Chàng trai cả đêm ngồi đỡ đẻ, truyền nước cho chó

K.Ngân -N.Huệ |

(Soha.vn) - Đó là một trong những câu chuyện xúc động về tình cảm của người chơi chó cảnh dành cho “đứa con” của họ.

Thức đêm chờ đỡ đẻ cho chó

Không chỉ là người thành đạt trong lĩnh vực kinh doanh chó cảnh, chàng trai 8X Nguyễn Anh Dũng (Hà Nội) còn được biết tới là người có thể “đọc” được suy nghĩ của từng con vật mình nuôi. Một ánh mắt trầm tư khi buồn hay một cái quẫy đuôi đầy thích thú… của chúng đều không “lọt” được qua sự kiểm soát của Dũng.

Chính vì đọc được những suy nghĩ của chúng nên Dũng mới hiểu: Thẳm sâu trong tâm hồn mỗi chú chó đó cũng là những tình cảm nhớ nhung, yêu thương, bịn rịn… như con người trước một sự chia xa hay sự ra đi của một người thân thích.

Dũng kể: “Đó là câu chuyện của vợ chồng chó đốm. “Chồng” mất do ốm, bỏ lại đốm. Nó đã không ăn uống nhiều ngày và gầy đi trông thấy. Phải mất khoảng 2 tháng, đốm cái mới lấy lại được trạng thái tâm lý cân bằng”.

Câu chuyện chú chó đốm cái đau đớn, mất cân bằng tâm lý khi chồng ra đi.
Câu chuyện chú chó đốm cái đau đớn, mất cân bằng tâm lý khi "chồng" ra đi.

Kể tới đây, Dũng lại để dòng hồi ức của mình trở lại ngày 29 Tết bế Bốp (chú chó dòng Dogo Argentino), khi đó đã qua đời sau 20 ngày truyền nước do bị suy thận, Dũng bế Bốp đi khắp những nơi nó đã từng đi qua.

Có những lần anh Dũng ngồi canh cả đêm nhìn hai đứa con truyền nước.

Có những lần anh Dũng ngồi canh cả đêm nhìn hai "đứa con" truyền nước.

“Tôi làm như thế để Bốp ra đi được thanh thản. Và điểm dừng chân cuối cùng là chân cầu Long Biên. Trước khi để dòng nước cuốn lấy Bốp, tôi đã tháo hết vòng cổ, xích với hi vọng nó không bị gông cùm và nhanh được đầu thai. Tôi đã đứng đó nhìn theo dòng chẩy cho tới khi không còn nhìn thấy bóng dáng của nó nữa”, Dũng nói mà giọng nghẹn lại.

Với tất cả các loài động vật, Dũng đều dành tình yêu cho chúng nhưng có lẽ với những chú chó, tình yêu đó “đặc biệt” và sâu sắc hơn. Chính vì thế, Dũng không bao giờ… ăn thịt chó.

Những lần những “đứa con” của anh bỏ ăn, anh lúng túng chạy hỏi khắp nơi, anh tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc bỏ ăn và khắc phục. Có lần, anh ngồi cạnh những chú chó ốm qua đêm đến sáng.

Thậm chí, anh không ngần ngại đỡ đẻ cho chó. “Kỷ lục của tôi là ngồi đỡ đẻ cho một con chó cái từ 8 giờ tối đến 10 giờ sáng hôm sau. Ban đầu sợ nhưng dần quen và cảm thấy thích nhìn những chú chó con ra đời”, anh Dũng kể lại.

Sau khi nhắc tới sự tan rã của làng thịt chó Nhật Tân (Hà Nội) vì sự ám ảnh của những “bóng ma tâm linh”, Dũng kể chúng tôi nghe những câu chuyện “may mắn” trong kinh doanh cũng như cuộc sống được mang lại từ chính những chú chó mà Dũng vẫn trìu mến gọi là “con”:

“Khi bị cướp vào nhà, chính chú chó Dogo đã tấn công kẻ cướp và cứu tôi thoát chết chỉ trong gang tấc. Và tôi luôn cảm nhận, những chú chó đã rời bỏ tôi vì bất cứ lí do gì: do bệnh, do già yếu… nhưng linh hồn của chúng như vẫn quanh quẩn bên tôi, che chở bảo vệ tôi và anh em của chúng”, Dũng nói.

Cũng có lúc, chính Dũng đã bị chú chó của mình “tấn công” trong lúc hỗn loạn. Nhưng sau khi nhận ra, kẻ bị thương chính là “bố” của mình, những ánh mắt đầy hối hận từ những chú chó ấy lại dồn về phía Dũng. Đó cũng là khi Dũng cảm nhận thấy sự trung thành đang dấy lên ở từng con.

“Ông Tây hâm” và con mèo bị tai nạn

"Ông Tây hâm" là một trong những câu chuyện cảm động về tình cảm giữa con người với vật nuôi dưới sự chứng kiến trong thời gian hành nghề chữa trị của bác sỹ thú y Hoàng Ngọc Báu (Ngọc Lẫm, Long Biên) kể lại cho chúng tôi.

Câu chuyện này đã để lại ấn tượng cho ông Báu trong một lần cấp cứu một chú mèo bị xe máy đâm phải. Bác sỹ Báu kể, một ông Tây tên David (dạy tiếng Anh ở Việt Nam) ngày ngày đi qua cửa hàng trên phố và dừng lại thăm nuôi hai con mèo bị nhốt trong cũi sắt rỉ của bà bán hàng khô.

Ông Tây này bị mọi người xung quanh nói “hâm” khi ngày nào cũng thấy ông cho mèo ăn thức ăn khô và uống nước. Một ngày, con mèo xổng ra và không may bị xe máy quệt phải, máu chảy bê bết, bất tỉnh, lập tức ông Tây ôm con mèo và ra hiệu cho mọi người mình có quyền đưa con mèo đi cấp cứu.

Ông Tây hâm và con mèo bị cứu chữa sau tai nạn được kể từ bác sỹ Báu.
"Ông Tây hâm" và con mèo bị cứu chữa sau tai nạn được kể từ bác sỹ Báu.

“Con mèo được mang đến chỗ tôi, sau vài ngày chữa trị con mèo bình phục. Ông Tây này có khẩn khoản nhờ tôi gặp chủ mèo để “trả” và thuyết phục họ bán lại con mèo cho ông để gửi một người thực sự yêu quý mèo nuôi.

Cuối cùng con mèo được mua lại, đặt tên là “Lucky” và một cậu học sinh lớp 11 đã nhận nuôi nó với tất cả tình yêu thương”, bác sỹ thú y Hoàng Ngọc Báu kể lại.

Ngoài ra, bác sỹ Báu kể ông thực sự xúc động khi thấy nhiều cô bé là học sinh tiểu học sụt sùi khóc lóc bế con chó, con mèo đến nhờ ông cứu chữa hay câu chuyện về anh Cường hàng xóm nhà ông lần đầu tiên vào bếp nấu cháo cho chú chó cảnh bị ốm, bố mẹ anh này còn nói đùa rằng: "Chăm chó còn hơn chăm người".

Bản thân bác sỹ Báu cũng “mang ơn” chú chó vện khi ông còn nhỏ. Ông được cứu sống trong gang tấc khi bị một con rắn hổ mang tấn công trong đêm tối.

“Lúc ấy tôi ra ngoài đi vệ sinh, con chó vện chạy theo, chặn ngang đường không cho tôi bước tiếp. Bố tôi thấy chó sủa nghĩ trộm vào nhà, ông vội vàng cầm gậy ra cửa.Ông soi đèn pin và thấy con chó đứng trước bảo vệ tôi, liên tục sủa vào con rắn hổ mang. Chú chó ấy bị con rắn cắn 2 phát  vào chân và chỉ sau 2 tiếng nó chết. Tôi cảm thấy mình “mang ơn” sự cứu mạng của chú chó ấy”, bác sỹ Báu nhớ lại.

Chính câu chuyện “mang ơn” đó mà bác sỹ Báu đã gắn bó và tâm huyết với nghề khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe cho thú nuôi gần 30 năm qua. Và những câu chuyện mà chúng tôi ghi nhận ở trên là như một thông điệp yêu thương vật nuôi được gửi từ những nhân vật ấy.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại