Đứng đầu ở một bộ đưa ra những hoạch định, chính sách kinh tế lớn, ông không chỉ “lấy đá ghè chân mình”, mà “trảm” trực tiếp đến “quyền lợi” của lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh bằng những chỉ thị, những quy định.
Đặc biệt, ông còn dốc ruột nói thẳng băng những điều mà trước nay được coi là rất tế nhị.
Nếu để thế thì đất nước sẽ vỡ nợ và...
Chúng ta ai cũng biết, nợ công từ lâu là những nội dung rất “nóng” với nhiều lo lắng chính đáng của đại biểu Quốc hội (QH) ở diễn đàn QH.
Vì vậy, nhằm thay đổi toàn diện vấn đề đầu tư công, mới nhậm chức bộ trưởng 3 ngày, ông Vinh đã triệu tập họp để xây dựng chỉ thị về nội dung này (ngay tháng sau có Chỉ thị 1792 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ), vì nói như ông, nếu tiếp tục để thế thì đất nước sẽ vỡ nợ.
Một trong những nội dung của chỉ thị này là không cho phép bộ trưởng và chủ tịch tỉnh được ký một công trình nào nếu như không biết có bao nhiêu tiền và không biết nguồn tiền được lấy từ đâu ra.
Người ký phải chịu trách nhiệm, kể cả trách nhiệm hình sự nếu tính toán sai.
Đầu năm 2014, tâm sự rất thật với báo chí, Bộ trưởng Vinh phải thốt lên: “Khi lên trung ương, tôi càng nhìn thấy rõ sự vô lý, chả biết có bao nhiêu tiền.
Một ngày tôi phải tiếp bao nhiêu ông bí thư, chủ tịch, giám đốc sở lên xin dự án này, dự án kia. Tôi thấy như vậy là bất ổn”.
Nhưng nếu để nguyên bất ổn này, ông và thuộc cấp càng nhiều quyền… “cho”. Nhưng ông đã không “ngậm miệng ăn tiền” mà nói toạc ra hết. Ông đã chiến thắng được chính mình.
Với quan điểm “đất nước này cần phải minh bạch”, ông đã xây dựng Luật Đầu tư công (có hiệu lực từ 1.1.2015).
Nội dung luật đã chế định toàn diện quá trình đầu tư, quy định về kế hoạch đầu tư trung hạn, khắc phục tình trạng cắt khúc hằng năm.
Trong đó dành riêng hẳn một điều để làm rõ về công khai, minh bạch. Và lần đầu tiên dự luật này đưa ra quy định xử lý trách nhiệm đối với người quyết định chủ trương đầu tư sai.
… phân tích bản chất những con số
Tại Hội nghị lần thứ 7 UBTƯMTTQ Việt Nam (13.1.2014), Bộ trưởng Bùi Quang Vinh rất thẳng thắn khi cho biết: “Trung ương phân bổ thế nào, địa phương chạy chọt thế nào, tôi biết hết”.
Ông cũng cảnh báo: “Tôi nói rằng đất nước này cần công khai minh bạch và không được có tham nhũng, bởi vì đó là những thứ làm cho đất nước này ‘chết’ nhanh chóng nhất”. Đây là những điều nhạy cảm mà người làm chính trị không đủ dũng khí không dám nói.
Tại phiên thảo luận tại tổ ĐBQH tỉnh Lai Châu ngày 22.10.2015, mặc dù theo báo cáo Chính phủ, thu ngân sách năm 2016 sẽ tăng cao hơn dự toán năm 2015 gần 61.000 tỉ đồng, song ông Vinh không ngần ngại khi phân tích thẳng bản chất những con số “nghe rất vui, nhưng bản chất số tuyệt đối năm nay hụt so với năm ngoái.
Các địa phương không có tiền, tăng chỉ mang tính nghiệp vụ thôi” và “con số thực để phân bổ hiện chỉ còn 45.000 tỉ đồng. Với mức này không biết để làm cái gì, chưa nói để trả nợ với các thứ. Cho nên gần như không có tiền để làm gì cả”.
Ngân sách luôn là vấn đề rất nhạy cảm, việc ông Vinh dùng nghiệp vụ phân tích, mổ xẻ những con số tăng “mang tính nghiệp vụ” thì đúng là phải rất có dũng khí.
Và gần đây, tham luận tại Đại hội Đảng, ông không ngại ngần đưa ra những so sánh để thấy chúng ta đang phát triển như thế nào và ở đâu.
Ông Vinh nhìn nhận, 30 năm qua, thành tựu bao trùm nhất của công cuộc đổi mới, đó là đã chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường, làm thay đổi căn bản cuộc sống của người dân và đưa đất nước phát triển.
Nhưng ông cũng đánh giá rất thẳng: “Cũng tại hội trường này, cách đây 5 năm, Đại hội XI đã thông qua chiến lược phát triển KT-XH trong đó nêu rõ phải kiên trì, quyết liệt thực hiện đổi mới, đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế”.
Tiếp đó ông chỉ rõ: “Thực tế 5 năm qua, chúng ta đã tích cực đổi mới về thể chế kinh tế, đạt kết quả nhất định. Nhưng đổi mới hệ thống chính trị thì hầu như chưa làm”.
Là người xây dựng luật, ông hiểu rõ muốn thay đổi thực chất, cấp thiết vẫn phải là cải cách thể chế.
Do vậy, ông không né tránh khi nhấn mạnh: “Một hệ thống chính trị phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây, đặc biệt trong hoàn cảnh chiến tranh nay không còn phù hợp nền kinh tế thị trường, thậm chí còn là rào cản, trở ngại cho sự phát triển”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch của đại hội - đánh giá: “Bài phát biểu tâm huyết, thẳng thắn, nhìn thẳng vào tình hình đất nước, có những phân tích khá quan trọng”.