Khi đang đánh bắt ở lãnh hải của Việt Nam, 11 như dân trên tàu cá mang số hiệu QNA - 91.939 của ông Võ Quang Thái (ngụ thôn 1, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, làm chủ) bất ngờ bị 11 người trên tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công, cướp tài sản.
Mười một người trên tàu hải cảnh Trung Quốc đã tràn qua tàu ông Thái lấy đi lương thực, thực phẩm, gần 1 tấn cá bắt được, dầu, lấy và phá sạch ngư lưới cụ, phá luôn 2 thúng chai thả xuống biển.
Liên quan đến vụ việc này, ngày 8/3, trả lời câu hỏi của Báo điện tử Trí Thức Trẻ, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã nhấn mạnh:
“Trong bất kỳ trường hợp nào, Việt Nam lên án mạnh mẽ những hành vi đối xử vô nhân đạo, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với các ngư dân Việt Nam.
Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang làm rõ các thông tin liên quan đến vụ việc để có các biện pháp đấu tranh phù hợp”.
Trước đó, theo lời kể của ông Thái, khi anh em trên tàu đang chuẩn bị đánh bắt thì bị hai chiếc tàu Trung Quốc vây áp. Một chiếc tàu hải cảnh mang số hiệu 46101 áp sát, thả một chiếc xuồng máy cùng 11 người áp sát, leo lên tàu ông.
“Trên tay họ cầm roi điện, dùi cui trông rất hung tợn. Họ lùa anh em trong tàu đến trước mũi tàu, một người nói tiếng Việt Nam bảo:
"Chúng tôi là tàu cảnh sát biển Trung Quốc, đề nghị tàu của các anh không qua lại vùng biển này, vùng biển này là của Trung Quốc”", ông Thái kể.
Tàu Trung Quốc bảo bốn người ở lại canh giữ, còn bảy người đi xuống khoang tàu lấy hết gần 1 tấn cá tàu ông Thái bắt được.
Sau đó, những người này còn leo lên khoang tàu cắt rách lưới, phá ngư cụ, đâm thủng các thúng chai vứt xuống biển, phá hỏng máy Icom, thu giữ bộ đàm để tàu không liên lạc được với đất liền.
“Họ còn lập biên bản bằng chữ Trung Quốc bảo tôi ký, lấy một tờ giấy viết tàu tôi phải quay trở vào đất liền. Nếu chạy ra nữa sẽ đâm chìm. Sau đó họ chụp ảnh, quay phim lại và lấy sạch toàn bộ lương thực, thực phẩm trên tàu rồi bỏ đi” - ông Thái kể thêm.
Theo đồn biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà, qua thống kê thiệt hại ban đầu cho thấy tàu của ông Võ Quang Thái bị hư hỏng 17 tay lưới, 1 bộ đàm, máy dò, máy icom, thúng câu và toàn bộ hải sản đánh bắt được, lương thực bị cướp, tổng thiệt hại gần 290 triệu đồng.
Trước đó, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết cập nhật thông tin liên quan đến vụ việc 6 thuyền viên làm việc trên tàu cá Hàn Quốc bị mất tích ngày 28/2 Đại diện Cục Lãnh sự cho biết:
“Theo thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan chức năng Hàn Quốc cho đến ngày 8/3, 01 thi thể thuyền viên người Việt đã được tìm thấy.
Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại nỗ lực tìm kiếm 5 thuyền viên mất tích còn lại.
Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cũng đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng Việt Nam nhanh chóng xác minh thân nhân của 6 thuyền viên mất tích.
Để từ đó thông báo cũng như lên các phương án hỗ trợ cần thiết đối với các thân nhân những thuyền viên gặp nạn".
Về vụ việc 2 tàu cá Việt Nam số hiệu BV 3240 TS gồm 9 thuyền viên và số hiệu BV 99253 TS gồm 16 thuyền viên đã bị Indonesia bắt giữ trong vùng biển của Indonesia, Đại diện Cục Lãnh sự cho hay:
“Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia làm việc cụ thể với các cơ quan chức năng sở tại để làm rõ những thông tin liên quan và có các biện pháp bảo hộ công dân phù hợp".