Đường dây nóng: “Không giải quyết được vấn đề gì nhiều nhặn đâu!”
Cục Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) vừa chính thức mở 3 số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các phản ánh, tố cáo hành vi tham nhũng, tặng quà Tết trái quy định.
Trước đó, theo khảo sát về xung đột lợi ích do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới thực hiện trong quý 2/2015, có 48% doanh nghiệp được hỏi thừa nhận có tặng quà cho cán bộ, công chức trong khoảng thời gian 12 tháng gần đây.
Trong đó, 82% là quà có giá trị trên 500.000 đồng.
Bình luận về việc mở đường dây nóng tố cáo tham nhũng, ông Hoàng Minh Châu – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nam Dược cho hay, ở nước ngoài người ta cũng công bố đường dây nóng, thậm chí điện thoại của những người có trách nhiệm.
Bởi một xã hội công bằng, trong sạch là động lực để đất nước phát triển. Đất nước nào càng minh bạch, càng văn minh thì càng dễ phát triển, do vậy, việc ngăn chặn hành vi tham nhũng, tặng quà Tết trái quy định là cần thiết.
“Điều đó góp phần cởi mở thông tin và tiện lợi hơn cho việc phản ánh, tố cáo khi cần. Tôi nghĩ việc lập đường dây nóng cũng là một kênh thông tin, tất nhiên, thông tin người ta cung cấp qua điện thoại phải được kiểm chứng.
Tại Việt Nam, nhiều cơ quan, công ty đã lập rồi, nhưng thực ra hiệu quả đến đâu thì cũng khó nói. Nếu không có các tổng kết, đánh giá hay những thông báo dạng như trường hợp nào được/cần tố giác qua đường dây nóng thì… khó đánh giá được hiệu quả", ông nói.
Ông Hoàng Minh Châu (Ảnh: Công ty cổ phần Nam Dược)
Theo ông Châu, đường dây nóng trên “không giải quyết được vấn đề gì nhiều”.
Đơn cử như trong năm 2015, theo báo cáo, Cục Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính Phủ) chưa phát hiện trường hợp nào nhận quà sai quy định, trong khi đường dây nóng của Cục nhận được 65 cuộc gọi tố cáo có dấu hiệu tham nhũng trong dịp Tết Nguyên đán.
Chính vì vậy, khi phóng viên đặt giả thiết nếu ông Châu phát hiện trường hợp nào đó có dấu hiệu tham nhũng, tặng quà Tết trái quy định, ông có gọi vào đường dây nóng phản ánh không, doanh nhân này cho biết: “Đó là câu hỏi khó trả lời”.
Ông Châu nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, nhiều người cũng nghĩ như tôi, vì không giải quyết được vấn đề gì nhiều thành ra họ có thể không tham gia”.
Biếu xén quà Tết: Doanh nghiệp Nhà nước nhiều hơn tư nhân
Nói về việc biếu xén quà Tết, ông Hà Thế Phương – Nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần bê tông dự ứng lực (PVC – FECON) thừa nhận đó là thực tế ở Việt Nam.
Việc lập 3 đường dây nóng tiếp nhận tố cáo, phản ánh, theo ông Phương “chắc là cũng có” phát huy hiệu quả, nhưng khó giải quyết triệt để việc biếu xén, tham nhũng…
“Thời nay người ta không mặc cả như xưa mà tự nguyện nên cũng khó xử lý”, ông Phương nêu quan điểm.
Theo ông Phương, các doanh nghiệp liên quan đến Nhà nước có quan niệm về tham nhũng, quà cáp… khác so với các doanh nghiệp tư nhân.
Ông Hà Thế Phương – Nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần bê tông dự ứng lực (Ảnh: Internet)
“Rất khó để định nghĩa về quà hối lộ, tham nhũng… Trong mối quan hệ, chuyện biếu 500 nghìn đồng – 1 triệu đồng vào việc nọ việc kia là chuyện hết sức bình thường. Còn nếu biếu vì một cái gì đó lại là chuyện khác.
Doanh nghiệp tư nhân thường chỉ lo Tết cho anh em trong công ty, tức là “lo xuôi” chứ không “lo ngược”.
Ở lĩnh vực xây dựng, để vào một công trình không hẳn đã phải quà cáp, hối lộ. Thông thường họ đấu thầu trực tiếp, các đơn vị cứ công khai, sòng phẳng làm việc với nhau.
Những công trình chỉ định thầu mới phức tạp, có vấn đề. Chính ra ở các doanh nghiệp, đơn vị nhà nước mới hay có kiểu đó để thăng quan, tiến chức chứ các doanh nghiệp bên ngoài không như thế”, doanh nhân này khẳng định.
Bình luận về thông tin có 23 người nộp lại 489 triệu đồng quà tặng năm nay trong báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2015 của Chính phủ, ông Phương nói: “Tôi nghĩ con số trên không đúng thực tế. Đúng sao được!”.
Ở các ngành khác nhau thì con số đó có thể rất thấp so với thực tế. Có 23 nguời nộp 489 triệu, tính ra mỗi người có hơn 20 triệu đồng. Còn phải xem họ ở vị trí nào, nhưng trung bình 20 triệu đồng/người cũng không phải là nhiều, chỉ bằng 2 tháng lương.
“Chỉ có 23 người còn những người khác không động tới tham nhũng tí nào? Nếu mà được như vậy thì xã hội tiến bộ quá! Lý tưởng quá!” – ông Phương nói.
Theo ông Phương, muốn đánh giá về kết quả này phải trở lại vấn đề: định nghĩa thế nào là tham nhũng.
“Chẳng hạn cũng là tặng quà, nhưng chỉ là xã giao thông thường chứ không mang ý đồ gì thì có gọi là tham nhũng không?
Thông thường doanh nghiệp Nhà nước liên quan đến càng nhiều doanh nghiệp thì ngày Tết họ nhận quà càng nhiều, nhưng quà đó theo tôi không mang ý nghĩa tham nhũng”, ông Phương nhấn mạnh.
Doanh nhân này khẳng định, với tình trạng xã hội như hiện nay, để không ai biếu xén quà Tết trái quy định cần cả quá trình lâu dài bởi ai cũng nhìn thấy nó sai đấy, nhưng vẫn làm cho yên tâm.
“Đó là suy nghĩ sai, lệch lạc của cả xã hội. Muốn chấm dứt tình trạng trên cả xã hội phải thay đổi chứ nếu chỉ một vài doanh nghiệp trong cái guồng đó thay đổi thì không đóng góp được gì cho xã hội.
Cần phải bắt đầu từ cách hành xử của mọi người, nhất là lớp trẻ”, ông cho hay.