng chính ở chợ này là những thứ dễ gây kinh hãi như sâu bọ, cáo cào, giun dế, bọ cạp, rết, ve, mối, thằn lằn…, được đựng đầy trong các thau nhựa, thùng xốp, lồng sắt, thùng giấy.
Không chỉ những người nhút nhát mới ớn lạnh mà ngay cả những kẻ bạo gan khi nhìn cảnh sâu bọ, côn trùng đen đặc, lúc nhúc bò qua bò lại cũng không khỏi rùng mình.
Khu chợ này tồn tại đã gần 20 năm nay. Ban đầu, chợ được hình thành từ một số người chuyên săn bắt cào cào, dế, sâu bọ ở huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh và các tỉnh miền Tây tụ họp về đây để buôn bán.
Lâu dần, người dân mấy quận xung quanh lấy mối rồi bán, tạo nên một khung cảnh tấp nập từ sáng đến tối. Khách hàng của họ chủ yếu là những người nuôi chim cảnh, cá cảnh và gà chọi.
Bởi thế, khu chợ này còn là nơi những người nuôi chim cảnh, nuôi gà đá tụ tập, trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm về chăm sóc, huấn luyện thú nuôi. Tạo nên một sự vui tươi riêng ở chốn "gây sợ hãi" này.
Nơi đây, bạn sẽ thấy những người phụ nữ mặc quần áo dày thật dày, đội nón và quàng khăn kín mít. Và những người đàn ông đen đúa, gầy nhẳng, áo dính bùn đất, bạc màu vì bụi khói.
Hàng chục năm mưu sinh bằng nghề bắt côn trùng
Ngày nào cũng như ngày nào, người đàn ông gầy gò ấy lại lầm lũi đi làm công việc quen thuộc của mình đã nhiều năm nay: bắt cào cào và dế đem bán cho những người nuôi chim, nuôi gà, nuôi cá cảnh ở Sài Gòn.
Đồ nghề của ông chỉ vỏn vẹn có cái vợt tự chế đã cũ rách một vài chỗ và chiếc rọ tre đã sờn màu. Cứ thế, ông đi hết cánh đồng này đến cánh đồng khác ở huyện Củ Chi, Hóc Môn… đến nỗi, từng thửa ruộng ông đều thuộc như nằm lòng bàn tay.
Tiền bán được từ cào cào và dế là tất cả những gì người đàn ông này kiếm được để sống qua ngày và nuôi ba đứa con còn đang tuổi ăn tuổi học.
Người ta gọi ông bằng cái tên quen thuộc: "Chú Năm". Cũng chẳng ai biết tên họ đầy đủ của ông là gì, ở cái chợ này. Ông cũng không cho ai biết. Ông sống ở Hóc Môn, trong một ngôi làng mà theo ông là ai cũng sống bằng nghề bắt cào cào.
Thời gian công việc của ông và những người chuyên làm nghề này bắt đầu từ 4- 5 giờ chiều cho tới đêm khuya. Thời điểm mà ngoài đồng, loại côn trùng này tập hợp rất nhiều.
Mỗi ngày, ông ra đồng ra ruộng bắt cào cào, dế, rết để vào từng bịch nylon nhỏ đem về chợ bán, mỗi bịch như vậy là 5.000 đồng.
Ông Năm đang bán cào cào tại chợ sâu bọ.
Mặc dù chợ sâu bọ họp từ 5 giờ sáng tới 18 giờ chiều nhưng riêng ông, ngày nào cũng vậy, tới chiều muộn mới lật đật chạy xe tới chợ bán hàng.
Và mặc dù, nhiều người buôn bán ở khu chợ này luôn có sẵn cào cào và dế để bán nhưng nhiều khách quen vẫn đợi ông tới mới mua!
Ông Năm nói: “Mùa nào thức đó. Tới mùa gặt, cào cào nhiều thì giá rẻ hơn. Cũng 5.000 đồng/ bịch nhưng được nhiều con hơn. Rết và dế bắt cực nên giá cao mà không phải lúc nào cũng có hàng.
Bây giờ, người ta bán dế nuôi nhiều nên dế đồng khó bán lắm. Mình bán mắc, không ai mua. Mà bán bằng giá dế nuôi thì cực quá, như không công”.
Cực như vậy, nhưng ông lại rất yêu nghề và tự hào rằng mình đang sống dựa trên chính sức lao động của mình chứ không phải như nhiều người, làm chuyện phi pháp để có tiền.
Ông nói: “Nghề này được cái không cần vốn, chỉ cần bỏ công bỏ sức là có cái ăn. Tuy nhọc nhằn nhưng nghề nào chẳng vất vả, ai dễ gì ngồi chơi mà xơi nước”.
"Cực nhưng yêu vì lương thiện"
Có người sống nhờ bắt côn trùng sâu bọ như ông Năm để kiếm sống, thì ắt có những người kiếm sống bằng việc buôn bán côn trùng, sâu bọ, ở cái chợ kinh hãi này.
Chị Phạm Thị Mỹ Dung, bán sâu bọ ở chợ này hơn 3 năm nay. Quê chị ở miền Tây, gia đình đông người. Ngán cảnh nghèo, vợ chồng chị dẫn nhau lên Sài Gòn tìm kế sinh nhai.
Chị Mỹ Dung, một người buôn bán côn trùng tại chợ "độc nhất vô nhị" này.
Vợ chồng chị mướn nhà trọ ở quận 8. Tiền dắt lưng thì ít, nghề nghiệp không có. Có được chiếc xe cà tàng, chồng chị chạy xe ôm, còn chị được người quen dắt mối cho làm nghề buôn bán sâu bọ.
Chị kể, lúc đầu nhìn thấy sâu bọ lúc nhúc, đen thui, rất sợ. Vì mưu sinh, mà nghề không đòi hỏi nhiều vốn, nên chị gạt sợ hãi qua một bên. Riết rồi quen, giờ chị cầm lon đong sâu cho khách cứ nhoay nhoáy như vơ nắm gạo trong thùng vậy.
Chị tâm sự: “Nghề này cực lắm. Lượm bạc cắc thôi. Khách mua 1.000, 2.000 cũng phải bán để giữ mối. Ngồi cả ngày, hứng nắng, hứng bụi mà lời có bao nhiêu.
Như người ta đi mần ăn thôi, chịu khó tích ít thành nhiều, từ sáng tới tối cũng được đôi trăm. Nhưng cũng có ngày vắng chỉ được vài chục ngàn”, người phụ nữ này kể về thu nhập ở chợ.
Theo lời chị, những người bán ở đây hầu hết đều là dân nghèo, không có tiền làm ăn hoặc không xin được việc làm.
Vất vả như vậy, chị chưa bao giờ nghĩ tới chuyện đổi nghề . Vì có muốn đổi nghề cũng không biết làm nghề nào. Chị bảo, giúp việc cũng vất mà dễ gì gặp được nhà chủ tốt. Làm nghề này được cái tự do, vậy là được!
Sâu non được bán theo lon (10.000 đồng/ lon), hoặc (từ 5.000/ bịch nhỏ). Châu chấu, cào cào giá 5.000/ bịch, khoảng chục con cào cào nhỏ hoặc 5 con cào cào to/ bịch.
Dế và giun được bán theo lạng, từ 10.000 đến 15.000 đồng/ 100gr. Những người bán ở đây gọi nghề này là nhặt từng đồng tiền lẻ. Nhưng đa số, họ tự hào với nghề này vì "cực, ít tiền nhưng lương thiện"
Không giống như những khu chợ khác, người này có thể cạnh tranh, ghen ghét với người kia hòng giành khách, những người buôn bán ở đây rất thương và đùm bọc nhau.
Theo cách lý giải của họ, khách có bấy nhiêu đó, người bán có bấy nhiêu đó, người bán cứ bán, người mua cứ mua, có giành giật cũng không được. Họ bảo “ngồi bán ở đây là chịu vất vả rồi, thương lấy nhau cho đời thêm vui”!
Một số hình ảnh khác về chợ kinh hãi tại TP.HCM:
Ảnh: Nguyễn Hương