Bộ Y Tế trần tình về đề xuất cấm bán bia rượu sau 22h

Hồng Anh |

(Soha.vn) - Tại buổi gặp mặt chia sẻ thông tin với báo giới chiều 23/7, đại diện Bộ Y Tế cho biết lí do vì sao Bộ đưa nội dung cấm bán bia rượu sau 22h.

Không cấm ở tất cả các khu vực

Sau khi thông tin về nội dung dự thảo lần thứ nhất của Luật phòng chống tác hại của việc lạm dụng đồ uống có cồn được Bộ Y Tế công bố, dư luận đã tỏ ra băn khoăn về nhiều nội dung trong bản dự thảo, nhất là việc nên hay không nên cấm bán bia rượu sau 22h..

Lí giải về đề xuất gây nhiều tranh cãi này, đại diện Tổ soạn thảo - Bà Trần Thị Trang - Phó vụ trưởng vụ Pháp chế của Bộ cho hay: Tại Việt Nam, 70% số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, trong đó tai nạn giao thông thường xảy ra trong khoảng thời gian từ 18-24 giờ.

Ngoài ra, việcsử dụng rượu, bia vào ban đêm lâu nay thường gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống một bộ phận cư dân nằm xung quanh các nhà hàng, quán ăn ở các đô thị...Việc đề xuất lệnh cấm là một trong những biện pháp đưa ra để hạn chế tình trạng này.

Theo dự thảo, việc cấm bán rượu bia từ 10h đêm hôm trước đến 6h sáng hôm sau, tuy nhiên, tại một số tuyến phố đặc biệt, một số khu du lịch như các khu phố Tây, nơi khách du lịch đến nhiều, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành xem xét và cấp phép bán sau khung giờ này.

Người dân say rượu, vi phạm ATGT và cự cãi Cảnh sát GT là những hiện tượng phổ biến về đêm ở nhiều thành phố.

Người dân say rượu, vi phạm ATGT và cự cãi Cảnh sát GT là những hiện tượng phổ biến về đêm ở nhiều thành phố.

Về lộ trình, bà Trang cho biết Tổ soạn thảo dự luật đang nghiên cứu cụ thể, có thể sẽ áp dụng thí điểm ở một số địa phương như TP. HCM và Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa do nhu cầu bức thiết về tình trạng lạm dụng rượu, bia và an toàn giao thông. Trên cơ sở đó sẽ triển khai nhân rộng toàn quốc khi có đủ điều kiện và kinh nghiệm thực hiện.

Lạm dụng bia rượu là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông ở các thành phố lớn

Lạm dụng bia rượu là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông ở các thành phố lớn

Trả lời câu hỏi: “Nếu cấm bán rượu sau 22h, người dùng sẽ mua sẵn rượu từ trước đó và sau 22h vẫn uống bình thường thì xử lý như thế nào?”, bà Trang cho hay: Các quy định sẽ luôn được thực hiện một cách đồng bộ, luật cấm nhà hàng bán bia rượu sau khung giờ nào thì cũng sẽ đồng thời quy định cấm người tiêu dùng sử dụng bia rượu tại nhà hàng sau khung giờ đó.

"Chưa có mối liên hệ nào để nói cấm bia rượu sau 22h sẽ làm mất khách du lịch"

Bình luận về việc có nhiều ý kiến phản ứng cho rằng việc cấm bán bia rượu sau 22h sẽ khiến cho du lịch Việt Nam trở nên kém hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đại diện Bộ Y Tế cho rằng:

Trên thế giới có 168 quốc gia trong đó có 9 quốc gia Asean có quy định thời gian cấm bán rượu, bia, đa số là từ 20 giờ hoặc 22 giờ đến 6 hoặc 8 giờ ngày hôm sau. Từ chia sẻ của các quốc gia này lâu nay, chưa hề có chia sẻ kinh nghiệm nào nói rằng số lượt khách du lịch và doanh thu từ dịch vụ du lịch sụt giảm vì ảnh hưởng bởi áp dụng lệnh cấm.

“Bản thân nước ở gần chúng ta nhất là Thái Lan cũng cấm, không những thế còn cấm rất nghiêm ngặt, nhưng du lịch của họ rất phát triển. Vì thế chúng tôi nghĩ sẽ không phải lo lắng về việc này” – Đại diện Bộ Y Tế cho hay.

“Nếu không cấm thì khó trông chờ vào sự thay đổi ý thức”

Tại buổi họp báo, bà Trang cũng cho biết không phải ngay từ đầu Bộ đã đưa ra đề xuất cấm bán bia rượu sau 22h. Cho tới hiện tại Bộ vẫn đang nêu ra dự kiến 3 phương án trong dự thảo Luật phòng chống tác hại lạm dụng rượu, bia để xem xét.

Theo đó, phương án 1 là “không được bán rượu, bia trong khoảng thời gian sau 22 giờ đến 6 giờ sáng tại một số địa điểm theo danh mục và lộ trình quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và yêu cầu phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia.”

Tổ soạn thảo nghiêng về việc lựa chọn phương án này vì cho rằng đây là phương án tối ưu nhất, sẽ có tác dụng tích cực nhằm giảm lạm dụng rượu, bia. Tuy nhiên với một nước có tập tục uống rượu ở nơi công cộng lâu đời và phổ biến như Việt Nam thì cần sự nỗ lực cao trong tổ chức thực hiện.

Phương án 2 được bà Trang cho biết là đề xuất “Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định việc cấm bán rượu, bia tại một số địa điểm trong khoảng thời gian phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và yêu cầu phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia.”

Với phương án này, tổ soạn thảo cho rằng, sẽ tích cực triển khai ở một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa trước do tình trạng lạm dụng rượu, bia và an toàn giao thông ở các địa phương này đang rất nổi cộm. Mặc khác đây là những tỉnh, thành có điều kiện để đầu tư nguồn lực triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, sẽ triển khai rộng trong toàn quốc khi có đủ điều kiện và kinh nghiệm.

Phương án “Chưa quy định thời gian cấm bán rượu, bia” trong dự thảo Luật là phương án thứ ba, cuối cùng.

Theo tính toán cân nhắc của tổ soạn thảo, nếu lựa chọn phương án ba thì kể cả trường hợp tăng cường tuyên truyền, hiệu quả cũng không cao vì không phải là chế tài bắt buộc.

“Nếu lựa chọn phương án 3 tức là chúng ta sẽ không làm gì, nghĩa là sẽ không có chế tài bắt buộc mà mọi việc phụ thuộc vào ý thức tự điều chỉnh của người dân. Trong khi đó chúng tôi nghĩ khó có thể trông chờ vào việc thay đổi nhận thức của người dân chỉ bằng biện pháp tuyên truyền giáo dục. Không có chế tài xử phạt thì không có sức ép để thay đổi vấn đề” – bà Trang cho hay quan điểm của Tổ soạn thảo dự luật.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại