Cấm CSGT mang điện thoại đi làm: Liệu có hết xin xỏ?

Bảo Bình |

(Soha.vn) - Rất nhiều người nghi ngờ tính khả thi và mức đọ hiệu quả của quy định cấm CSGT sử dụng điện thoại trong lúc làm nhiệm vụ.

Thiếu tá Nguyễn Hai Mừng - Chánh văn phòng Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, từ cuối tháng 4/2013, Thiếu tướng Ngô Quang Long - Giám đốc Công an tỉnh đã quyết định lực lượng CSGT (kể cả lực lượng được huy động để hỗ trợ) không được mang theo điện thoại di động khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Thay vào đó, chỉ được thông tin liên lạc qua máy bộ đàm do công an tỉnh cấp.

Ngoài ra, lãnh đạo công an tỉnh và Phòng cũng đã lường trước tình huống người thân trong gia đình cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ có việc gấp cần liên hệ. Vì vậy, mỗi gia đình cán bộ, chiến sỹ đều được cung cấp số của trực ban để liên lạc khi thấy thực sự cần thiết.

Trung úy Nguyễn Minh Hòa - Tổ trưởng Tổ CSGT đang làm nhiệm vụ trên đường 30/4 (TP Tây Ninh) cho biết, không mang điện thoại, anh em cũng bớt bị phiền hà bởi những cú điện thoại từ bên ngoài nhằm can thiệp, xin xỏ. Mọi việc cần trao đổi, xin ý kiến chỉ đạo đều liên lạc với cấp trên qua bộ đàm. “Thời gian đầu, do thói quen nên anh em gặp một số khó khăn khi cần chi viện lực lượng hỗ trợ, nhưng vấn đề đó đã nhanh chóng được khắc phục. Nhờ không dùng điện thoại, cán bộ, chiến sỹ chuyên tâm vào công việc và giải quyết tình huống phát sinh nhanh hơn, chính xác hơn” , Trung tá Hòa nhận định.

Khi được hỏi về quy định cấm mang điện thoại di động khi làm nhiệm vụ, có chiến sĩ đã nói vui: “CSGT không mang điện thoại khi làm nhiệm vụ cũng như thí sinh không mang tài liệu vào phòng thi!”.

Hiệu quả của mô hình này ở Tây Ninh là không thể phủ nhận. Vì thực tế cho thấy, số vi phạm mà lực lượng CSGT tại đây xử lý tương đối cao so với các địa phương khác.

Số người vi phạm giao thông bị xử lý ở tỉnh Tây Ninh cao hơn so với các địa phương khác sau quy định cấm mang điện thoại di động trong lúc làm nhiệm vụ. Ảnh: GTVT

Đến thời điểm này, không chỉ có Tây Ninh mà đã có nhiều tỉnh, thành như Kon Tum, Hậu Giang… đã áp dụng quy định không cho CSGT mang điện thoại di động khi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm.

Theo đó, ngày 15/4/2013, Trung tá Võ Thanh Thiên, phó trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (công an tỉnh Hậu Giang) cho biết, lực lượng CSGT công an Hậu Giang khi làm nhiệm vụ không được nghe điện thoại di động từ ngày 10/4. Việc này nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác chấp hành luật của người tham gia giao thông.

Tuy nhiên đã có không ít những ý kiến trái chiều xung quanh quy định này:

Bạn đọc Hoàng Nam gửi phản hồi tới Báo Giao thông vận tải cho rằng: Đây là một quyết định hết sức tích cực nhưng vẫn còn khá nhiều mặt hạn chế.

Đặc biệt với tình hình phức tạp của xã hội hiện nay, với diễn biến xấu của các vụ tai nạn hay tội phạm nguy hiểm, nếu CSGT không được trang bị điện thoại cá nhân, chẳng may gặp những trường hợp nguy cấp, nếu chỉ dùng bộ đàm liên lạc thì rất khó. Ví dụ trường hợp bộ đàm trục trặc tín hiệu, sẽ không thể liên lạc cứu nguy, rất nguy hiểm. Hay như những trường hợp người bị tai nạn giao thông, CSGT không có điện thoại di động cũng không thể gọi cho cấp cứu, chẳng lẽ lại dùng bộ đàm gọi về cho đội, rồi từ đội gọi lên bệnh viện.

Thiết nghĩ, không nên cấm nhưng cần phải có một chế tài quản lý sát sao, tránh tình trạng CSGT sử dụng điện thoại di động với mục đích ngoài công việc trong giờ làm việc.

Đồng thời cũng rất nhiều người tỏ ra nghi ngờ do mục đích của việc cấm CSGT mang theo điện thoại cũng vì muốn hạn chế cảnh xin xỏ qua điện thoại. Nhưng người dân thì ai cũng biết rằng, mỗi khi gọi điện "cầu cứu" có ai lấy điện thoại của CSGT để gọi không? Và có vị quan chức giấu mặt nào quen hết với tất cả CSGT không? Trong mọi trường hợp thường diễn ra nhất là người vi phạm lấy điện thoại ra để gọi cho người thân cầu cứu và sẽ đưa điện thoại của mình cho CSGT nghe để hai bên trao đổi giải quyết.

Nên mục đích cuối cùng mà Công an Tây Ninh, Kon Tum... muốn thực hiện sẽ không thành thực tế. Trong trường hợp, muốn chống xin xỏ bằng cách cấm sử dụng điện thoại thì công an phải cấm tất cả những người ra đường không được mang điện thoại theo.

Cũng có nhiều bạn đọc chia sẻ những khó khăn của CSGT và cho rằng chính người vi phạm chủ động xin xỏ, đưa tiền để được bỏ qua.

Tổng hợp theo GTVT,/TT/PVTD

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại