Cá bè chết trắng sông Chà Và: Người dân phải chịu thôi

Hà Giang |

Theo đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: "Doanh nghiệp xả nước thải ô nhiễm ra làm cá chết thì mình phải chịu thôi".

Phải chịu thôi

Liên quan đến việc cá bè chết hàng loạt trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP Vũng Tàu) vào đầu tháng 9/2015, chiều ngày 15/10, chia sẻ với báo Đất Việt, ông Lê Tuấn Quốc - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết:

"Sau khi dân phản ánh tình trạng cá chết, Sở đã đi kiểm tra ngay số lượng cá chết, và hướng dẫn cho bà con nuôi như thế nào cho đạt hiệu quả.

Nhưng giờ doanh nghiệp xả nước thải ô nhiễm ra làm cá chết thì mình phải chịu thôi chứ biết làm sao."


Cá chết hàng loạt trên sông Chà Và do các nhà máy xả thải chưa đạt chuẩn

Cá chết hàng loạt trên sông Chà Và do các nhà máy xả thải chưa đạt chuẩn

Giải thích thêm về nguyên nhân cá chết hàng loạt, ông Quốc nói: "Nếu không bị ô nhiễm môi trường thì cá sẽ không chết.

Cá chết hàng loạt xảy ra 2-3 đợt vì nước thải ở đây ngấm từ từ, khu vực ở trên thì cá chết trước, sau đó sẽ lan tỏa ra các khu vực phía sau, chết theo từng khu vực.

Những khu vực ở xa người nuôi cá nghĩ sẽ không ảnh hưởng gì nên không di dời, tuy nhiên đến lúc nước thải ngấm cá vẫn bị chết nhiều".

Cũng theo vị giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, sau khi dân báo tình hình, Sở đã hướng dẫn các hộ nuôi cá di dời. Tuy nhiên, phải tùy vào khả năng di dời của cá, mức độ lan tỏa của nước thải ngày càng nhiều, một số hộ không kịp di dời.

Ông Quốc cho biết thêm, cách đây 1,2 năm, tình trạng này đã từng xảy ra nhưng cá chết ít hơn bây giờ. Cá chết bây giờ nhiều hộ nuôi thường để làm thức ăn cho gia súc, cá lớn hơn thì đem bán nhưng giá rẻ.

Trong khu vực này có nhiều hộ nuôi nhưng ảnh hưởng cũng khoảng mấy chục hộ.

Làm hết trách nhiệm

Trong khi đó cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thái Sinh - Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và môi trường (TNMT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: "

Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm của mình, làm cả ngày cả đêm, nhưng những lúc nghỉ ngơi ăn cơm thì không kiểm soát được.

Tỉnh chỉ đạo thanh tra kiểm soát như thế nào thì chúng tôi đều làm đúng và đủ số lần thanh tra kiểm soát, còn việc xả thải thì có 100 người mà 99 người biết giữ gìn môi trường chung trong khi chỉ có 1 người không có ý thức vứt rác ra thì cũng làm toàn khu vực đó bị ô nhiễm".

Theo ông Sinh, trước đây, Sở TNMTcũng đi kiểm tra tình trạng ô nhiễm trên sông Chà Và và xác định có 3 nguyên nhân cơ bản xảy ra khi đó là: khai thác cát, chế biến thủy hải sản, cá nuôi lồng bè.

Trước tình trạng này chúng tôi đã đình chỉ đơn vị khai thác cát 6 lần rồi, vậy mà bây giờ tình trạng ô nhiễm trên sông này lại tiếp tục xảy ra một cách nguy hại.

Trước khi kiểm tra, hiện trạng lúc đó không xác định được môi trường bị ô nhiễm bởi khi đó ở đây là dòng sông tự nhiên, có 1, 2 cơ sở chế biến thủy hải sản vào đó làm nên dân mới lấn sông để nuôi cá.

Khi ấy vẫn vắng lắm, chỉ đông đúc khi các hộ dân vào nuôi cá trong khoảng mấy năm trở lại đây thôi.

Cũng theo vị Chánh thanh tra này, hiện 2 Sở TNMT và NN&PTNN đang tiến hành tính toán mức độ thiệt hại để đưa ra phương hướng đền bù cho các hộ nuôi cá bị ảnh hưởng bởi môi trường ô nhiêm.

Như thông tin báo chí đã đưa, ngày 14/10,  UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có kết luận về nguyên nhân chủ yếu làm cá bè chết hàng loạt trên sông Chà Và vào đầu tháng 9/2015.


Cá chết hàng loạt trên sông Chà Và do các nhà máy xả thải chưa đạt chuẩn

Cá chết hàng loạt trên sông Chà Và do các nhà máy xả thải chưa đạt chuẩn

Theo đó, tỉnh xác định nguyên nhân chủ yếu làm cá bè chết hàng loạt do các nhà máy chế biến hải sản, nhà máy làm bột cá tại xã Tân Hải xả nước thải chưa đạt chuẩn ra sông. Theo trình báo của ngư dân, tổng số tiền thiệt hại của họ là 17 tỉ đồng.

Để giải quyết thiệt hại của ngư dân, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo các ngành chức năng củng cố hồ sơ để tổ chức đối thoại với 14 doanh nghiệp chế biến hải sản, bột cá có xả nước thải nhằm bồi thường cho các hộ dân.

Theo ông Lê Tuấn Quốc, cách làm, hướng giải quyết để yêu cầu các doanh nghiệp gây ô nhiễm bồi thường thiệt hại cho ngư dân cũng tương tự cách đã làm trong vụ Vedan, hai bên sẽ đối thoại, thương lượng.

Trường hợp không thống nhất được thì đưa nhau ra tòa.

Về việc xử lý, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay hiện đã giao UBND huyện Tân Thành cưỡng chế, tháo dỡ chín nhà máy, cơ sở xây dựng không phép, trái phép hoặc giấy phép xây dựng tạm đã hết hạn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại