Cơn mưa chiều cắt ngang hành trình lên Tây Bắc, buộc chúng tôi phải dừng chân tại huyện “30a” Tân Sơn (Phú Thọ).
Dưới chân núi Cút, câu chuyện với Hà Thanh Ngữ - Trưởng ban Dân vận huyện về gương vượt nghèo ngoạn mục, luôn thấy anh nhắc đến họ Bàn giữa đại ngàn rừng quốc gia Xuân Sơn.
Người đàn ông đặc biệt giữa đại ngàn Xuân Sơn
Trong tỉnh Phú Thọ, Tân Sơn vốn là huyện nghèo nhất và chỉ duy nhất nơi này được liệt vào diện 30a.
Trong huyện nghèo này, Xuân Sơn vốn được mệnh danh là xã nghèo nhất, với 4 bản có tên Dù, Cỏi, Lạng, Lấp, thuần nhất chỉ có 2 dân tộc là Dao và Mường sinh sống.
Ông Bàn Văn Lâm - tỷ phú của huyện nghèo Tân Sơn (Phú Thọ). Ảnh: Đơn Thương
Mất vài tiếng đồng hồ để vượt rừng, vượt dốc, chúng tôi đã có mặt ở Xuân Sơn. Ngoài trung tâm huyện Tân Sơn đã hưng hửng nắng sau cơn mưa rừng, nhưng vào tới Xuân Sơn thì mây và gió vẫn còn mù đặc.
Theo người dân trên này, vì nằm ở vùng lõi, nên Xuân Sơn đón nắng trong năm không được bao nhiêu.
Khí hậu vậy, lại nằm ở vùng lõi rừng quốc gia nên đất sản xuất của Xuân Sơn hết sức nghèo kiệt, cái đói, cái nghèo âu cũng là chuyện khách quan với người dân nơi đây.
Đối lập với cái nghèo, cái khó, nhưng ngôi nhà sàn bề thế đầu xã, dài rộng và sạch sẽ đã thu hút sự chú ý của không ít người. Chủ nhân của cái khung cảnh bề thế này chính là Bàn Văn Lâm – một tỷ phú “đầu đàn” ở đây.
Chúng tôi được một cô giáo người Mường gọi điện thoại giúp để hẹn gặp ông Lâm, nhưng đúng lúc đó ông lại đưa khách du lịch nước ngoài ra tỉnh và đang trên đường về.
Chưa đầy nửa giờ, tiếng còi xe hơi vang lên đầu dốc, xé toang cái khung cảnh tĩnh mịch nơi rừng già. Ông Lâm trẻ hơn cái tuổi Quý Mão (ông sinh năm 1963), ông khá hồ hởi bởi được tiếp xúc với “Tây” nhiều.
Chiếc quần âu, sơ mi trắng, nói được tiếng Anh… là những thứ người ta cảm nhận được sự đặc biệt ở con người này.
Ấm trà rừng vừa đượm, đủ để làm quen và giới thiệu, Bàn Văn Lâm cùng chúng tôi ngược về thời gian vượt khó làm giàu của mình.
Ông Lâm cho biết, do nằm ở vùng lõi rừng quốc gia nên đất nương và đất ruộng của Xuân Sơn hạn hẹp lắm. “Nhà nông, trông vào đất”, tình trạng như vậy nên người dân Xuân Sơn, trong đó có ông đã rơi vào tình trạng đói nghèo triền miên.
Khi cái đói, cái nghèo là thách thức, lũ bạn cùng trang lứa đều bỏ học để mưu sinh, lấy vợ nhưng chỉ có ông Lâm vẫn thích đi học.
Cơm nắm, muối đùm, vượt rừng, vượt dốc, Bàn Văn Lâm đã tìm ra một lớp học duy nhất có tên Trường rẻo cao Thanh Sơn để học chữ. Xong trường này, lại vượt khó, Bàn Văn lâm tiếp tục học bổ túc, rồi đại học tại chức Nông Lâm.
Học xong, về làm cán bộ văn phòng, chữ nghĩa và trình độ vẫn không giúp anh xóa đói cho bản, xóa nghèo cho chính mình. Trăn trở, Bàn Văn Lâm tìm kế thoát cho cuộc đời mình.
Lần hồi, suy nghĩ mãi, cũng phải mất gần 10 năm sau, khi rừng Xuân Sơn được phê duyệt quy hoạch trở thành vườn rừng quốc gia. Cùng với sự xướng danh này, Xuân Sơn trở thành điểm đến của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Khách tìm vào, mất cả ngày đường vất vả nhưng cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống chả có gì. Khách đến, nhiều người ngao ngán và có ý định không muốn trở lại do gặp phải sự bất tiện này.
Làm nên tiền tỷ nhờ cơm đồ, nhà gác, nước vác …
Rồi, một sự làm ăn đã lóe sáng trong đầu Bàn Văn Lâm. Để khắc phục những hạn chế này, anh gọi họ hàng đến giúp sức.
Tận dụng các vật dụng vốn có của rừng, sau rất nhiều tháng mất công đẽo đục, một nhà sàn theo phong cách người Mường đã được Bàn Văn Lâm hoàn thiện, dựng lên giữa chốn đại ngàn.
Chăn ga được thêu dệt theo phong cách bản địa, phòng khép kín, Bàn Văn Lâm trưng biển đón khách.
Thế rồi “hữu xạ tự nhiên hương”, khách đến, một đồn mười, mười đồn trăm, gia đình Bàn Văn Lâm tíu tít đón khách với các tour du lịch xuyên rừng, xuyên đêm. Lợi nhuận cũng bắt đầu “chảy” về với gia đình anh.
Chăn nuôi đại gia súc – mô hình giúp xã nghèo Xuân Sơn xóa nghèo nhanh chóng. Ảnh: Đơn Thương
Để có thể chủ động đưa và đón khách Tây, Bàn Văn Lâm đã tự mua sách về đọc. Giờ đây, từ vựng tiếng Anh cũng đủ để anh “chém gió” đưa đoàn. Đáp ứng cho nhu cầu ăn ngủ của khách, Lâm lại mua sách dậy nấu ăn về học.
Giờ đây, để khám phá chiêm nghiệm rừng quốc gia Xuân Sơn, cứ sau mỗi cuốc điện thoại xuyên rừng là Bàn Văn Lâm lại chủ động đón khách.
Đến đây, ngoài cơ sở lưu trú vệ sinh, không cầu kỳ nhưng đáp ứng được sở thích khách du lịch, Bàn Văn Lâm còn biết nấu các loại thức ăn theo nhu cầu của khách và chủ động tổ chức các bữa ăn theo phong tục người Dao, người Mường trên đây.
Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, rau rừng, cá suối… là những món ai đến đây cũng thích và đều nhớ tới Bàn Văn Lâm.
Từ cách đi trước đón đầu, làm đúng và nắm bắt thị hiếu của khách, hiện nay, không chỉ với xã Xuân Sơn mà cả huyện Tân Sơn, Bàn Văn Lâm được coi là người có thu nhập đứng đầu.
Nhờ thu nhập này mà ông có điều kiện nuôi 3 người con học đại học, cao đẳng, giờ mỗi đứa một việc, đều là cán bộ, công chức của huyện.
Để phục vụ cho nhu cầu đi lại, đón đưa khách, 3 năm về trước, bỏ ra một phần lợi nhuận, Bàn Văn Lâm đã quyết định xuống phố, bỏ ra hàng trăm triệu “rước” một chiếc ô tô về với miền rừng.
Việc sắm ô tô bằng tiền lao động của mình này, Bàn Văn Lâm là một trong số ít người có xe ô tô đầu tiên của huyện, đó là chưa nói đến xã.
“Kích động” làm giàu
Theo bà Hà Thị Thấp - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Sơn, Bàn Văn Lâm là một hiện tượng và giúp đất nghèo Xuân Sơn “phát sáng”.
Điều đặc biệt ở ông Lâm là, không những biết vươn lên làm giàu, mà hiện nay ông còn đang là một trong những nhân vật có vai trò rất lớn để “kích động” sự làm giàu của anh em trong gia đình và người dân trên đây.
Không chỉ giữ vai trò, tư vấn, hiến kế cho anh em, người dân trên địa bàn xã có kế thoát nghèo mà Bàn Văn Lâm còn sẵn sàng tạo điều kiện để giúp đỡ họ.
Cũng bằng sự “kích động” này, mà hiện nay hai người em ruột là Bàn Trọng Loan và Bàn Văn Phụ cũng đang vươn lên, trở thành nhân vật đáng nể không những của xã mà còn là niềm tự hào của huyện.
Nghe lời dẫn dụ của anh, Bàn Văn Phụ đã vay mượn tiền mua trâu, nhận nuôi rẽ thêm trâu của các hộ gia đình khác, mà giờ đây anh cũng nhanh chóng trở thành tỷ phú.
Nhờ cách làm này mà quay đi quay lại, giờ đây nói về chăn nuôi đại gia súc ở Tân Sơn không ai quên ông Bàn Văn Phụ. Hiện nay, ngoài ruộng nương, đàn trâu bò của ông Phụ đã lên đến 40 con và đang được định giá trên 1 tỷ đồng.
Nhìn đàn trâu đen nhức mắt đang ung dung gặm cỏ bên bìa rừng thôn Dù, ông Phụ cho biết: “Nhờ anh ấy mà tôi đã làm được nhà, nuôi được con học. Chăn nuôi trâu bò hiện nay đang là thế mạnh của nhà tôi và Xuân Sơn đấy”.
Từ cách làm mới này của anh em tỷ phú họ Bàn trên vùng lõi rừng quốc gia mà chăn nuôi đại gia súc đang được đưa vào làm hướng chủ đạo thoát nghèo của xã Xuân Sơn. Theo cách làm của anh em họ Bàn, học hỏi, nhiều gia đình ở 4 thôn Dù, Cỏi, Lạng, Lấp cũng đi vào hướng này và rất nhiều người đã thành công. Tiêu biểu như gia đình bà Hà Thị Hiền.
Từ một hộ nghèo, hiện nay gia đình chị Hiền được mệnh danh là có đầu gia súc “không đếm được”. Xưa, chị Hiền cũng là một người khó khăn trong xã. Thấy hướng chăn nuôi đại gia súc có hiệu quả, chị chắt chiu vay mượn đầu tư.
Từ 1 – 2 con trâu, bò ban đầu, quay đi quay lại, giờ đây gia đình chị đã có 60 con trâu bò. Với giá trung bình của thị trường, bù đi sớt lại, mỗi đầu gia súc bán được 20 triệu đồng thì gia đình chị đã có số tiền đến trên 1 tỷ đồng.
Giờ đây, đến với Xuân Sơn, chúng tôi được nghe một câu chuyện khá lạ về phong trào tình nguyện xin ra khỏi hộ nghèo của người dân trong xã.
Ai cũng biết, với một xã vùng sâu, lại thuộc huyện 30a như Xuân Sơn thì được “làm” và được liệt vào hộ nghèo sẽ nhận được rất nhiều ưu đãi.
Thế nhưng hiện nay, nhiều người dân Xuân Sơn đã chối bỏ nó. Theo thống kê, năm vừa qua, Xuân Sơn đã có trên 20 hộ thoát nghèo, trong đó có nhiều hộ thoát nghèo theo diện tự nguyện.
Và người có đóng góp lớn cho sự thoát nghèo đó của bà con không ai khác chính là ông Bàn Văn Lâm.
Ông Đặng Văn Quyết -Chủ tịch HĐND xã Xuân Sơn cho biết, nhờ Bàn Văn Lâm và cách làm kinh tế của anh em họ Bàn trên đây mà nhiều hộ gia đình đã học hỏi được cách làm giàu.
Làm du lịch, phát triển chăn nuôi đại gia súc là nghề mới để đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 70% nhanh chóng xuống còn khoảng 30%.
Các tác giả có tác phẩm dự thi Cuộc thi viết Tự hào Nông dân Việt Nam lần thứ 3 xin gửi về địa chỉ: Báo Nông Thôn Ngày Nay 13 Thụy Khuê, Hà Nội.
Hòm thư điện tử: thiviettuhaondvn@danviet.vn hoặc ntnnhn@gmail.com (Bài dự thi đề rõ tác phẩm dự thi Cuộc thi viết Tự hào Nông dân Việt Nam lần 3)- ĐT liên hệ: 04.38474245.
Chi tiết thể lệ cuộc thi xin vui lòng truy cập vào Báo điện tử Dân Việt tại địa chỉ www.danviet.vn