Còn nhớ, khi trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 14/6/2012, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, cho biết: "Lực lượng Công an đã triển khai rất khẩn trương những biện pháp truy bắt, truy nã đối với Dương Chí Dũng”.
Tại phiên họp lần thứ 18 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng diễn ra ngày 22/8/2012, sau khi nghe lãnh đạo Bộ Công an báo cáo vụ việc, Trưởng Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: "Phải điều tra, truy nã, bắt bằng được bị can Dương Chí Dũng, theo đúng tinh thần tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không có bất kỳ ngoại lệ nào".
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an, chỉ sau một thời gian truy bắt, ngày 4/9/2012, cơ quan điều tra Bộ Công an đã bắt giữ được Dương Chí Dũng khi đang lẩn trốn tại Campuchia sau hơn 3 tháng truy nã
Sự vào cuộc quyết liệt
Ngay sau khi Dương Chí Dũng bỏ trốn, cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã phối hợp với Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cục Hàng không, các hãng hàng không, bến cảng, hải cảng để phong tỏa việc trốn chạy của bị can trên tất cả các ngả đường, từ đường bộ, đường thủy, đường hàng không…
Tại thời điểm đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng đã thành lập Ban chuyên án do Đại tá Nguyễn Đức Hiển, Cục phó làm Trưởng ban để truy bắt "nóng" đối tượng.
Cơ quan điều tra Bộ Công an đã kiên trì thuyết phục gia đình, thân nhân của Dương Chí Dũng vận động đối tượng ra đầu thú. Ngày 18/5/2012, cơ quan điều tra Bộ Công an đã phát Lệnh truy nã đặc biệt số 01/C48-P2 trong toàn quốc, đồng thời phối hợp với tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) ban hành lệnh truy nã quốc tế đối với Dương Chí Dũng.
Tiếp theo, để quyết liệt truy bắt đối tượng, lãnh đạo Bộ Công an đã quyết định thành lập Ban chuyên án cấp Bộ, do Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm làm Trưởng ban, huy động các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an truy bắt đối tượng.
Lật lại hành trình Dương Tự Trọng giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn, cho thấy sự ranh ma của các đối tượng, móc nối với đối tượng đang trốn lệnh truy nã, dùng mọi thủ đoạn để xóa dấu vết với cơ quan điều tra, tìm cách trốn sang Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh rồi từ Campuchia sẽ sang Mỹ.
Tuy nhiên, với sự quyết liệt chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, ngày 4/9/2012, Dương Chí Dũng đã bị cơ quan chức năng Campuchia và Cơ quan an ninh Việt Nam bắt giữ để đưa về Việt Nam xử lý sau hơn 3 tháng lẩn trốn.
Đánh giá về sự kiện bắt giữ được Dương Chí Dũng, ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội từng nhận xét, việc bắt được Dương Chí Dũng là sự cố gắng của các cơ quan điều tra. Ông Hùng cho rằng, đây là một dấu hiệu tích cực trong việc thực thi pháp luật của chúng ta và nhiều người cũng sẽ thấy yên tâm hơn trước sự vận hành của các cơ quan chức năng nói riêng và của hệ thống thực thi pháp luật nói chung của nước. Dư luận đồng tình và đánh giá cao các cố gắng của cơ quan chức năng. Sự việc này giúp làm sáng tỏ hơn nhận định, không có cá nhân, tổ chức nào lại nằm ngoài pháp luật cả.
Phân tích thêm về lời khai của Dương Chí Dũng tại tòa, Luật sư Trần Viết Hưng, Phó Giám đốc Công ty Luật Trường Sa nói, các cơ quan chức năng cần điều tra xác minh thật kỹ, tránh bỏ lọt tội phạm, nhưng cũng không được để oan sai, mất uy tín một cá nhân nào
Những chiến công to lớn
Trong năm qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang, nhiều vụ án án tham nhũng lớn được Bộ Công an nhanh chóng kết luận điều tra, sớm đưa ra xét xử như: Vụ tham nhũng tại Công ty Cho thuê tài chính 2 (thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Agribank); Vụ lợi dụng chức vụ quyền hạn tại Ngân hàng TMCP Công thương VN; Vụ án kinh tế tại Ngân hàng ACB liên quan đến “bầu” Kiên…
Đây là những bản án công minh, cho thấy sự quyết liệt của Bộ Công an và cá nhân Bộ trưởng Bộ Công an trong việc chỉ đạo điều tra các vụ án, điển hình trong vụ án Vinalines. Dù có là cán bộ, bất kể ai, nếu vi pháp pháp luật thì vẫn phải xử lý nghiêm minh theo đúng tinh thần Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội trả lời trên tờ Dân trí (9.1) nhấn mạnh “Tôi rất tin lãnh đạo Bộ Công an, đặc biệt là Đại tướng Trần Đại Quang, rất vô tư, khách quan và chỉ đạo nghiêm túc vụ án tham nhũng tại Vinalines.
Còn qua việc xét xử các vụ án tham nhũng lớn gần đây tôi thấy hoạt động của bộ máy phòng chống tham nhũng khá quyết liệt, tạo nên hiệu quả như chúng ta đã thấy. Điều đó thể hiện sự quyết liệt và cũng thể hiện cam kết của Đảng, nhà nước ta về việc tuyên chiến với tham nhũng đã có kết quả”.
Là người theo sát diễn biến về tình hình an ninh – quốc phòng của Việt Nam trong thời gian qua, Viện sỹ, Tiến sĩ - Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhận định “Sau hội nghị Trung ương 4 Khóa XI vừa qua, lực lượng công an nhân dân đã góp phần quan trọng trong công tác đảm bảo, giữ gìn an ninh nội bộ.
Đặc biệt là, trong cuộc chiến chống tham nhũng, Lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo quyết liệt điều tra xử lý những vụ án trọng điểm được dư luận quan tâm. Việc nhanh chóng giải quyết dứt điểm các vụ án trọng điểm đã góp phần từng bước đẩy lùi được tệ nạn tham nhũng, bước đầu củng cố được niềm tin của các tầng lớp nhân dân, góp phần đảm bảo trong ấm ngoài êm. Bộ trưởng Bộ Công an đã rất quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều tra phá các vụ án, đặc biệt là các vụ án tham nhũng”
PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định, năm 2013, chính trị và an ninh quốc gia giữ vững được ổn định, trật tự an toàn xã hội vẫn được đảm bảo. So với các nước thì đây là điểm nổi bật nhất của đất nước ta. Chúng ta vẫn đảm bảo được trật tự an ninh quốc gia trên tất cả các mặt, an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh tương tưởng văn hóa…
Ngành công an đã có những đóng góp rất tích cực vào những kết quả đó, đặc biệt là đã phát hiện, điều tra, khởi tố, bắt giam được những tội phạm nguy hiểm, tội phạm tham nhũng lớn, gây bức xúc trong dư luận.