Sao Viện trưởng VKS gây tai nạn không bị khởi tố tội giết người?

Hoàng Đan |

Theo các luật sư, đối với ông Viện trưởng VKSND huyện Tu Mơ Rông gây tai nạn liên hoàn thì cũng chỉ có thể xem xét dưới góc độ cẩu thả chứ không xem là giết người.

"Bỏ mặc" và "kéo lê" là khác nhau

Vụ việc Thượng úy Nguyễn Quốc Đạt bị lái xe Đoàn Văn Chuyên, mang BKS BKS 89L - 0211 kéo lê đi khoảng gần 20m trên đường QL5 đang gây bức xúc dư luận.

Theo cơ quan CA Q.Long Biên, hiện đã giao tài xế trên cho phòng PC45 điều tra hành vi "Chống người thi hành công vụ" và "Giết người".

Trước đó, vụ ông Trần Quang Hùng, Viện trưởng Viện KSND huyện Tu Mơ Rông uống rượu say, lái xe công vụ gây tai nạn làm sáu người bị thương rồi bỏ mặc nạn nhân, chạy gần 30km từ huyện Đắk Hà về TP.Kon Tum cũng khiến mọi người phẫn nộ.

Chiều 14/12, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ" đối với ông Trần Quang Hùng theo điều 202 BLHS.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Phạm Công Út, Trưởng VP Luật sư Phạm Nguyên, người có nhiều năm làm thẩm phán cho hay, điều khiển xe ôtô được các nhà làm luật xem là nguồn nguy hiểm cao độ, có thể dẫn đến chết người, thậm chí có thể làm chết nhiều người.

Nên, nếu lỗi vô ý do cẩu thả hoặc do tự tin thì các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự ở tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" theo điều 202 BLHS.

Nhưng cũng với "nguồn nguy hiểm cao độ" này mà người điều khiển có mục đích cố ý, trực tiếp hoặc gián tiếp tác động vào tính mạng người khác thì phải bị truy cứu về hành vi "Giết người" theo điều 93 BLHS.


Dựng hiện trường vụ tai nạn do Viện trưởng VKS huyện Tu Mơ Rông gây ra. Ảnh: Dân Việt.

Dựng hiện trường vụ tai nạn do Viện trưởng VKS huyện Tu Mơ Rông gây ra. Ảnh: Dân Việt.

"Đối với tài xế xe tải cố ý dùng ôtô kéo lê CSGT trên đoạn đường dài thì dù người tài xế ấy không cố ý tước đoạt sinh mạng người khác một cách trực tiếp thì cũng bị xem là cố ý gián tiếp để mặc cho người bị kéo lê có thể chết.

Nhưng đối với ông Viện trưởng VKSND huyện Tu Mơ Rông thì chỉ có thể xem xét dưới góc độ cẩu thả chứ không xem là giết người, nhưng với ít nhất có tới 4 tình tiết tăng nặng định khung hình phạt theo khoản 2 điều 202 BLHS là:

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng.

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn.

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông.

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng... Với mức án từ 03 đến 10 năm tù", luật sư Út cho biết.

Cũng theo luật sư Út, cần phải hiểu rõ hành vi "bỏ mặc" và hành vi "kéo lê" là khác nhau, do hành vi bỏ mặc nạn nhân hoặc gây tai nạn liên hoàn rồi bỏ trốn đều được quy định rõ trong khoản 2 Điều 202 BLHS.

"Còn hành vi biết rõ người đang bị kéo lê dưới gầm xe nhưng vẫn cố tình lao tới thì phải biết nạn nhân có thể chết do hành vi của mình.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, CQĐT phải chứng minh được rằng anh tài xế đó biết chắc là mình đang kéo lê người khác bằng xe tải của mình", luật sư Út nói thêm.

Vụ kéo lê CSGT: Cần làm rõ hành vi Giết người

Đồng quan điểm đó, luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng VP Luật sư Toàn Cầu (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng cho biết, trong vụ việc Viện trưởng Viện KSND huyện Tu Mơ Rông gây tai nạn liên hoàn nghiêm trọng thì hành vi của ông Hùng chỉ là vi phạm các quy định về ATGT.

Đồng thời, có thêm các tình tiết tăng nặng như sử dụng rượu bia, chất kích thích, gây tai nạn rồi bỏ chạy, gây hậu quả nghiêm trọng.

Luật sư Lê Văn Thiệp.
Luật sư Lê Văn Thiệp.

"Việc cơ quan điều tra tiến hành khởi tố theo điều 202 BLHS là hoàn toàn chính xác. Còn đối với trường hợp của tài xế xe tải kéo lê CSGT thì ở đây, là có hành vi cố ý hoặc gián tiếp để mặc người kéo lê đó có thể chết.

Ngoài ra, còn có tình tiết tặng nặng định khung là giết người vì lý do công vụ của nạn nhân. Do đó, có cơ sở đề điều tra về hành vi "Giết người" và cơ quan điều tra cần làm rõ điều này", luật sư Thiệp nêu.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VP Luật sư Chính Pháp (Hà Nội) cũng cho rằng, hành vi của Viện trưởng Viện KSND huyện Tu Mơ Rông ở đây là vi phạm luật giao thông.

"Ở hai vụ việc của ông Viện trưởng Viện KSND huyện Tu Mơ Rông và vụ tài xế xe tải kéo lê CSGT là hoàn toàn khác nhau.

Hành vi của ông Hùng là hành vi vi phạm luật giao thông, không có mục đích giết người và trong tâm thế hoảng loạn, sợ bị xử phạt, đánh đập nên bỏ chạy, do đó, căn cứ khởi tố theo điều 202 BLHS là hoàn toàn hợp lý.

Còn ở vụ tài xế kéo lê CSGT rất nhiều người mong muốn khởi tố đối tượng Chuyên về tội "Giết người" để răn đe, giáo dục chung. Tuy nhiên, để khởi tố về tội gì thì phải dựa trên các yếu tố cấu thành tội phạm đã được BLHS quy định.

Nếu khởi tố về tội "Giết người" thì cơ quan điều tra phải chứng minh được hành vi của tài xế này là cố tình hay mong muốn xảy ra việc này. Đồng thời, chứng minh động cơ, mục đích giết người...", luật sư Cường nêu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại