Ca phẫu thuật kỳ diệu tại bệnh viện Bạch Mai

Nguyễn Huệ |

Trong giây phút đối diện tử thần, bệnh nhân Đỗ Thị Lượng đã được các bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai cứu sống một cách thần kỳ bằng kỹ thuật hỗ trợ tim phổi nhân tạo.

Bệnh nhân đứng trước nguy cơ tử vong...

Sau hơn 1 tháng điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, với xung quanh là máy móc để thực hiện phương pháp ECMO nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài, bệnh nhân Đỗ Thị Lượng đã được cứu sống một cách thần kỳ.

Theo chia sẻ của các bác sỹ khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, ngày 5/2, bệnh nhân Đỗ Thị Lượng (57 tuổi, Hà Nội) có biểu hiện sốt, mệt mỏi, trên phim phổi xuất hiện tổn thương ít.

Được biết, bệnh nhân Lượng là vợ của Đại tá Trần Quang Trong - Trưởng Công an quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.

Ngày 10/2, bệnh nhân Lượng được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng có dấu hiệu sốt cao, suy hô hấp.

Chẩn đoán ban đầu cho thấy, bệnh nhân mắc viêm phổi nặng biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển, không thể đáp ứng với các phương pháp điều trị tích cực thông thường, có nguy cơ tử vong cao.

Bệnh nhân Đỗ Thị Lượng
Bệnh nhân Đỗ Thị Lượng

Chỉ số oxy máu của bệnh nhân là 45 trong khi chỉ số này ở người bình thường là trên 400.

Sau đó, bệnh của bệnh nhân Lượng có diễn biến nặng với biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, dù bằng tất cả các biện pháp hồi sức tiên tiến nhất để cứu chữa cho bệnh nhân nhưng không có kết quả.

TS. Nguyễn Quốc Anh - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay:

"Trước thể trạng bệnh nhân, chúng tôi đã tiến hành hội chẩn nhiều chuyên khoa trong Bệnh viện Bạch Mai như Hô hấp, Truyền nhiễm, Chẩn đoán hình ảnh, Vi sinh lâm sàng, Dược lâm sàng, Huyết học, Nội tiết đái tháo đường và cả khoa Sinh hóa.

Hội đồng chuyên môn quyết định phải sử dụng "vũ khí cuối cùng" là làm kỹ thuật Tim phổi nhân tạo tại giường (EMCO) để cứu sống bệnh nhân".

ECMO là tên viết tắt của phương pháp "oxy hóa qua màng ngoài cơ thể". Đây là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng.

Phương pháp này được áp dụng trong hai tình huống:

Thứ nhất, trong các bệnh lý của phổi mà khi đã được tiến hành các biện pháp hồi sức hô hấp tích cực như thở oxy, thở máy mà lượng oxy máu vẫn thiếu như hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, suy hô hấp nặng do viêm phổi...

Thứ hai, trong các bệnh lý của tim khiến tim bị suy giảm sức co bóp, huyết áp tụt không nâng lên bằng truyền dịch và dùng thuốc co mạch cũng như làm tăng co bóp cơ tim như trong viêm cơ tim cấp, sau cấp cứu ngừng tim, suy tim sau phẫu thuật...

Bệnh nhân Đỗ Thị Lượng chụp ảnh lưu niệm cùng Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an TP. Hà Nội và lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai trong ngày xuất viện

Bệnh nhân Đỗ Thị Lượng chụp ảnh lưu niệm cùng Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an TP. Hà Nội và lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai trong ngày xuất viện

"Ngay trước lúc làm EMCO, khó khăn lớn nhất là nhiều lúc oxy bệnh nhân xuống rất thấp (dưới 10%) nên các bác sỹ khoa Hồi sức luôn đứng bên cạnh bệnh nhân để điều chỉnh các thông số.

Năm 2012, khi ứng dụng ECMO được triển khai tại khoa Hồi sức tích cực, tỷ lệ tử vong đã giảm tới 70%. Trước đây khi không có ECMO, bệnh nhân viêm phổi nặng, suy tim thường tử vong" - TS. Nguyễn Quốc Anh chia sẻ thêm.

... Và được cứu sống thần kỳ

Hình ảnh bệnh nhân Đỗ Thị Lượng ăn được thìa cháo đầu tiên không chỉ là niềm vui, hạnh phúc của gia đình mà còn là sự động viên tinh thần đối với đội ngũ y, bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai.

Sau 1 tháng điều trị, sức khỏe bệnh nhân Đỗ Thị Lượng tiến triển thuận lợi, bệnh nhân đã cai dần được và ngừng ECMO, chuyển về thở máy như bình thường, cuối cùng ngừng cai thở.

Có mặt tại buổi "Lễ tiễn bệnh nhân viêm phổi nặng biến chứng suy hô hấp nguy kịch có suy giảm miễn dịch" do Bệnh viện Bạch Mai tổ chức, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an TP. Hà Nội chia sẻ:

"Cá nhân tôi rất xúc động và cũng là lần đầu tiên tôi được tham dự một buổi lễ "tiễn" bệnh nhân mà trước đó đã đứg trước ranh giới của sự sống và cái chết ra viện.

Chúng tôi và cả đại tá Trong cũng đã xác định khó cứu sống được chị Đỗ Thị Lượng, nhưng chị Lượng đã được cứu sống một cách kì diệu.

Xem xong đoạn băng ghi lại hình ảnh các bác sỹ tận tình cứu chữa bệnh nhân tôi rất ấn tượng với hình ảnh lương y như từ mẫu. Đó là những hình ảnh đẹp".

Ngày 24/3, bệnh nhân Lượng đã được xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại