Camera phạt “nguội”: Xe không chính chủ vẫn ngoài vòng

THÀNH AN |

Sau 20 ngày (từ 1 - 23.12) lắp đặt gần 400 camera tại các nút giao thông trong thành phố để tiến hành xử phạt “nguội” đối với các phương tiện vi phạm Luật Giao thông, CSGT TP.Hà Nội đã tiến hành xử lý 270 trường hợp, trong đó gửi thông báo xử phạt đến 196 chủ phương tiện vi phạm.

Tuy nhiên, đối với phương tiện không chính chủ, việc phạt “nguội” này gặp rất nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi. Đây cũng là lý do khiến tình trạng vi phạm Luật Giao thông vẫn gia tăng mặc dù thành phố đã tiến hành xử phạt qua camera.

Nóng ở nơi phạt “nguội”

Có mặt tại Trung tâm Điều khiển đèn tín hiệu giao thông của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an TP.Hà Nội) mới thấy được sự hiện đại của công nghệ mà Công an TP.Hà Nội đang ứng dụng để “bắt” lỗi người vi phạm giao thông.

Gần 80 màn hình cỡ lớn cùng các thiết bị công nghệ hỗ trợ như bộ đàm, điện thoại được phục vụ cho hơn chục CBCS trong quá trình làm nhiệm vụ.

Chỉ tay vào màn hình số 3, trung tá Huỳnh Tấn Nam - Đội trưởng Đội Chỉ huy giao thông và điều khiển tín hiệu giao thông - nói:

Đây là khu vực ngã tư Phạm Ngọc Thạch - Xã Đàn. Thông qua màn hình này, CBCS có thể dễ dàng quan sát được diễn biến, tình hình người dân tham gia giao thông tại đoạn đường này.

Tất cả những phương tiện vi phạm tại khu vực ngã tư này đều bị hệ thống camera xử phạt ghi lại, truyền thẳng tín hiệu về trung tâm. Sau đó, CBCS tại đây sẽ thông báo cho tổ làm nhiệm vụ tại khu vực này dừng phương tiện để xử lý.


Thượng úy Vũ Đức Hùng (Đội CSGT số 3, Công an TP.Hà Nội) lập biên bản một trường hợp vi phạm Luật Giao thông. Thượng úy Hùng cho biết: Vẫn chủ yếu xử phạt trực tiếp (phạt “nóng”) người vi phạm mặc dù đã có camera phạt “nguội”. 

Thượng úy Vũ Đức Hùng (Đội CSGT số 3, Công an TP.Hà Nội) lập biên bản một trường hợp vi phạm Luật Giao thông. Thượng úy Hùng cho biết: Vẫn chủ yếu xử phạt trực tiếp (phạt “nóng”) người vi phạm mặc dù đã có camera phạt “nguội”. 

Vừa dứt lời, trên màn hình quan sát hiện lên hình ảnh chiếc xe ôtô mang BKS 29C-166.37 vi phạm lỗi vượt đèn đỏ. Ngay lập tức, toàn bộ hình ảnh này được camera ngoài trời ghi được, đồng thời truyền dữ liệu về dữ liệu tổng hợp của trung tâm.

Chưa đầy vài giây sau, hệ thống máy in ra thông báo xử lý với đầy đủ hình ảnh thông số kỹ thuật, màu sắc, kiểu dáng, BKS và lỗi, ngày giờ, địa điểm vi phạm.

“Qua dữ liệu đăng ký BKS của phương tiện, chúng tôi sẽ dễ dàng xác định được chủ phương tiện để gửi thông báo xử phạt về tận nhà” - trung tá Huỳnh Tấn Nam nói.

Cùng lúc đó, tại khu vực đường Xã Đàn, nhận được thông tin và hình ảnh, thượng úy Vũ Đức Hùng (Đội CSGT số 3, PC67) nhanh chóng thông báo cho trung úy Nguyễn Thế Đạt (Tổ viên, Đội CSGT số 3, PC67) làm nhiệm vụ dừng phương tiện trên để xử lý.

Sau khi được thông báo lỗi vi phạm, anh Lai Hữu Mạnh (Hoàng Mai, Hà Nội) có phân bua cho rằng mình chưa vi phạm.

Tuy nhiên, khi được thượng úy Hùng cho xem hình ảnh lỗi vi phạm và giải thích thì anh Mạnh cười vui vẻ nhận lỗi và đồng ý chấp hành theo quy định và ký vào biên bản vi phạm “Điều khiển phương tiện không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”.

“Chiều nay, chúng tôi thực hiện xử lý 4 trường hợp vi phạm giao thông qua hình ảnh.

Khi bị kiểm tra, người vi phạm có thắc mắc về lỗi vi phạm của mình nhưng khi được chúng tôi cho xem hình ảnh lỗi vi phạm và giải thích thì họ đã nhận ra và chấp hành theo quy định” - thượng úy Vũ Đức Hùng thông tin.

Nan giải xử phạt xe không chính chủ

Theo báo cáo của Đội Đèn tín hiệu giao thông, hiện nay, toàn khu vực nội đô thành phố đã lắp đặt 388 camera giao thông và trung tâm có thể giám sát, điều tiết ở 80 nút giao thông.

Qua hơn 20 ngày lực lượng cảnh sát giao thông tiến hành xử phạt các vi phạm giao thông qua hình ảnh là thực hiện chỉ thị của Giám đốc Công an Hà Nội nhằm tăng cường công tác quản lý điều hành giao thông đã xử lý 387 trường hợp.

Trước băn khoăn liệu những thông báo của CSGT có chính xác và được gửi đúng địa chỉ người vi phạm hay không, thượng tá Nguyễn Văn Tòng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt - Công an Hà Nội - khẳng định:

Hệ thống lưu trữ, tra cứu phương tiện của Phòng CSGT hiện quản lý tất cả các phương tiện đã được đăng ký trên địa bàn Hà Nội.

Thượng tá Nguyễn Văn Tòng cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ việc xử lý qua hình ảnh. Trước hết, chúng tôi đã có mẫu giấy mời người vi phạm đến.

Việc xác định chủ phương tiện là theo biển kiểm soát. Với những trường hợp vi phạm không chính chủ thì chúng tôi sẽ có văn bản đề nghị Cục CSGT thông báo tới cảnh sát giao thông toàn quốc những biển số xe vi phạm để họ có thể xử lý.

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ gửi thông báo đến Cục Đăng kiểm Việt Nam để thông báo cho các điểm đăng kiểm sẽ không phục vụ những xe vi phạm khi đến đăng kiểm”.

Liên quan đến trường hợp trây ỳ, hoặc xe không sang tên đổi chủ, không phối hợp xử lý, trung tá Huỳnh Tấn Nam cho biết, sau 3 lần thông báo người vi phạm vẫn trây ỳ thì sẽ có biện pháp khác như:

Thông báo cho các đội tuần tra kiểm soát ở trên đường, khi thấy xe vi phạm sẽ chặn lại xử phạt. Ngoài ra, đội sẽ lập danh sách chủ xe vi phạm cố tình trây ỳ gửi lên Cục Cảnh sát phối hợp với các đơn vị đăng kiểm để xử lý.

Hiện nay, vẫn chưa phát hiện và xử lý trường hợp xe không chính chủ nào.

Trước thắc mắc về việc lấy kinh phí ở đâu để chuyển phát nhanh thông báo xử phạt về tận nơi người vi phạm.

Thượng tá Nguyễn Văn Tòng khẳng định: Người vi phạm giao thông sẽ không mất khoản phí này. Trước đó, Công an Hà Nội đã ký kết, phối hợp với Tập đoàn chuyển phát nhanh của Viettel làm nhiệm vụ này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại