Ngay sau khi trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (KD&CN) được Bộ GD&ĐT đồng ý cho đào tạo ngành Y, Dược, dư luận đã có nhiều phản ứng với các ý kiến, quan điểm khá trái ngược nhau.
Trong đó, có ý kiến cho rằng, ĐH KD&CN tuyển hoặc mời quá nhiều nguyên lãnh đạo cấp cao của nhà nước về giảng dạy, nên được ưu tiên hơn.
Để làm rõ hơn ý kiến này, PV Infonet đã trao đổi với TS Nguyễn Kim Sơn - Chánh văn phòng trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội – Nguyên Vụ trưởng Vụ khoa học hợp tác Quốc tế, Tổng cục Địa chính - Chuyên viên Ban đối ngoại Trung ương Đảng – Chuyên gia Việt Nam tại Cộng hòa DCND Lào.
TS Nguyễn Kim Sơn - Chánh văn phòng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội khẳng định: “Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ vào thời điểm này có 1.130 giảng viên cơ hữu, trong đó có 150 giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ và 550 thạc sỹ.
Trong đó có hơn 100 cán bộ nguyên là lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước và giám đốc các trường, các Tổng công ty Nhà nước… đang tham gia giảng dạy, quản lý ở trường”.
TS Nguyễn Kim Sơn trao đổi với PV Infonet.
“Vào thời điểm hiện tại trường có một hiệu trưởng là GS Trần Phương là lão thành cách mạng – Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng).
Ngoài ra, trường có 7 phó hiệu trưởng đó là TS Đỗ Quốc Lượng – Nguyên quyền thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam, TS Lê Khắc Đóa – Nguyên Chánh văn phòng – Bộ GD&ĐT.
Tiếp đến là TS Trần Công Bảy – Nguyên trợ lý Ủy viên Bộ chính trị - Trưởng ban tổ chức Trung ương Đảng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý vốn doanh nghiệp và nhà nước, PGS. TS Hà Đức Trụ - Nguyên phó tổng giám đốc kho bạc Nhà nước, GS.TS Vũ Văn Hóa – Nguyên Giám đốc HV Tài chính. PGS. TS Đỗ Minh Cương - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề - Bộ lao Động thương Binh xã hội, GS.TS Đinh Văn Tiến – Nguyên phó giám đốc HV Hành chính chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, hàng ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của một số đơn vị gồm có: PGS.TS Văn Tất Thu – Chủ nhiệm khoa Quản lý nhà nước, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, GS.TS Nguyễn Hữu Khiển – Phó chủ nhiệm khoa Quản lý nhà nước, nguyên phó giám đốc học viện Hành chính chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
GS.TS Nguyễn Công Nghiệp – Chủ nhiệm Khoa Tài chính - Nguyên thứ trưởng thường trực Bộ Tài Chính, GS. TSKH Vũ Huy Từ - Viện trưởng Viện đào tạo sau đại học - Nguyên Phó Chủ nhiệm Hội đồng Bộ trưởng…
Ngoài ra còn rất nhiều giảng viên, cán bộ cơ hữu của Trường từng kinh qua các cương vị lãnh đạo cục, vụ, viện trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước”, TS Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.
“Tất cả những cán bộ trên đây, sau khi hoàn thành nhiệm vụ của Nhà nước còn có sức khỏe, tự nguyện về trường làm cán bộ, giảng viên cơ hữu và tham gia cổ đông của trường. Đại hội cổ đông bầu ra Hội đồng quản trị.
Hội đồng quản trị bầu ra Hiệu trưởng, các Phó hiệu trưởng và thông qua các chức danh trưởng các đơn vị chủ chốt của trường (trưởng các phòng chức năng, chủ nhiệm các khoa đào tạo, giám đốc các viện nghiên cứu và trung tâm …).
Những thành viên này là những nhà khoa học đầu ngành vừa tham gia giảng dạy, vừa quản lý và đóng góp khoa học, đưa trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội ngày càng phát triển”, TS Nguyễn Kim Sơn phân tích.
TS Nguyễn Kim Sơn cũng thẳng thắn chia sẻ: “Tất cả những người về đây đã và đang đóng góp trí tuệ, kiến thức, tài năng, kinh nghiệm đã được nhà nước đào tạo trở thành những nhà khoa học đầu ngành, các nhà quản lý trong nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước.
Họ đã và đang mang những tinh hoa trí tuệ nhất của mình truyền đạt kiến thức cho sinh viên trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, để trường phát triển rực rỡ hơn”.
“Tôi tin rằng trường sẽ thực hiện thành công quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho trường được đào tạo Y đa khoa và Dược học ở trình độ Đại học chính quy”, TS Nguyễn Kim Sơn tâm sự.
Ở một diễn biến khác cũng liên quan đến trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, nhưng về việc mở ngành Y đa khoa và Dược học.
TS Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Đến lúc này, Trường đã hội tụ được đội ngũ các nhà khoa học Y – Dược có trình độ cao và đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo hai ngành này.
Các sinh viên theo học ngành Y đa khoa và Dược học sẽ học lý thuyết tại Cơ sở 1 (Vĩnh Tuy, Hà Nội), học thực hành tại Cơ sở 2 (Từ Sơn – Bắc Ninh). Tất cả các điều kiện đã sẵn sàng để tuyển sinh và giảng dạy”.
Theo TS Nguyễn Kim Sơn, về cơ cấu tổ chức quản lý giảng dạy Y đa khoa và Dược học được trường thành lập khoa Y và khoa Dược.
Chủ nhiệm khoa Y là GS.TSKH Lê Anh Tuấn – nguyên Giám đốc Sở Y tế Hà Nội và Phó chủ nhiệm khoa là PGS. TS Nguyễn Văn Tường – Nguyên phó hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Khoa học – Đào tạo Bộ Y tế .
Còn Chủ nhiệm khoa Dược là PGS.TS Lê Văn Truyền – Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế và phó chủ nhiệm khoa là TS Lê Ngọc Phan - Nguyên phó Tổng Giám đốc Công ty Dược phẩm Trung ương 2.
Khoa Y và Dược có đội ngũ đông đảo các Giáo sư bác sỹ có trình độ chuyên môn cao đã đăng ký tham gia đào tạo ngành Y đa khoa và Dược học.
“Tôi tin rằng trường sẽ thực hiện thành công quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho trường được đào tạo Y đa khoa và Dược học ở trình độ Đại học chính quy”, TS Nguyễn Kim Sơn tâm sự.