12 tuổi, Hào Anh đã phải chập chững bước vào đời bằng đôi chân bé nhỏ của mình. Đôi chân ấy không thể đứng vững trước những đòn roi bạo lực mà đôi vợ chồng chủ trại tôm giống Giang-Thơm (nơi được coi là "địa ngục trần gian") gây ra. Em bị hành hạ đủ kiểu, với những thủ đoạn dã man nhất, tàn độc nhất...
Sống trong địa ngục
Chị Phạm Thị Thoa gá nghĩa với anh Trần Thanh Triều từ hồi Hào Anh còn nhỏ, sau khi cha ruột của Hào Anh bỏ đi theo người đàn bà khác.
Vì gánh nặng gia đình và theo tiếng gọi của tình yêu mới, chị Thoa gửi Hào Anh làm thuê tại một trại tôm giống ở xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, còn mình bồng bế Hào Em theo anh Triều về quê sinh sống. Thế là 12 tuổi, Hào Anh rời bỏ gia đình, bước chân vào cuộc đời làm thuê với những chuỗi ngày kinh hoàng.
Thời gian giúp việc tại trại tôm giống của vợ chồng Huỳnh Thanh Giang và Mã Ngọc Thơm là quãng đời Hào Anh trải qua những giờ phút kinh khủng nhất của cuộc đời bởi những hình thức tra tấn mà sau này vợ chồng Giang-Thơm khai nhận như: Dùng giẻ lau nhà nhét vào miệng, dùng búa đập vào tay, nước đang sôi hắt thẳng vào người, bỏ đói thường xuyên, treo ngược lên mái nhà, dùng đũa than đang nóng gí vào mặt, vào đầu... Đó là những “món quà” em nhận được sau những lần không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Hào Anh lúc mới được giải cứu, nằm tại bệnh viện và những vết đánh còn hằn trên da thịt
Khi vụ việc được công an phát hiện, em phải đi bệnh viện cấp cứu ngay lập tức. Mất 1 tuần, Hào Anh mới hoàn hồn tỉnh lại và biết rằng mình còn sống trên cõi đời này. Vụ bạo hành dã man đứa trẻ 12 tuổi tạo thành làn sóng phẫn nộ trong dư luận.
Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với đôi vợ chồng Giang-Thơm. Những người quá khích tìm gặp cho bằng được đôi vợ chồng này để nhìn tận mặt, để chì chiết và thậm chí đánh vào mặt cho hả giận. Công an tỉnh Cà Mau buộc phải giam Giang-Thơm ở một nơi đặc biệt.
Hào Anh được chăm sóc tại Trạm xá Công an tỉnh Cà Mau dưới sự giám sát của các chiến sĩ công an. Lành bệnh, em không còn nhà để trở về, do nhà chị Thoa - mẹ em - quá chật hẹp. Chính vì vậy, Sở LĐTBXH gửi em vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau với lý do đảm bảo cho em trong thời gian chờ ra tòa và có điều kiện học hành.
Ngỡ mình là “sao”
Từ một đứa trẻ bị bạo hành, Hào Anh trở thành nhân vật đặc biệt được báo chí săn đón. Có lẽ chính vì thế mà lúc ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, tính tình em rất thất thường, lúc vui, lúc buồn và đặc biệt lúc nào cũng nghĩ mình là nhân vật đặc biệt nên đòi hỏi sự chăm sóc đặc biệt.
Bà Nguyễn Thu Nguyệt - Phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau - nhớ lại: “Chúng tôi rất khổ sở vì nuôi Hào Anh. Lúc đầu, em nó không tuân theo bất cứ nguyên tắc nào vì trước đó đã được chăm sóc một cách khá đặc biệt. Khi về trung tâm, Hào Anh thường la khóc, đòi ngủ phòng máy lạnh, ăn những thức ăn ngon, có người đưa đón bằng xe mới chịu đi học”.
Tuy nhiên, bằng sự nhiệt tình và thấu hiểu tâm lý của một đứa trẻ bị hành hạ “thừa chết thiếu sống” như vừa từ cõi chết trở về, các anh chị tại trung tâm đã dùng lời lẽ nhỏ nhẹ khuyên nhủ Hào Anh hòa nhập vào cộng đồng của những bạn nhỏ cùng trang lứa tại trung tâm.
Tranh của Hào Anh.
Bà Nguyệt lý giải, có lẽ hồi ở bệnh viện và trạm xá Công an tỉnh, Hào Anh được chế độ chăm sóc đặc biệt: Ngủ phòng lạnh, có người canh gác nên em bị ảnh hưởng tâm lý khá nặng. Từ một đứa trẻ bị hành hạ bằng những thủ đoạn dã man nhất, giờ được sự chú ý của dư luận và các tổ chức xã hội nên em mắc bệnh “ngôi sao”.
Điều làm cho cán bộ trung tâm lo lắng là việc học của em hết sức khó khăn. Vào lớp, em nhận được sự chú ý, tò mò của bạn bè, thầy cô và cả các vị phụ huynh. Điều này khiến em hoảng loạn vì cho rằng người khác có ý hại mình, do vậy trong thời gian đầu, Hào Anh được cán bộ trung tâm đưa đón đến trường.
Nhờ sự cảm hóa của các cán bộ trung tâm, dần dần tâm lý của Hào Anh trở lại ổn định. Em đã biết ra đồng cắt rau muống, biết chăm sóc cây cảnh và tỏ ra rất khéo tay. Những bức tranh em vẽ rất có hồn, nhưng trong sâu thẳm nói lên sự thù hằn, bắt bớ và còng tay.
Trong nhiều bức tranh của Hào Anh có bức em vẽ đôi vợ chồng Giang-Thơm chủ trại tôm giống - người hành hạ em đến thân tàn ma dại - bị công an còng tay dẫn đi với lời chú giải “Hành hạ trẻ em, bị bắt”. Biết là khó có thể xóa đi những rạn nứt trong tâm hồn đứa trẻ nên mọi người hết sức thông cảm, sẻ chia với Hào Anh.
Hào Anh được đưa đi học tại Trường Tiểu học Kim Đồng gần trung tâm và hưởng những chích sách khá ưu ái. Đó là một phần bù đắp cho quãng thời gian em bị hành hạ dã man dưới những đòn roi thừa chết thiếu sống của đôi vợ chồng Giang-Thơm.
Do bị đánh đập và hành dạ đủ kiểu nên trí nhớ của Hào Anh lúc quên lúc nhớ; vả lại em, đã 14 tuổi mà nay mới học lớp 3 nên việc học của Hào Anh cũng không đi đến đâu. Bù lại, em rất thích vẽ và được nhà trường chọn làm học sinh năng khiếu môn vẽ dự thi cấp thành phố. Ý thức rằng mình không thể vào lớp để… vẽ, nên Hào Anh tỏ ra chán nản việc học và bỏ trốn khỏi trung tâm.
Về với gia đình
Việc bỏ trốn của Hào Anh khiến mọi người hoảng hốt. Bữa đó, trong lần đi nhận giải thưởng hội họa, em bỏ dở chạy thẳng xuống nhà ngoại ở Đầm Dơi và trốn biệt dưới đó. Báo hại cả nhà trường, trung tâm và gia đình lo lắng không biết em đi đâu. Sau bao nhiêu sóng gió cuộc đời, Hào Anh quay về với gia đình chị Phạm Thị Thoa.
Thời gian mới về, Hào Anh theo anh Triều - cha dượng - đi làm cửa nhôm, cửa sắt và nghề mộc. Do tháo vát, lanh lợi nên em tiếp thu khá nhanh công việc. Lúc này, Hào Em – em của Hào Anh - cũng từ Trung tâm Giáo dục cộng đồng trở về với gia đình vì tội trộm cắp, lý do em đi ăn trộm vì gia đình nghèo quá.
Trước Tết Nguyên đán năm 2013, một số nhà báo giới thiệu Hào Anh vào làm việc tại Cty cổ phần thương nghiệp Cà Mau. Hào Anh đã khoe: “Năm nay con mua được hai bộ đồ mới ăn tết. Mùng 2 tết rồi, con mặc đồ mới cùng với anh em ở trung tâm bảo trợ xã hội đi chơi tết vui lắm”.
Do trình độ không có (em mới học xong lớp 5) nên công việc tại Cty cổ phần thương nghiệp Cà Mau của Hào Anh là bốc vác. Ngày đi làm, ai cũng biết Hào Anh vì những vết sẹo trên khuôn mặt vẫn còn. Anh em ai cũng thương và nhường cho em những phần việc nhẹ nhàng hơn, thu nhập cao hơn.
Chị Thoa cười thật tươi: “Nó bây giờ biết lo cho gia đình rồi. Đi làm ăn lương theo sản phẩm nên có ngày cũng được gần 200 ngàn. Em nó chỉ xin vài chục ngàn, còn lại đưa hết cho mẹ. Có nó về tui cũng đỡ khổ. Anh biết rồi đó, nghề chèo đò bây giờ thu nhập ngày càng giảm, mà tụi nhỏ đang trong tuổi lớn. Hôm nay chèo cả ngày chỉ có 75.000 đồng nè; còn thằng Hào Em thì theo cha nó làm thợ phụ. Cả hai anh em nó đều lo làm ăn, tui rất mừng”.
Chị Thoa giãi bày tiếp: “Nói thật, khi nó về nhà tui rất sợ nó ăn chơi lêu lỏng rồi đâm hư. Vì nó biết rất rõ số tiền các “Mạnh Thường Quân” ủng hộ và đi đến đâu cũng được người khác nuông chiều”. Nỗi lo của chị Thoa xem ra là hơi quá, bởi Hào Anh bây giờ đã là một chàng thanh niên 17 tuổi, cao 1,76m, nặng 58kg, chững chạc trong cách nói, cách suy nghĩ và cả cách làm. Thậm chí, Hào Anh còn có bạn gái và ước mơ về một cuộc sống tươi đẹp.
Tháng 5.2010, Công an xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi giải cứu Hào Anh từ trại tôm giống do vợ chồng Huỳnh Thanh Giang và Mã Ngọc Thơm làm chủ sau một thời gian dài em bị đôi vợ chồng này cùng với hai người làm công khác hành hạ dã man. Các hình thức hành hạ như: Ép uống nước tiểu, dùng búa đập vào đầu, dùng kìm kẹp môi, dùng đũa than nóng chích vào người. Sau khi giải cứu, Hào Anh phải nhập viện điều trị nhiều ngày liền. Ngày 29.6.2010, TAND tỉnh Cà Mau xét xử sơ thẩm tuyên phạt Giang-Thơm mỗi người 23 năm tù giam về tội cố ý gây thương tích. Ngày 25.11.2010, Tòa phúc thẩm - TAND Tối cao tại TPHCM tuyên phạt y án sơ thẩm đối với Giang-Thơm. Hiện Giang-Thơm đang thụ án tại Trại giam Cái Tàu (Bộ Công an) và cả hai đều chấp hành tốt quy định của trại giam, đồng thời tỏ ra hết sức ăn năn hối cải.