Thoạt đầu, chị chẳng nói được câu nào nên lời, miệng chỉ lắp bắp được 4 tiếng trong tiếc nấc nghẹn ngào “Đời.. chị… khổ… lắm!”. Rồi chị kể. nơi miền đất cằn cỗi, cha mẹ chị chỉ sinh được 2 cô con gái. Cuộc sống quanh quẩn với củ sắn củ mài nên học đến lớp 3 xóa mù chữ thì chị phải nghỉ học. Không được may mắn như người em hay bạn bè cùng trang lứa, chị Tâm có phần chậm chạp, thiếu linh hoạt về tính cách và sinh hoạt.
Tuổi đôi mươi chị cũng khát khao một tấm chồng làm chỗ dựa tinh thần để nuôi cha mẹ già yếu. Rồi, người đàn ông từ đâu đến trông coi nhà kho rạp hát của xã nhà đã buông lời tán tỉnh chị. Chừng 5 tháng, dưới ánh đèn dầu lờ mờ, chị đã tin lời người đàn ông thề non hẹn biển mà trao thân gửi phận cho hắn. Cứ tưởng cuộc đời chị được yên phận với tầm chồng nghèo nhưng ngờ đâu hắn đã “truất ngựa truy phong” để lại giọt máu đã thành hình trong con người chị.
Ngày chị vác bụng bầu, 4 từ “không chồng mà chửa” khiến chị hổ thẹn, suy sụp. Đau đớn tủi nhục khiến cha mẹ chỉ cũng chẳng dám nhìn mặt ai. Nhưng rồi “con dại cái mang” đứa con trai vẫn được sinh ra trong vòng tay, rau cháo của ông bà ngoại và người mẹ tội nghiệp. Nghiệt ngã thay, Hoàng Văn Thức (tên đứa bé) càng lớn Thức càng có dấu hiệu bị bệnh tâm thần. Đi học buổi đực buổi cái nên cố lắm cậu bé cũng chỉ học được hết lớp 6 thì bỏ. Trừ phần lớn thời gian chỉ la hét, nằm lăn lê, bò trườn thì Thức giúp được mẹ quét nhà, dọn sân.
Chị Hoàng Thị Tâm.
Rồi cô em gái cũng đi lấy chồng, vất vả như dồn hết vào đôi vai bé nhỏ của chị Tâm. Người phụ nữ ấy phải đi đào từng cây rau má, bắt ốc đi bán, ăn sắn thay cơm…
Cuộc sống vốn đã cơ cực lại thêm phần đắng cay. Khoảng năm 2000, vì gia đình không có trâu bò cày kéo, chị phải đi mượn trâu của hàng xóm về làm. Một hôm, lúc chị đi làm về trời cũng nhá nhem tối, đến phía bìa núi hoang vu thì chị bất ngờ bị anh hàng xóm (người cho chị mượn trâu) đè xuống bãi cỏ. Vốn chậm chạp, thiếu linh hoạt, nhà dân ở thưa thớt nên chị kêu la cũng vô ích. Gã hàng xóm sau khi thỏa mãn thú tính thì bỏ đi để chị một mình ngồi ở vệ đường.
Chị Tâm đã âm thầm chịu đững nỗi nhục nhã ấy và không tâm sự với ai về chuyện này. Không ngờ sau lần ấy chị đã mang bầu. Cha mẹ chị Tâm đổ bệnh vì tin dữ. Nhiều lần, người đàn bà khốn khổ nghĩ đến cái chết nhưng bởi lòng thương con nên chị đã nuốt nước mắt để gượng dậy.
Hiện tại, trong căn nhà cấp 4 nhỏ bé, lụp xụp, 3 - 4 người khách đến chơi cùng lúc thì chiếc ghế nhựa cũng không có đủ. Mẹ mất, một mình chị phải làm lụng nuôi cha già 74 tuổi, bị bệnh hen, khớp không có tiền chữa trị cùng với đứa con trai tâm thần và đứa con gái thứ 2 đang học lớp 7.
Người cha già bệnh tật...
Thấy hoàn cảnh của chị khó khăn, một công ty môi trường nhỏ của huyện đã nhận chị vào làm hợp đồng. Ngoài vài sào ruộng của ông bà để lại, hằng ngày cứ 3h sáng, chị và đứa con trai tâm thần phải nhịn đói cùng đẩy xe rác đi khắp thị trấn và xã để gom rác. Dù làm cật lực nhưng cả 2 mẹ con cả tháng cũng chỉ thu nhập được hơn 1 triệu đồng. Số tiền ấy chẳng thấm vào đâu so với 4 miệng ăn, tiền đóng học, tiền thuốc… Chiếc xe đẩy rác của công ty cấp cho thành cần câu cơm của cả nhà. Bà con lối xóm đều dành cho 2 mẹ con cái tên quen thuộc như “Tâm gom rác”, “2 mẹ con gom rác”…
Cậu con trai bị tâm thân và cô con gái của chị Tâm.
Dù có khó khăn vất vả nhưng thấy đứa con gái năm nào cũng được học sinh tiên tiến, chị cũng như được động viên phần nào. Thế nhưng, mỗi khi đứa con trai đầu đã đến tuổi lấy vợ mà tay cứ lăm lăm cây dao lớn tiếng “nếu tìm được thằng đẻ ra tao, tao sẽ chém cho chết”, lòng chị lại quặn thắt.