Cảnh sát giao thông về hưu vẫn ở nhờ nhà vợ

"Chúng tôi làm việc trong môi trường khắc nghiệt nhưng chế độ thì chỉ có đồng lương theo quy định, phụ cấp thì tháng có tháng không nên trong đơn vị nhiều anh em chuẩn bị về hưu vẫn phải ở nhờ nhà vợ”.

Mặt đường bốc hơi nóng hầm hập, không khí ngột ngạt khó thở, từng dòng người vẫn mải miết ngược xuôi sau tiếng còi của người cảnh sát giao thông trong bộ quân phục màu vàng đẫm mồ hôi.

Nghề đổ mồ hôi...

Mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt sạm nắng, người cảnh sát giao thông vẫn miệt mài đứng giữa ngã tư, tay cầm gậy hiệu lệnh, miệng ngậm còi để điều tiết giao thông.

Từ các ngả đường của ngã tư dòng người mỗi lúc đổ về một đông hơn làm cho không khí càng trở lên ngột ngạt, xen lẫn mùi khói xe, bụi đất... Tiết trời chính hạ nóng hầm hập khiến cho bộ quân phục mà người cảnh sát giao thông đang mặc sẫm lại vì thấm đẫm mồ hôi.

Đó là cảnh làm việc của Trung úy cảnh sát giao thông Nguyễn Hoàng Hải, Đội Cảnh sát giao thông số 3, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội tại ngã tư Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội chiều 15/7.


	Trung úy Nguyễn Hoàng Hải đang điều tiết giao thông tại ngã tư Ô Chợ Dừa, Hà Nội.

Trung úy Nguyễn Hoàng Hải đang điều tiết giao thông tại ngã tư Ô Chợ Dừa, Hà Nội.

Khi hết ca trực, chưa kịp lau mồ hôi, khuôn mặt vẫn đỏ au vì nóng bụi, Trung úy Hải vội cầm chai nước suối để bên hông chiếc xe máy đặc chủng tu vội một hơi hết sạch. Tuy mới tròn 30 tuổi nhưng anh Hải đã có thâm niên 10 năm trong nghề cảnh sát giao thông.

Trung úy Hải cho biết: "Hôm nay thời tiết chỉ có 34 độ C, giảm rất nhiều so với mấy ngày trước. Làm việc ngoài trời sợ nhất lúc trời đang nắng to lại đổ mưa, lúc đó đường bốc hơi nóng cộng với nước mưa và phải làm việc giữa đường khiến người rất khó chịu. Nếu không biết cách giữ gìn thì bọn em có thể bị cảm bất cứ lúc nào".

Tương tự, tại ngã tư Khuất Duy Tiến - Đại Lộ Thăng Long, trời đang oi nồng, bỗng chốc đổ cơn mưa rào. Từng tốp người vội vã dừng lại vào bên đường mặc áo mưa hoặc trú tạm.

Chỉ duy nhất tại chốt cảnh sát giao thông cạnh đó, một chiến sỹ cảnh sát giao thông vẫn đứng làm nhiệm vụ, mặc cho mưa và mồ hôi hòa lẫn trên mặt và tạo thành vệt thẫm trên vai áo. Đó là Thượng sỹ Dương Thanh Hạnh, Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an Hà Nội đang điều tiết giao thông trong buổi thi đầu tiên của đợt thi cao đẳng sáng 15/7.

"Vì thấy trời mưa nhỏ lại đúng vào thời điểm kết thúc buổi thi đầu tiên của đợt thi cao đẳng nên em không mặc áo mưa để điều tiết giao thông. Nhiều hôm mưa to, em mặc áo mưa trắng của ngành để làm nhiệm vụ nhưng bên trong quần áo vẫn ướt mồ hôi. Những lúc như vậy về nhà là cảm cúm ngay. Nghề cảnh sát giao thông như vậy đấy anh ạ”, Thượng sỹ Hạnh chia sẻ.


	Thượng sỹ Dương Thanh Hạnh đang làm nhiệm vụ trên đường Khuất Duy Tiến.

Thượng sỹ Dương Thanh Hạnh đang làm nhiệm vụ trên đường Khuất Duy Tiến.

Mới vào ngành được 2 năm nhưng trông Thượng sỹ Hạnh khá chững chạc bởi nước da ngăm đen khi phải tiếp xúc nhiều với trời nắng. Hỏi chuyện gia đình, Thượng sỹ Hạnh tâm sự: “Quê em ở Sóc Sơn, chỉ cách Hà Nội khoảng 30 km nhưng vì nhiệm vụ nên cứ khoảng 4-5 ngày em mới có dịp về thăm nhà một lần.

Để đảm bảo giao thông cho đợt thi đại học vừa qua, đơn vị em đã phải tăng cường các ca trực liên tục trong 2 đợt thi nên 10 ngày em mới được nghỉ về thăm cậu con trai mới sinh được 5 tháng tuổi. Thậm chí có hôm điều tiết giao thông ùn tắc trên cầu Thăng Long khi xong việc về đơn vị đã gần 4h sáng, nghỉ được 2 tiếng rồi lại tiếp tục ngày làm việc mới”.

Ngâm nước bẩn, đứng làm hoa tiêu

Điều kiện làm việc của chốt trực tuần tra kiểm soát của Trung tá Lê Hồng Quân trên đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài có phần khắc nghiệt hơn, bởi không gian làm việc bụi bặm với lưu lượng xe ô tô qua lại rất lớn. Bụi cát trắng liên tục bị từng làn xe cuốn hút lên không rồi phả đầy trên khuôn mặt Trung tá cảnh sát giao thông đã 36 năm tuổi nghề.

Trung tá Quân cho hay, trung bình một ngày làm việc 8 tiếng đồng hồ cho một ca trực được chia thành 2 kíp, mỗi kíp trực 4 tiếng khiến cho nước da trên khuôn mặt, cánh tay, cổ của anh đen sạm. Chỉ cần vén ống tay áo thì phía trên cánh tay là màu da khác trắng sáng.

“Khi tôi về nhà cởi bỏ quân phục, con tôi cứ trêu đùa “trông bố như rắn khúc đen khúc trắng vậy”, lúc đó tôi chỉ biết cười thôi”, Trung tá Quân chia sẻ.


	Trung tá Lê Hồng Quân đang làm nhiệm vụ trên tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài.

Trung tá Lê Hồng Quân đang làm nhiệm vụ trên tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài.

Anh Quân kể thêm, nghề cảnh sát giao thông vất vả, dầm mưa, dãi nắng là chuyện thường ngày, làm việc theo ca kíp khiến quy luật sinh hoạt bị thay đổi. Khi có sự kiện lớn thì cảnh sát giao thông phải làm việc 14-15 tiếng/ngày là chuyện thường.

Thêm vào đó, mỗi tuần từ thứ 6 đến chủ nhật cảnh sát giao thông lại tham gia vào đội chống đua xe của thành phố, làm việc từ 22h đến 5h sáng, sáng hôm sau vẫn phải đi làm việc bình thường.

“Chúng tôi phải làm việc trong môi trường rất khắc nghiệt nhưng chế độ thì chỉ có đồng lương theo quy định của nhà nước. Còn phụ cấp thì tháng có tháng không nên trong đơn vị tôi nhiều anh em chuẩn bị về hưu rồi vẫn phải ở nhờ nhà vợ ”, Trung tá Quân tâm sự.

Anh Quân nhớ lại một kỷ niệm khi làm nhiệm vụ: “Năm 2003, sau trận mưa to, cả đường Láng Hạ, đoạn gần đại sứ quán Mỹ bị ngập, chỗ sâu nhất khoảng gần 1m, các phương tiện ô tô, xe máy không thể qua lại được.

Thấy vậy cả ca trực 5, 6 anh em chúng tôi phải cởi quần, bỏ giày mặc áo mưa để dò đường, dò chỗ nông nhất rồi 6 người đứng để làm cọc tiêu giúp cho các phương tiện đi qua. Do phải ngâm nước bẩn nhiều giờ, sau trận đó anh em chúng tôi đều bị ghẻ nước”.

Theo Trung tá Nguyễn Chí Công, Đội trưởng đội Cảnh sát giao thông số 3, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội, do phải làm việc trong môi trường độc hại, thời tiết khắc nghiệt, nắng mưa, hít bụi, khói xe... nên đa số các cán bộ, chiến sỹ cảnh sát giao thông da bị sạm nắng.

Tại đơn vị đã có 2 cán bộ công tác lâu năm bị mắc bệnh nghề nghiệp, hen phế quản, lúc nào cũng phải mang theo bình xịt chữa hen bên người để sử dụng khi lên cơn hen suyễn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại