Bộ trưởng Thăng vừa chỉ đạo xây cầu nơi qua suối bằng túi nilông

Một cây cầu với mức vốn xây dựng 3,5 tỷ đồng đã được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quyết định đầu tư xây dựng tại nơi học sinh chui túi nilông qua suối.

Ngay vào sáng ngày 18/3, một cây cầu với mức vốn xây dựng 3,5 tỷ đồng đã được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quyết định đầu tư xây dựng trên con suối Nậm Pồ- con suối với những đứa trẻ chui vào túi nilông để qua cầu đang làm “nóng” dư luận. Chỉ 2 tháng nữa, một cây cầu sẽ hoàn thành, đảm bảo đời sống dân sinh cho đồng bào dân tộc Mông bản Sam Lang. Nhanh chóng và kịp thời như vậy, cũng vì trách nhiệm và tấm lòng của Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng.

Khó khăn chồng chất

Như tâm sự của Giám đốc Sở GTVT tỉnh Điện Biên Nguyễn Đình Giang, với một tỉnh miền núi nghèo, 98% ngân sách phải trông chờ Trung ương hỗ trợ, thu ngân sách 1 năm chỉ suýt soát 600 tỷ đồng, bằng một nhà máy dưới xuôi… thì những điểm qua suối nguy hiểm mà thiếu cầu như con suối Nậm Pồ (xã Nà Hì, huyện Nậm Pồ, Điện Biên) còn khá nhiều. Ai chẳng thắt ruột khi chứng kiến cảnh các em qua suối trong túi nilông như vậy, như Giám đốc Sở tâm sự chân thành.

Thế nhưng, “cái khó bó cái khôn”, kinh phí lấy đâu ra để xây cầu cho dân? Tỉnh thì không có vốn, muốn Trung ương đầu tư thì cũng phải chờ có ngân sách. Vậy nên, như ông Giang nhẩm tính, cả tỉnh hiện còn tới 51 điểm qua suối cần đầu tư xây dựng cầu treo dân sinh, với tổng kinh phí khoảng 200 tỷ đồng (bằng 1/3 thu ngân sách tỉnh 1 năm). “Tháng 6/2013, chúng tôi đã có báo cáo về nhu cầu đầu tư xây dựng cầu dân sinh tại các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn cao thuộc địa bàn tỉnh Điện Biên, ở thời điểm đó, do huyện Nậm Pồ chưa tách ra (cuối tháng 6/2013 mới tách huyện), nên số cầu treo cần xây dựng là 47 cầu, và nay là 51, tính thêm những điểm mới sau khi tách huyện”, ông Giang cho biết.

Vào mùa lũ, các thầy cô giáo, học sinh ở bản Sam Lang phải chui vào túi nilông và nhờ người biết bơi kéo qua suối - Ảnh trích từ clip của cô giáo Tòng Thị Minh (tuoitre.vn)

Có nghĩa là “nguy hiểm” cũng đã được lường trước, nỗi lo canh cánh về số phận người dân của những người lãnh đạo tỉnh Điện Biên nói chung và của những người trực tiếp làm công tác giao thông nói riêng, đã thường trực. Nhưng như tâm sự của ông Giang, tất cả phải chờ, vì thiếu tiền thì không thể làm gì được. “Ngay như với 125 chiếc cầu treo dân sinh hiện có của tỉnh, số lượng cầu xuống cấp, hỏng hóc, nguy hiểm cũng rất nhiều, nhưng chúng tôi không có kinh phí để sửa chữa và  người dân vẫn qua lại hàng ngày với mối nguy hiểm thường trực, đó là vấn đề thật sự lo lắng mỗi ngày!”.

Khó khăn như Điện Biên là điều nhiều địa phương miền núi đang gặp phải, thế nên, dù lo, vì “sốt ruột”, cũng vẫn phải chờ. Chờ một “phép màu” và phép màu đó chính là sự sâu sát, quyết liệt của Bộ trưởng Bộ GTVT.

Chỉ đạo của Bộ trưởng

Đoạn video clip do một cô giáo của trường Nậm Pồ quay, gửi cho phóng viên báo Tuổi trẻ thực sự khiến ai cũng xúc động. Huyện mới tách chưa được 1 năm, bản Sam Lang mới hình thành, nên khó khăn chồng chất. Xã Nà Hì  vốn đã là điểm “điểm nóng” về chính trị, trật tự an toàn xã hội, khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Nậm Pồ, cũng như tỉnh Điện Biên. Nhưng bản Sam Lang lại là bản khó khăn nhất của xã, nằm cách trung tâm xã tới 17km, thì chỉ có 2 km là đường mòn, còn 15km chỉ dành cho người đi bộ, đi xe máy hoặc… ngựa thồ!

Bản Sam Lang còn bị cách trở bởi con suối Nậm Pồ rộng tới 80m, nước ngày đêm chảy xiết, thuyền đò không thể hoạt động được. Trong khi mọi sinh hoạt của bản người Mông có 100 hộ, 600 nhân khẩu này… đều ở phía bên kia con suối. Trường học cũng phía bên kia con suối. Thế là ngày ngày, người dân, học sinh, thày cô giáo phải vượt suối bằng những “phương tiện” thủ công nhất họ có thể nghĩ ra.

Tin nhắn của Bộ trưởng Đinh La Thăng với cô giáo Tống Thị Minh, người quay video clip: “Cảm ơn em, anh sẽ cho anh em nghiên cứu để làm sớm 1 cây cầu treo, còn đường thì tỉnh phải có trách nhiệm, anh sẽ có ý kiến với tỉnh. Chúc em khỏe”.

Nhận được thông tin này, dù đang tháp tùng Chủ tịch nước thăm Nhật Bản, ngay lập tức Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã gọi điện về cho Giám đốc Sở GTVT tỉnh Điện Biên Nguyễn Đình Giang, lúc 16 giờ 16 phút chiều 17/3, với sự chỉ đạo kịp thời và quyết liệt: Sở GTVT cần kiểm tra ngay thực tế và báo cáo kịp thời về Bộ để sớm làm cầu cho dân đi lại!

Ngay lập tức, Sở GTVT tỉnh Điện Biên triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng. Và trong đêm 17/3, Giám đốc Sở Nguyễn Đình Giang đã có báo cáo chi tiết với Bộ trưởng về thực tế tại suối Nậm Pồ. Giám đốc Sở báo cáo trong đêm thì tới rạng sáng ngày 18/3, Bộ trưởng đã  chỉ đạo Sở lập tờ trình xin xây cầu gửi Bộ GTVT; đồng thời chỉ đạo Thứ trưởng Bộ GTVT nhanh chóng thẩm định để ra quyết định xây cầu. Một quyết định nhanh kỷ lục và kịp thời vì người dân.

Và tới sáng ngày 18/3, sau tờ trình số 783 của Sở GTVT tỉnh Điện Biên về việc đề nghị đầu tư xây dựng cầu treo Sam Lang; Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã ký quyết định giao nhiệm vụ cho Sở GTVT Điện Biên làm chủ đầu tư, Xí nghiệp cơ khí Quang Trung (Đơn vị Anh hùng Lao động) ứng vốn để xây dựng cầu. Dự kiến cây cầu sẽ hoàn thành sau 2 tháng, trước khi mùa mưa tới!

“Đây là một quyết định kịp thời và rất đáng mừng với người dân Sam Lang. Dự kiến cầu sẽ có chiều dài 80m, bề rộng toàn cầu 2,2m, tổng mức đầu tư dự kiến 3,5 tỷ đồng. Do được Bộ đồng ý nên chúng tôi sẽ triển khai thi công cấp bách nhưng theo phương án đảm bảo giao thông, nghĩa là vừa thiết kế vừa thi công, duyệt thiết kế ngay tại hiện trường”, Giám đốc Sở Nguyễn Đình Giang  cho biết.

Cô giáo Tòng Thị Minh và học sinh của mình tại bản Sam Lang - Ảnh: Ngọc Quang (tuoitre.vn)

Vậy là người dân Sam Lang đã có hy vọng. Một hy vọng sẽ thành hiện thực trong 60 ngày tới. Tất nhiên, để có một cây cầu sẽ là sự vất vả ngày đêm của những người làm giao thông Điện Biên. Bởi việc xây cầu ở một vùng miền núi khó khăn, đi lại chủ yếu bằng xe máy, ngựa thồ sẽ không hề đơn giản. Thì cũng chỉ vì xa xôi nên giá xây cầu cũng “đội” lên rất nhiều vì chi phí tăng.

Nghe một cán bộ của Sở GTVT Điện Biên nói, 1 tấn xi măng ở thành phố chỉ có 1,3 triệu đồng, nhưng về tới Sam Lang sẽ là hơn 5 triệu đồng. Rồi còn việc vượt suối, nước xiết, đèo cao, vực sâu… Khó khăn nhiều, nhưng là chỉ đạo và cả tấm lòng của Bộ trưởng nên những người “lính giao thông” cũng quyết tâm cao bằng cả tấm lòng của họ.

Câu chuyện Sam Lang đã xong, nhưng vẫn còn câu chuyện của 50 điểm cần cầu treo nữa của Điện Biên vẫn đang “treo” ở đó. Nhưng tin, với tấm lòng của vị Bộ trưởng, thì 50 điểm này cũng sẽ có cây cầu “nối những bờ vui”…

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại