Ngôi mộ cổ "ngụy trang" khó hiểu giữa khuôn viên trường đại học

Giữa khuôn viên trường ĐH Bách Khoa TP.HCM có một ngôi mộ cổ được “ngụy trang” thành bồn hoa hết sức khó hiểu.

“Bồn hoa” này nằm đối diện tòa nhà B6, hình khối vuông, cao khoảng 4 tấc và các cạnh hình vuông dài 2 thước rưỡi. Phía trên cây cỏ lưa thưa, rêu phong bám phủ. 

Xung quanh “bồn hoa” có đặt ghế đá cho sinh viên ngồi nghỉ ngơi, nhưng thường rất ít ai lui tới gần khu vực này.

Có rất nhiều giả thiết về nguồn gốc của ngôi mộ kỳ lạ này. Người ta cho rằng đây là mộ của một người phu cao su, vì Trường Đại học Bách Khoa xưa kia là rừng cao su bạt ngàn. “Cao su đi dễ khó về”, nên rất nhiều bạn sinh viên đã thêu dệt những câu chuyện ma rùng rợn về oan hồn phu cao su nửa đêm hiện về oán khóc khắp sân trường.

Có thời, nhà trường đã phải dùng biện pháp rất mạnh để ngăn chặn những lời đồn đại hoang đường này. Tuy nhiên, ngôi mộ cổ vẫn án ngữ giữa khuôn viên trường hàng mấy chục năm qua thì đúng là thật khó giải thích.

Giai thoại về những lần khai quật mộ bất thành

Không những thế, xung quanh “bồn hoa” còn có nhang cắm. Thỉnh thoảng các sinh viên đi học sớm còn thấy bánh trái, đồ cúng trước “bồn hoa”. Lao công và bảo vệ của trường đã nhanh chóng dọn dẹp nhưng nhang cắm tại “bồn hoa” này thì lại không ai dám rút.

Sự “nhân nhượng” đến khó hiểu này của nhà trường đã khơi mào cho những câu chuyện ly kì về ngôi mộ trước nhà B6. Không rầm rộ, nhưng những lời truyền miệng này được xem như một trong những “truyền thuyết kinh điển” của sinh viên.

Ngoài những sinh viên năm nhất “chưa biết gì”, còn thì hầu hết sinh viên nào cũng đã từng nghe lời đồn đại về những lần khai quật mộ bất thành tại Trường đại học Bách Khoa.

Lần đầu tiên là vào khoảng năm 1956, người ta lên phương án giải tỏa rừng cao su và xây dựng Trường Đại học Bách Khoa. Tất nhiên, ngôi mộ cổ cũng nằm trong kế hoạch di dời. Trước khi đập mộ, mọi người không quên cúng bái, cầu mong người đã khuất cho phép khai quật mộ. Cúng kiếng xong xuôi, một anh công nhân dùng búa đập mộ.

Nhang được cặm rải rác quanh bốn góc “bồn hoa”.

Nhưng chỉ sau nhát búa đầu tiên, anh này lăn ra đột tử khiến những người có mặt đều thất kinh và từ đó không ai dám đụng vào ngôi mộ nữa. Tất nhiên, việc một công nhân bị đột tử vì đập mộ chỉ là việc hoang đường, không có căn cứ, nhưng chuyện người ta vẫn xây trường và mặc kệ ngôi mộ khiến những lời đồn đại ly kỳ về những lần khai quật mộ bất thành tiếp tục được lan ra.

Chưa dừng lại ở đó, người dân xung quanh Trường đại học Bách Khoa vẫn thường kể về lần khai quật mộ thứ 2 cũng ly kỳ không kém.

Sau khi xây trường xong, cán bộ giáo viên nhà trường xét thấy việc tồn tại một ngôi mộ đầy tâm linh giữa môi trường học tập nghiên cứu quả hết sức “nhạy cảm”. Bởi thế nên kế hoạch khai quật mộ lại được đưa ra. Lần này, đôi nhân công tiến hành cúng kiếng “công phu” hơn lần trước. Có cả thầy cúng lên đồng để người dương gian hỏi ý kiến vong hồn người dưới mộ.

Sau khi được “người cõi dưới” đồng tình, thầy cúng ra hiệu cho công nhân bắt đầu phá mộ. Vì mộ khá cứng, nên người ta dùng mũi khoan, khoan từng lỗ trên mộ cho nứt ra rồi mới đập.

Tuy nhiên, khi mũi khoan đầu tiên xiên vào mộ thì một làn khói màu nâu phun ra từ lỗ khoan. Người ta đồn rằng, những người hít phải thứ khói kia đều bị hóa điên, trong đó có cả một giáo sư…?

Chủ nhân ngôi mộ cổ

Lời đồn đại về những lần khai quật mộ bất thành đã khiến rất nhiều người hiếu kỳ thắc mắc về người nằm dưới ngôi mộ lạ lùng kia. Không có bất cứ tài liệu nào về ngôi mộ cổ trong Trường đại học Bách Khoa, nhưng có một câu chuyện khá nổi tiếng liên quan đến chủ nhân của ngôi mộ.

Theo cụ Lý Thanh Hà, 68 tuổi, ngụ trên đường Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10, TP.HCM thì theo lời cha ông cụ kể lại đây có thể là ngôi mộ của một thương gia người Hoa, xưa cư trú tại khu Lữ Gia ngày nay.

Sau khi thương gia nọ mất, con cháu của ông đã đem thi hài đến nơi này chôn. Và để có người theo hầu, con cháu của ông đã chôn theo một thiếu nữ. Đây cũng là phương cách trấn yểm hết sức độc ác và cổ quái của một số tộc người phương Bắc. Tương truyền linh hồn cô gái sẽ bảo vệ mộ phần của gia chủ. 

Ông Hà kể thêm: “Sau đó, gia tộc này có chôn thêm nhiều người ở đây nữa, nên Trường đại học Bách Khoa ngoài ngôi mộ trước nhà B6, còn có một ngôi mộ ở phía sau dãy nhà C7, cũng không khai quật được, nên người ta để đó luôn”.

Sau, do chiến tranh loạn lạc, gia tộc này tứ tán, nhưng những mộ phần bí ẩn kia vẫn tồn tại trong khu rừng rậm mà nay đã trở thành Trường Đại học Bách Khoa.

Do không khai quật được, mà cũng không thể để nguyên ngôi mộ như thế giữa sân trường nên người ta đã dùng gạch đắp lên, ngụy trang thành một bồn hoa hết sức “vô duyên” không ăn nhập gì với cảnh quang của ngôi trường.

Các sinh viên mới vào trường tuy không biết gì về “truyền thuyết ngôi mộ cổ” nhưng vẫn ít khi lui tới “bồn hoa” trước nhà B6. Do nhang được cắm rải rác bốn góc “bồn hoa” và sự rêu phong cũ kỹ của nơi này khiến những người chưa biết gì cũng cảm thấy rờn rợn.

Người ta nói, “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, nên những chuyện ma cỏ hoang đường cũng chỉ là trò nghịch ngợm của các bạn sinh viên bày ra. Thế nhưng, việc tồn tại một ngôi mộ cổ giữa khuôn viên của trung tâm đào tạo nhân lực về khoa học kỹ thuật lớn nhất Việt Nam như Trường Đại học Bách Khoa thì quả là chuyện vô cùng khó hiểu.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại