Trong những tháng đầu năm 2014, trên thế giới và ở Việt Nam, nhiều dịch bệnh xuất hiện khiến người dân hết sức lo ngại như: dịch sởi, dịch tay chân miệng, viêm não Nhật Bản, dịch sốt xuất huyết và cả dịch hô hấp cấp Mers.
Trong tình hình đó, mặc dù trong báo cáo của Chính phủ đã nêu: “Dịch bệnh chưa được kiểm soát hiệu quả; bệnh sởi lan rộng, tử vong chưa do bệnh sởi và liên quan đến bệnh sởi nhiều, gây bức xúc xã hội”, tôi cho rằng nêu như vậy là chưa nêu rõ được bản chất cũng như nguyên nhân xảy ra dịch bệnh lớn, để rồi từ đó đề ra giải pháp phù hợp.
Theo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế thì dịch sởi bùng mạnh cho dù không phải thời điểm phát dịch là do 4 nguyên nhân. Thứ nhất là các cháu bé không được tiêm văcxin. Thứ hai là bố mẹ các cháu cứ đưa con đổ dồn đến tuyến trung ương dẫn đến quá tải. Thứ ba là bệnh nhi dồn một chỗ quá đông, gây lây nhiễm chéo, và thứ tư là thời tiết miền Bắc từ sau Tết âm lịch đến hết tháng 4 liên tục ẩm, khiến virus gây bệnh hô hấp phát triển mạnh.
Tôi cho rằng nói như vậy mới chỉ đúng về mặt hiện tượng. Vì chỉ riêng nguyên nhân thứ nhất thì việc không tiêm chủng dẫn đến nhiễm bệnh là tất yếu. Tuy nhiên, lâu nay việc mang con đến các cơ sở y tế để tiêm chủng đã chuyển từ lo lắng sang nỗi khiếp sợ của các ông bố bà mẹ sau những “sự cố chết người” trong thời gian qua. Có người còn coi việc tiêm chủng là đánh cược tính mạng của con mình. Vì thế tỷ lệ tiêm chủng ngày càng thấp.
Trong việc tiêm chủng thì chất lượng văcxin là vấn đề được quan tâm nhất. Nếu nói văcxin Việt Nam sản xuất là tốt lắm thì kể cũng hơi chủ quan. Văcxin Quinvaxem được sản xuất ở Việt Nam là mua công nghệ của Hàn Quốc.
Theo thông tin tôi có được thì khoảng năm 2001 chúng ta bắt đầu đàm phán để mua công nghệ này, sau khoảng 7-8 năm kể từ khi đàm phán cho đến lúc hoàn thành việc mua công nghệ và thực hiện sản xuất ở Việt Nam cho đến nay thì công nghệ sản xuất văcxin này không còn là công nghệ tiên tiến nữa.
Một chuyên gia trong lĩnh vực y tế có nói với tôi là văcxin Quinvaxem chỉ phát huy tác dụng cho tối đa là 90% số người đã được tiêm chủng bằng văcxin này. Điều đó có nghĩa rằng có đến 10% số người mặc dù đã tiêm văcxin mà vẫn không có khả năng miễn dịch. Con số đó là không nhỏ và cứ mỗi năm tích lũy thêm 10% thì sau 10 năm con số này là vô cùng lớn. Thông tin đó đúng hay sai, tôi nghĩ Bộ Y tế chắc chắn phải biết.
Tôi nghĩ giờ không phải là lúc bàn cãi hay quy kết trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà quan trọng là chúng ra hãy nhìn đúng bản chất của vấn đề cùng tìm ra giải pháp cho vấn đề đó.
Xuất phát từ phân tích trên, tôi đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu, xem xét một cách nghiêm túc và công bố chính xác về chất lượng văcxin hiện nay. Nếu cần thiết thì tham mưu cho Chính phủ đầu tư mua công nghệ sản xuất văcxin mới, chất lượng tốt hơn. Việc có một văcxin chất lượng tốt dùng cho tiêm chủng mở rộng không những bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, mà còn ngăn chặn các dịch bệnh lớn và sâu xa hơn là bảo vệ giống nòi Việt Nam.