Vài năm trở lại đây, cá chép giòn trở thành một món ăn “khoái khẩu” của những người thích đi nhậu, những người thường xuyên đi ăn nhà hàng. Nguyên do là bởi cá có vị ngọt của tôm và độ dai của thịt lợn. Nếu so với cá chép, cá trắm sông hay cá nuôi thì loại có này có vị ngon vượt trội và rất thơm, đặc biệt, cá không còn vị tanh mà lại giòn tan, hấp dẫn.
Về diện mạo, cá chép giòn không mấy khác biệt so với cá chép thường, ngoài phần da nhạt màu hơn, mình cá dài, thuôn hơn so với hình dáng có phần tròn trịa của cá chép thường.
Da cá giòn sần sật, thịt cá ngọt dẻo, béo, thanh. Với cá chép giòn, bạn có thể lóc lấy phi lê cắt nhỏ trộn cùng hành tây, hành tím, hành lá, ớt sừng vào tô, rưới nước cốt chanh dây, nước mắm chua ngọt để làm gỏi; chiên giòn chấm với xốt me; hay cắt khoanh nhúng lẩu đều ngon.
Nhưng điều đáng nói chính là ở công nghệ nuôi loại cá này: khoảng 3 - 5 tháng trước khi thu hoạch, cá được cho ăn một loại đậu có tên là đậu tằm hay còn gọi là đậu ván đỏ - một loại đậu nhập khẩu từ Trung Quốc. Loại thức ăn đặc biệt và thuần tự nhiên này khiến cho cá khỏe mạnh, phát triển tốt, không bệnh tật gì; thịt cá trở nên giòn, săn chắc, không có mỡ và ngọt đậm đà.
Nếu ngại mùi tanh của cá, trước khi sơ chế, có thể chà xát cá qua hỗn hợp rượu trắng, gừng đập giập. Trong khi chế biến, cũng cần lưu ý gỡ sạch xương vì cá chép có nhiều xương chữ y, dễ gây nguy hiểm khi ăn, đặc biệt là với các món lẩu, gỏi.
Việc nuôi thành công cá chép giòn trên địa bàn An Giang, Lâm Đồng ở phía nam và các tỉnh thành Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương... mở phía bắc đã mở ra cơ hội mới cho ngư dân phát triển kinh tế.
TH theo Tuổi trẻ/VOV/PNO