"Chi tiết đặc biệt" trong báo cáo của Chính phủ và nỗi lo giống nòi

Thu Ngọc |

Trong toàn văn báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội trong kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, có một chi tiết đặc biệt.

Đó không phải là là vấn đề thời sự tuần, thời sự tháng, nhưng với hàng triệu người Việt, nó chính là vấn đề cấp bách của nhiều thế hệ, của giống nòi Việt.

Chi tiết lần đầu tiên được nhắc đến trong bản báo cáo quan trọng trước Quốc hội ấy, chính là việc “mở rộng đề án sữa học đường”.

Tại sao có thể coi sữa học đường là “chi tiết đặc biệt” trong bản báo cáo có rất nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách của Chính phủ?

Tại vì, nếu hôm nay nó không được nhắc đến, thì 10, 20, 40 năm nữa, người Việt sẽ có thể tiếp tục ghi dấu trên trường quốc tế với một kỷ lục buồn: Lùn bậc nhất thế giới.

Chỉ trong 40 năm, Nhật Bản đã khiến cụm từ mặc định “Nhật lùn” phải lùi vào dĩ vãng, vì họ đã làm một cuộc cách mạng để nâng chiều cao trung bình của người dân lên 10cm, đạt mức 172cm với nam và 157cm với nữ, thuộc top đầu của Châu Á.

Năm 1945, nam giới Nhật chỉ cao 1,59m và nữ cao 1,49m.

Một trong những “thần dược” quan trọng nhất cho sự bật vọt thể trạng của người Nhật, chính là kế hoạch “một ly sữa làm mạnh một dân tộc” trong khẩu phần ăn hàng ngày của giới trẻ Nhật Bản.

Trong một nỗ lực lớn, sau 7 năm triển khai đề án Sữa học đường, trẻ em Thái Lan cũng đã tăng được gần 5 cm chiều cao trẻ em so với chuẩn.Trong khi đó, suốt 15 năm qua, người Việt chỉ cao thêm được 1,5cm.

Cuộc Cách mạng trắng (cách mạng sữa tươi) ở Ấn Độ đã mang tới 1 lít sữa hàng ngày cho cả những người nghèo nhất và góp phần lớn nâng chiều cao trung bình của người Ấn lên một mức tự hào: Nam 1,73m, nữ 1,65m.

Tư duy nhiệm kỳ, tầm nhìn ngắn đã khiến cho con đường Đề án sữa học đường Việt Nam gặp nhiều trắc trở.

Được Viện chăn nuôi nhen nhúm từ năm 12 năm trước, nhưng Đề án Sữa học đường không thể trở thành hiện thực bởi một lý do tưởng như là hài hước: Một chiếc máy tính bị virus.

PGS. TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam kể: Năm 2003, đề án sữa học đường đã được trình lên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.

Sau 2 tiếng nghe báo cáo, Chủ tịch chỉ đạo phải sớm đưa đề án vào cuộc sống, tạo cú hích phát triển giống nòi.

Sau này, Chủ tịch Trần Đức Lương cũng có hỏi lại những người trình đề án về tiến độ của đề án. Nhưng cuối cùng tất cả chỉ dừng lại trên giấy vì không một bộ ngành nào thực sự vào cuộc.

Cú kết liễu cuối cùng về số phận đề án, được đổ cho một lý do hài hước: Máy tính của Viện bị virus, phải cài đặt lại, và bản lưu duy nhất của đề án cũng… bay theo virus.

Tháng 9/2014, Chủ tịch UBTUMTTQVN Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tham dự Lễ khởi động Chung tay vì tầm vóc Việt.

Ông Nguyễn Thiện Nhân tha thiết: "Sữa học đường sản xuất có chất lượng là một tiền đề dinh dưỡng rất quan trọng để nâng cao tầm vóc, trí tuệ người Việt Nam...

90 triệu người dân Việt Nam đều mong muốn dân tộc Việt Nam tiếp tục khẳng định vị trí của mình trên trường quốc tế, khẳng định truyền thống, khả năng của mình.

Còn ông Vũ Đức Đam kêu gọi: “Chúng ta hãy chung tay để các con, cháu lớn khôn bằng dòng sữa mẹ và bằng cả những dòng sữa thấm đẫm tình yêu, trách nhiệm, niềm tin và cả niềm tự hào”.

1000 người đi bộ vì tầm vóc Việt

Cũng tại buổi lễ này, bằng những số liệu cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã chỉ rõ tính cấp bách của đề án đối với tầm vóc Việt.

Thế nhưng, gần một năm sau Lễ khởi động đó, đến nay, đề án mà thuộc cấp của Bộ trưởng Tiến chấp bút, vẫn chưa có bất cứ dấu hiệu nào chuẩn bị bước ra cuộc sống.

Liệu “chi tiết đặc biệt” về sữa học đường trong bản báo cáo quan trọng của Chính phủ trước Quốc hội, có thể rút ngắn con đường gập ghềnh đi tới hiện thực hóa đề án?

Đường Hồ Chí Minh, đường dây 500KV, các đường cao tốc huyết mạch, sân bay Long Thành…có thể sẽ không bao giờ được hoàn thành, nếu những “kiến trúc sư trưởng” không có tầm nhìn tối thiểu 20,30,50 năm.

Không bắt đầu từ hôm nay, vài chục năm nữa, Việt Nam cũng sẽ không thể “sánh vai với các cường quốc năm châu”, nếu vẫn còn phải ngước mắt lên, nhìn bạn bè quốc tế, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

“Trên 50 nước đã triển khai chương trình sữa học đường…Chúng ta có hẳn một đề án nâng cao tầm vóc người Việt của ngành thể dục thể thao nhưng lại không hề đả động gì đến việc cấp sữa cho trẻ em”.

(Giáo sư Lê Viết Ly, Phó Chủ tịch Hội KHKT Chăn nuôi Việt Nam)

“Tháng 11/2007, đoàn công tác của Quốc hội VN sang làm việc với Bộ Nội vụ Nhật Bản, thấy học sinh nam lớp 12 của Nhật Bản cao trung bình 1,78m. Phía bạn cho biết, có được điều này là nhờ uống sữa”.

(PGS. TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam)

“Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới thì tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi chúng ta khoảng 26%, theo tính toán, cứ hơn 4 cháu lại có 1 cháu bị suy dinh dưỡng thấp còi”.

(Ông Nguyễn Đức Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ sức khỏe bà mẹ - trẻ em, Bộ Y tế)

“Tôi đề nghị, Chính phủ cần ban hành ngay Quy chuẩn sữa học đường quốc gia. Đó phải là loại sữa tươi sạch, bổ sung vi chất thiết yếu một cách khoa học nhất.

Vận mệnh, tương lai của đất nước chúng ta phụ thuộc rất lớn vào việc chúng ta chăm sóc lứa tuổi vàng, lứa tuổi học sinh mẫu giáo, tiểu học như thế nào”.

(Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại