Bộ Ngoại giao phản đối phát biểu của ông Tập Cận Bình ở Singapore

Hoàng Đan |

Ông Lê Hải Bình yêu cầu, các bên tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và không có lời nói, hành động làm phức tạp tình hình tại Biển Đông.

Trả lời tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoai giao, trả lời câu hỏi về quan điểm, phản ứng của Bộ Ngoại giao về bài phát biểu của ông Tập Cận Bình ở Singapore ngang nhiên khẳng định, Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc từ thời cổ xưa, ông Bình khẳng định:

"Một lần nữa Việt Nam khẳng định có đầy đủ chứng cứ pháp lý và cơ sở về chủ quyền không thể tranh cãi của mình với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Chúng tôi yêu cầu các bên tôn trọng chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Không có lời nói và hành động làm phức tạp thêm tình hình tại Biển Đông và đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định khu vực cũng như thế giới".

Liên quan đến thông tin nữ doanh nhân Hà Linh tử vong ở Trung Quốc, ông Bình cung cấp thêm, hiện Bộ Công an Trung Quốc cũng như công an tỉnh Quảng Đông đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam điều tra, làm rõ vụ việc.

"Tôi xin nhấn mạnh thêm việc Bộ Công an Trung Quốc tăng cường đoàn về Quảng Đông điều tra vụ việc là theo đề nghị của Bộ Công an Việt Nam.

Hiện nay, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu đang phối hợp chặt chẽ và theo dõi sát vụ việc để sớm có thông tin, sớm hoàn tất thủ tục cần thiết để đưa thi hài bà Linh về nước", ông Bình nói.

Về thông tin Indonesia cân nhắc đưa Trung Quốc ra tòa, theo ông Bình: "Chủ trương nhất quán của Việt Nam là giải quyết mọi vấn đề ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tuân theo luật pháp quốc tế, công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Chúng tôi cho rằng, các quốc gia có quyền lựa chọn các biện pháp hòa bình, phù hợp để giải quyết các tranh chấp quốc tế có liên quan".

Truyền thông Philippines cho biết, phiên điều trần thứ 2 để xem xét quyền phán quyết của tòa trong vụ Philippines kiện Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông sắp diễn ra.

Về thông tin này, theo ông Bình, lập trường của Việt Nam về vấn đề này đã được nêu rõ trong tuyên bố của ông vào ngày 31/10/2015.

Về thông tin Việt Nam và Philippines sẽ ký thỏa thuận đối tác chiến lược tại Hội nghị APEC sắp tới, ông Bình trả lời:

"Chúng tôi khẳng định trong tổng thể chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình và phát triển đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ hơn nữa với tất cả các quốc gia, đối tác, trong đó có Philippines vì lợi ích của nhân dân Việt Nam và các đối tác, cũng như vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới".

Dự kiến trong thời gian diễn ra hội nghị APEC, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Philippines Albert del Rosario để trao đổi về các biện pháp, phương hướng lớn thúc đẩy hợp tác song phương giữa hai bên trên các lĩnh vực, cụ thể như là kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục đào tạo.

Qua đó, tăng cường hơn nữa quan hệ song phương giữa hai nước.

Cũng theo ông Bình, trong khuôn khổ hội nghị cấp cao APEC lần này, Việt Nam sẽ cùng với các nền kinh tế APEC trao đổi về các nội dung như là tăng trưởng bền vững, liên kết kinh tế và hệ thống thương mại đa phương, tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và siêu nhỏ, thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, sẽ trao đổi các vấn đề khác.

Trước cuộc bầu cử ở Myanmar, ông Bình nêu rõ: Chúng tôi chúc mừng Myanmar đã tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử vào ngày 8/11 vừa qua.

Từ trước đến nay Việt Nam luôn ủng hộ tiến trình hòa hợp, hòa giải dân tộc, đối thoại, hợp tác ở Myanmar. Chúng tôi hy vọng Myanmar luôn ổn định và phát triển, qua đó, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và trên thế giới.

Về việc Việt Nam trúng cử hội đồng chấp hành UNESCO, ông Bình cho hay:

Hội đồng chấp hành của Tổ chức giáo dục, khoa học, văn hóa của LHQ gọi tắt là UNESCO gồm 58 thành viên là một trong những cơ quan điều hành rát quan trọng của UNESCO và chịu trách nhiệm hoạch định chính sách ngắn hạn và trung hạn, xây dựng các chương trình ngân sách của UNESCO.

Tại kỳ họp thứ 38 của đại hội đồng UNESCO đã bầu lại 30 quốc gia là thành viên hội đồng chấp hành.

Theo đó, vào rạng sáng 12/11/2015 thì Việt Nam đã được tuyên bố trúng cử vào hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015 - 2019 với số phiếu rất cao là 156 phiếu.

Việc trở thành thành viên của hội đồng chấp hành UNESCO với số phiếu rất cao thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao trên trường quốc tế của Việt Nam, đồng thời, là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế trước những đóng góp của Việt Nam với UNESCO.

Đây là lần thứ 4 Việt Nam trúng cử vào Hội đồng chấp hành sau 3 nhiệm kỳ 1978-1983, 2001-2005 và 2009-2013.

Trở thành thành viên của hội đồng chấp hành UNESCO, Việt Nam sẽ nỗ lực cùng các thành viên khác tham gia một cách chủ động, tích cực trong các quyết sách của UNESCO. Qua đó, thể hiện vai trò là thành viên tích cực của các tổ chức có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Đồng thời, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần chủ động trên 5 lĩnh vực: Giáo dục, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, văn hóa và thông tin truyền thông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại