Cảm động câu chuyện về phu nhân và con gái riêng của tướng Giáp

Tuấn Nam |

(Soha.vn) - Bà Đặng Thị Hạnh kể: “Tôi hỏi chị: “Ý nghĩa hạnh phúc lớn nhất của đời chị là gì? Chị Hà đáp lại ngay: “Là chị đã có anh Văn”.

tLTS: Đại tướng Võ Nguyên Giáp – một thiên tài quân sự, người con ưu tú của dân tộc đã và sẽ còn là nhân vật chính trong nhiều chủ đề nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước. Nhưng phu nhân của ông, GS Đặng Bích Hà (con gái của cố GS Đặng Thai Mai) - người đứng sau cuộc đời và sự nghiệp Đại tướng - lại ít xuất hiện dù không ít người muốn giải mã vai trò thầm lặng của bà.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu - trận quyết chiến chiến lược mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đóng vai trò sống còn - Báo điện tử Trí Thức Trẻ xin gửi tới Quý độc giả loạt bài viết: CHÂN DUNG NGƯỜI PHỤ NỮ THẦM LẶNG PHÍA SAU TƯỚNG GIÁP.

Bài 1: Xúc động chuyện "2 quả trứng trong bữa cơm của Tướng Giáp"

Bài 2: Những câu chuyện khó quên về phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chúng tôi đến thăm PGS, TS. Đặng Thị Hạnh vào một ngày cuối tháng 4 để nghe bà chia sẻ những kỷ niệm về người chị cả của mình – bà Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

“Một lần, tôi đến thăm chị là khi anh Văn đã phải vào viện 108 để dưỡng bệnh và chị cũng đã trở nên ít nói. Thấy chị ngồi xếp những chồng báo, tôi hỏi chị: “Ý nghĩa hạnh phúc lớn nhất của đời chị là gì? Chị Hà đáp lại ngay: “Là chị đã có anh Văn”. Tôi nghĩ rằng đó là một điều tất nhiên bởi được sống với một người đặc biệt như anh Văn thì đó là hạnh phúc lớn của chị tôi”, bà Hạnh bắt đầu chia sẻ những kỷ niệm về bà Hà với chúng tôi bằng một câu chuyện như thế.

Bà Hạnh nói: “Trong gia đình tôi, chị Hà là con đầu, rất thông minh và bộc lộ sự thông minh ấy ra ngoài nhiều. Ba tôi kỳ vọng là chị có thể đi học tiếp nhưng do điều kiện khách quan nên mãi sau chị mới đi học đại học.

Những người bạn của gia đình biết chị ấy từ lâu đều thấy chị Hà rất thông minh. Mọi người đều nghĩ rằng chị ấy có thể có một sự nghiệp riêng. Bà Điềm Phùng Thị (một tên tuổi lớn của nền điêu khắc thế giới, thành công ở Pháp – PV) trước kia là học trò của ba tôi, khi trở về trong một dịp triển lãm điêu khắc ở Hà Nội có nói với tôi: “Chị cứ nghĩ chị Hà bây giờ phải là một trong những người phụ nữ có một vai trò nào đó trong đời sống xã hội”.

Tất nhiên về sau chị vẫn là một nhà sử học, vẫn là một PGS nhưng người ta kỳ vọng hơn. Nhưng đối với chị Hà, điều ấy không quan trọng và thực ra bây giờ về ý nghĩa cuộc đời chị ấy mà nói thì chị ấy đúng là nơi nương tựa rất vững cho anh Văn trong mọi điều kiện. Chúng tôi đều thấy được ý nghĩa của cuộc đời chị ấy là gặp và có được anh Văn, sống bên cạnh và giúp đỡ được anh Văn”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân Đặng Bích Hà cùng xem ảnh (Ảnh: Trần Hồng)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân Đặng Bích Hà cùng xem ảnh (Ảnh: Trần Hồng)

 

“Gia đình tôi vốn là một gia đình trí thức, kinh tế rất bình thường, không giàu có. Lương giáo sư cũng cao nhưng ba tôi chủ trương không bao giờ xây nhà trong khi tất cả các ông giáo trường Thăng Long đều có nhà. Số tiền lương đó, ba tôi dùng để nuôi học sinh Nghệ An đi học. Khi đó, trong nhà tôi lúc nào cũng có dăm anh học trò. Chính vì điều đó mà gia đình tôi sống rất đơn giản, cũng khá đầy đủ chứ không đến mức khổ. Trong bối cảnh gia đình như thế, tất cả chúng tôi đều có cuộc sống giản dị và với chị Hà, điều đó cũng không thay đổi cả khi đã trở thành vợ của một vị Đại tướng lừng danh.

Khi đi sơ tán ở trên Việt Bắc, chị tôi cũng sinh hoạt như mọi người. Khi chưa có con, chị Hà cũng phải đi lấy củi và đi lấy nứa về để dựng lán như mọi người. Trong quan hệ bè bạn, chị Hà rất đơn giản. Chị ấy sống nhiều với các gia đình dân tộc thiểu số trên Việt Bắc. Và cho đến khi về Hà Nội cũng như bây giờ khi tuổi đã cao, chị Hà vẫn giữ nếp sống bình dị như vậy.

Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều người vẫn coi chị Hà là người dạy con thành công, các cháu đều rất ngoan dù điều kiện gia đình như thế. Điều đó có được bởi gia đình sống cần kiệm, bình dị.

Chị tôi hay những thành viên khác trong gia đình cũng thế, khi còn bé, sống ở thời Pháp thuộc. Từ bé chị Hà đã đi học trường của Pháp. Tuy thế chị tôi bao giờ cũng yêu nước, rất nhiệt tình với cách mạng và cả một thế hệ của chúng tôi đều như thế. Dù chịu sự giáo dục của thực dân nhưng trước sau cũng như anh Văn, dù có gặp khó khăn trong đời sống chính trị thì chị Hà vẫn giữ nguyên một niềm tin rất lớn”, bà Đặng Thị Hạnh kể.

Còn nhớ, khi chia sẻ với chúng tôi về mối quan hệ giữa bà Võ Hồng Anh và bà Đặng Bích Hà, Đại tá Trần Hồng có kể rằng bà Hồng Anh chỉ gọi bà Hà bằng cô chứ không phải là “mẹ” hay “dì”. Trước băn khoăn của chúng tôi về cách xứng hô này, bà Hạnh giải thích: “Trong gia đình tôi, điều đó rất đơn giản. Anh Văn, chị Quang Thái và ba tôi rất thân nhau. Nhà chúng tôi ở gần nhau nên anh Văn và chị Quang Thái hay đến nhà tôi chơi. Từ bé, tất cả chúng tôi đã gọi anh Văn bằng anh. Còn anh Văn gọi ba tôi là anh. Thế nên chị Hà vẫn gọi bà Quang Thái là chị. Và Hồng Anh từ bé đã gọi chị Hà là cô Hà. Sau khi bà Hà lấy ông Văn thì cũng không có gì thay đổi”.

Bà Hạnh cũng chia sẻ thêm: “Hồng Anh là người rất thông minh, đẹp và cá tính. Bà chị tôi xưa kia đã rất yêu bà Quang Thái (mẹ của Hồng Anh). Và tình cảm yêu quý Hồng Anh của chị Hà cũng rất tự nhiên chứ không phải là gượng ép. Hồng Anh thường theo một phương châm sống riêng và bị ốm thì thường tự điều trị. Lúc cuối cùng, Hồng Anh bị ốm và đến khi bị bệnh phải xử trí bằng kháng sinh thì cô ấy không chịu, cả nhà góp ý kiến thế nào cũng không được. Đến khi đưa đi bệnh viện, Hồng Anh cũng không muốn.

Hồng Anh mất và sau này tôi mới biết đó là thời kỳ khủng hoảng của chị Hà. Chị ấy rất buồn vì đã không ép được Hồng Anh đi bệnh viện. Hôm tôi đến, chị Hà bảo với tôi: “Chị thương Hồng Anh lắm, Hồng Anh mất đột ngột quá”. Tôi bảo rằng: “Dù sao Hồng Anh cũng đã 70 tuổi rồi”. Chị Hà bảo: “Thế nhưng bố nó vẫn còn sống”. Khi thấy “lá xanh rụng trước lá vàng”, chị ấy rất đau đớn. Sau đó, các cháu (con chị Hà) có nói với tôi là trạng thái thần kinh của chị tôi khi đó là bị "stress". Bằng chứng là chị ấy vẫn thường gọi điện thoại đến nhà tôi để hỏi thăm, nếu không thấy nghe điện thì cũng không sao. Năm đó (sau khi bà Hồng Anh mất - PV), tôi đi Đồ Sơn nghỉ, chị Hà gọi điện đến nhưng không ai nghe máy. Sau vài lần như thế, chị ấy đã bảo người xuống nhà tôi xem tôi có bị làm sao không”.

“Nhiều lần chị tâm sự với tôi, chị thương Hồng Anh lắm và rất buồn về sự ra đi của Hồng Anh. Trong sinh hoạt bình thường, ví dụ như lúc chụp ảnh, khi lên Điện Biên Phủ, nếu cả 3 người cùng đi thì người đứng cạnh anh Văn là Hồng Anh chứ không phải là chị tôi. Chị tôi luôn lùi ở phía sau. Chị Hà luôn nghĩ là phải nhường vị trí ấy cho con của chị Quang Thái”, bà Hạnh xúc động nhớ lại.

Xem clip viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

 

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại