Cám cảnh cuộc sống người vô gia cư ở Hà Nội

N.Huệ - K.Ngân |

(Soha.vn) - Hầu hết những người vô gia cư tôi gặp trên các con phố, nhà ga, bến xe ở Hà Nội lúc đêm lạnh đều ngậm ngùi khi được hỏi về những người con.

- Cháu ơi, có sữa không cho chú xin một hộp, chú đói quá!

Tiếng gọi vang ra từ phía cuối sân ga Hà Nội khiến không gian im ắng của đêm như bị phá vỡ. Một người đàn ông trạc 60 tuổi, màu thời gian đã để lại dấu vết trên mái tóc, ngồi co ro với chiếc chăn mỏng, không tất, không gang tay, hướng đôi mắt về phía hai thanh niên đang đi phát những suất ăn cuối cùng cho người vô gia cư. Ánh mắt đầy hi vọng.

Rồi người đàn ông ấy cúi gằm xuống, vẻ mặt thất vọng khi nhận về những cái lắc đầu cùng câu trả lời: “Chúng cháu không còn suất ăn nào” của hai thanh niên.

Ông Thọ sưới ấm mình bằng bát phở của các tấm lòng thiện nguyện mang tới
Ông Thọ sưới ấm mình bằng bát phở của các tấm lòng thiện nguyện mang tới

Giấu mình trong chiếc chăn mỏng cùng tiếng thở dài, người đàn ông ấy buông những câu “trách đời, trách phận”: “Tuổi 63 lẽ ra phải được nhờ con, nhờ cháu nhưng giờ trắng tay phải đi ngủ đầu đường xó chợ kiếm ngày hai ba chục nghìn với công việc đánh giầy để sống qua ngày với gói mì tôm, cái bánh mì. Đói quá!”.

Ông giới thiệu với chúng tôi họ tên là Nguyễn Văn Thọ, quê ở TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. “Mảnh đất” ở nhà ga Hà Nội này đã gắn với ông từ hơn 2 tháng nay. Bất kể ngày mưa hay ngày nắng, thời tiết giá lạnh hay nóng bức, cứ 6h sáng ông rời ga Hà Nội, hòa mình vào dòng người đang tất bật mưu sinh, 11h đêm lại trở về đây ngủ.

Từ ngày có thể tự kiếm sống bằng chính sức lao động của mình, ông Thọ đã trải qua không biết bao nhiêu nghề: công nhân đường sắt, làm nghề xây dựng rồi đạp xích lô, thợ cắt tóc và giờ là đánh giầy.

Ông kể rằng, cũng có lúc ông là chủ một cửa hàng cà phê ở TP. Bắc Ninh. Nhưng vì không đứng tên sổ đỏ mảnh đất gia tiên để lại nên bị người em lừa bán mất nhà và đẩy ông vào con đường… vô gia cư. Ông có 4 người con gái, nhưng mỗi lần nhắc tới việc về ở cùng con cháu, ông Thọ chỉ thở dài: “Cuộc sống của chúng nó cũng khó khăn lại còn phụ thuộc nhà chồng nữa…”, rồi ông im lặng để hít thật sâu cái lạnh buốt của màn đêm vào mình.

Chỉ cho chúng tôi cái chăn mỏng đang đắp trên người rồi bộ quần áo đang mặc, ông Thọ cười: Là của các cháu sinh viên tình nguyện cho, mình làm gì có.

Ở quanh khu vực ga Hà Nội, lúc về đêm còn rất nhiều phận đời vô gia cư khác, mỗi người mỗi phận nhưng trong họ có chung một niềm trắc ẩn về con cháu

Ở quanh khu vực ga Hà Nội, lúc về đêm còn rất nhiều phận đời vô gia cư khác, mỗi người mỗi phận nhưng trong họ có chung một niềm mơ ước về mái ấm gia đình thực thụ

Hà Nội 36 phố phường, chẳng còn con phố nào lạ bước chân ông Thọ. Bữa cơm bụi giá 15 nghìn đồng ông cũng không dám ăn vì ngày chỉ kiếm được 20 – 30 nghìn đồng, ngày cao nhất được khoảng 50 nghìn đồng nên ông chỉ cho phép mình ăn mỗi ngày dưới 10 nghìn đồng.

“Có hôm đi qua các quán bia, nhiều “đại gia” nhậu ở đó. Họ ăn thừa, tôi xin họ thức ăn nhưng họ không cho mà bảo để mang về”, ông Thọ tâm sự.

Khi nhắc về con cháu, ông Thọ nói mình không nhớ con, nhớ cháu nhưng ẩn sâu trong đôi mắt ông là một sự cô đơn, một khát vọng có được mái ấm. Và rồi, ông cười to khi chúng tôi hỏi về việc ông sẽ về sống ở Trung tâm bảo trợ xã hội: “Vào đó thì sướng rồi, có tivi xem, có chăn ấm, đệm êm, có người nấu ăn cho… nhưng thôi số phận bắt mình ở đây thì mình nên ở đây”.

Vì không có tiền, nên ông Thọ cũng chi li tới từng đồng tiền cho một lần tắm. Mỗi lần tắm là ông lại bắt xe buýt về quê nhờ nhà người quen thay vì vào một nhà nghỉ hay phòng trọ nào đó tắm rồi trả họ ít tiền.

Những ngày Tết đang tới gần, nằm ngủ ở đây, ông Thọ đã chứng kiến rất nhiều những chuyến tàu đến rồi đi, chở nhiều người về quê ăn Tết. Ông cũng thèm có một cái Tết đầm ấm, sum vầy bên con cháu nhưng có lẽ ước mơ đó giờ với ông trở nên xa vời...

“Đói quá, tưởng các cháu mang xôi hay bánh mì tới cho tôi cơ”, ông lại lắc đầu rồi hướng đôi mắt về phía ngôi nhà đối diện ga. Ở đó, một bà cụ ngoài 80 tuổi cũng đang sắp chăn, chiếu để đi ngủ: “Người Hà Nội chính gốc đấy nhưng bị con cháu đuổi ra khỏi nhà. Bà ấy chuẩn bị chợp mắt để tầm 3h lại dậy bán hàng nước”, ông Thọ nói.

Chia tay ông Thọ để đi tìm một tiếng rao đêm, để mua cho ông gói xôi ăn cho ấm bụng và chống chọi với cái đói, chúng tôi bước qua phía “địa phận” của cụ bà 80 tuổi ấy. Thay vì sự đón tiếp để sẻ chia, bà cụ lắc đầu rồi liên tục xua tay với ánh mắt đầy cảnh giác.

Trở lại chỗ ông Thọ với gói xôi vẫn còn nóng hổi, chúng tôi ngạc nhiên khi ông đang sì sụp bát phở. Cười thật tươi, ông hồ hởi: Hai thanh niên khi nãy mua cho đấy.

Đưa ánh mắt quan sát xung quanh khu bên ngoài ga Hà Nội, chúng tôi ước tính cũng có gần 20 người đang nằm ngủ chỉ với manh chiếu mỏng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại