Cụ Nguyễn Ben, 86 tuổi ở thôn Mỹ Quang Nam, cho biết theo tín ngưỡng dân làng biển, họ gọi đây là “cá Ông” hay “Ông Nam Hải” và đây là “Ông” lớn nhất “lụy” (chết) tại bờ biển vùng này từ trước đến nay.
Theo ông Đoàn Văn Bốn, ngư dân ở Mỹ Quang Nam, khi người dân phát hiện thì cá voi này mắc cạn, vẫn còn thở, đuôi còn đập, nhưng sức đã rất yếu.
“Chúng tôi cố đẩy “Ông” về lại biển nhưng nặng quá và triều đã rút xa nên không thể đưa về biển được. Ngư dân khấn vái và đến khoảng 8g ngày 11-12 thì “Ông” “đi”. Chúng tôi thuê xe cẩu đưa “Ông” về lăng Mỹ Quang để làm lễ” - ông Bốn cho hay.
Cũng theo ông Bốn, khi được phát hiện, con cá voi không có vết thương nào trên người. Một số vết trầy xước trên cơ thể cá hiện tại là do quá trình cẩu, chở cá về lăng.
Nhiều ngư dân lớn tuổi ở địa phương cho biết, theo truyền tụng thì mỗi khi có “Ông” lụy bờ, ngư dân làng biển sẽ làm ăn được mùa, thuận buồm xuôi gió, không gặp nạn trên biển.
Theo ông Nguyễn Hoàng Yên, trưởng thôn Mỹ Quang Nam, ngư dân trong thôn sẽ làm lễ cúng và an táng cá voi vừa nêu vào chiều 11-12.
Cũng theo tín ngưỡng, sau ba năm, người dân sẽ lấy cốt của cá voi lên và đem về thờ tự tại lăng Mỹ Quang. Ông Nguyễn Sửu, người trông coi lăng Mỹ Quang, cho biết hiện tại đây đang thờ hơn 20 bộ hài cốt cá voi.
Ngư dân thực hiện nghi lễ cúng kính, chuẩn bị an táng cá voi - Ảnh: Duy Thanh
Ngư dân thực hiện nghi lễ cúng kính, chuẩn bị an táng cá voi - Ảnh: Duy Thanh
Xác cá voi dài 6m, nặng khoảng 1,5 tấn được đưa về lăng ông Mỹ Quang (xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) - Ảnh: Duy Thanh