Chênh lệch số liệu TNGT: Ủy ban ATGT Quốc gia nói gì?

Hà Khê |

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, cơ quan này chỉ công bố số liệu do Cục CSGT cung cấp, chứ họ không phải là cơ quan thống kê.

Liên quan đến sự chênh lệch về con số tai nạn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán 2016 vừa được công bố, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với các cơ quan liên quan để lý giải sự bất hợp lý này.

Cụ thể, theo số liệu mà Ủy ban ATGT Quốc gia công bố, trong 3 ngày tết Bính Thân vừa qua, cả nước có 104 vụ tai nạn giao thông (TNGT) khiến 64 người chết.

Tuy nhiên, số liệu thống kê mà Bộ Y tế đưa ra lại cao gấp 166 lần so với số liệu mà Ủy ban ATGT Quốc gia công bố.

Theo số liệu của Bộ Y tế, trong 3 ngày Tết số ca khám cấp cứu vì TNGT tăng đột biến, lên tới 17.278 ca, tăng 113% so với Tết Ất Mùi 2015. Trong đó có 1.978 ca chấn thương sọ não, 88 trường hợp tử vong vì TNGT.

Trao đổi với chúng tôi, ông Khuất Việt Hùng (Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia) cho hay, đối với số liệu của Bộ Y tế, Ủy ban coi đó là con số để nghiên cứu, tham khảo.

Sở dĩ Bộ Y tế thống kê bởi liên quan đến vấn đề sức khỏe của người dân.

Ông Hùng nói thêm, theo quy định hiện hành, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ lấy và công bố số liệu tai nạn giao thông từ Cục CSGT (Bộ Công an). Số liệu thống kê từ Cục CSGT cũng sẽ được đưa vào niên giám thống kê.

"Ủy ban ATGT Quốc gia sử dụng số liệu chính thức từ công an để công bố chứ không thể sử dụng số liệu từ bất kể một nguồn nào khác", ông nhấn mạnh.

Ông cho rằng, có sự vênh nhau về số liệu báo cáo tình hình tai nạn giao thông giữa Ủy ban và Bộ Y tế thì cần xem lại cách thức thống kê của Bộ Y tế là như thế nào, đã phù hợp chưa.

"Nếu muốn kiểm tra cụ thể hoặc kiểm tra chéo về độ vênh của số liệu, tôi nghĩ cần hỏi bên Cục CSGT, họ sẽ lý giải điều này. Thực ra, Ủy ban không phải là cơ quan làm thống kê, chúng tôi chỉ lấy số liệu và công bố", ông Hùng cho biết.

Nói về sự chênh lệch số liệu đó, dưới góc độ cá nhân, ông Hùng cho rằng, vì không biết cách thức thống kê của Bộ Y tế như thế nào nên rất khó nhận xét.

Liên quan đến điều này, trao đổi với PV, một lãnh đạo của Ủy ban ATGT Quốc gia (xin giấu tên) cho rằng, thống kê của Bộ Y tế thường bị trùng lặp và đôi khi chưa chính xác.

Vị này lý giải thêm, hiện số liệu thống kê ở các bệnh viện tuyến Trung ương là khá chính xác, nhưng ở tuyến địa phương lại không được như vậy.

"Ví dụ một vụ tai nạn giao thông ở huyện X, sau khi cấp cứu nạn nhân, bệnh viện huyện X chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tỉnh, sau đó có thể nạn nhân sẽ được chuyển tiếp lên bệnh viện Trung ương để điều trị.

Như vậy, có thể một vụ tai nạn nhưng sẽ cộng dồn bệnh nhân khiến số nạn nhân tăng vọt", vị này phân tích.

Người này nói thêm, nhiều vụ đánh nhau, gây gổ hoặc tai nạn lao động người ta cũng hay quy về tai nạn giao thông cho dễ giải quyết.

"Đánh nhau gây thương tích nhưng người ta thỏa thuận với nhau trước khi vào viện. Khi vào đó, họ thỏa thuận khai là tai nạn cho đỡ rắc rối. TNGT chỉ xử lý nhẹ mà không phải chịu trách nhiệm hình sự", ông này tiếp tục lý giải.

Cũng theo vị này, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới việc vênh nhau về số liệu giữa công an và y tế là chuyện bình thường.

Vị này ví dụ, năm ngoái ở Thái Lan số liệu người tử vong vì TNGT do cảnh sát công bố là hơn 13.000 người, nhưng Bộ Y tế công bố lại hơn 26.000 người.

Năm nay, Ủy ban sẽ phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các bộ ngành liên quan để có sự trao đổi, đánh giá, làm rõ phương pháp thống kê về tai nạn giao thông cũng như đánh giá về chất lượng số liệu.

Mặt khác, có thể kết hợp dữ liệu của hai bên để đưa ra số liệu thống nhất.

Hiện nay, hầu hết các nước đều giao cho CSGT thống kê số liệu tai nạn giao thông.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại