Bộ Công an đề xuất: Bổ sung quy định yêu cầu báo chí cung cấp nguồn tin

Cổng thông tin điện tử Bộ Công an vừa đăng trả lời của Bộ này về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN). Trong đó, Bộ Công an đề xuất: “Nghiên cứu sửa đổi Điều 7 Luật Báo chí theo hướng Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND và Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp có quyền yêu cầu cơ quan báo chí cung cấp nguồn tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.”.

Trong khi đó, Điều 7, Luật Báo chí hiện hành chỉ quy định: “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng VKSND hoặc Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”.

Nhà báo tác nghiệp bên lề Quốc hội. Ảnh: hồng vĩnh

Nhà báo tác nghiệp bên lề Quốc hội. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Trao đổi với Tiền Phong về đề xuất này, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ cho rằng, trước đây khi soạn thảo Luật PCTN (sửa đổi), đã từng có đề xuất mở rộng quy định yêu cầu báo chí cung cấp nguồn tin tuy nhiên sau đó nhiều ý kiến không đồng tình vì không phù hợp với Điều 7 Luật Báo chí. Nội dung này sau đó đã được thiết kế lại theo đúng quy định của Luật Báo chí hiện hành.

Một số ý kiến cũng băn khoăn cho rằng, việc bảo vệ nguồn tin là nguyên tắc cơ bản nhất trong đạo đức nhà báo. Khi cung cấp thông tin cho nhà báo, nguồn tin luôn yêu cầu phải giữ kín thông tin về mình thì mới cung cấp. Nếu mở rộng đối tượng được yêu cầu báo chí cung cấp nguồn tin thì ảnh hưởng ra sao đến việc cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là trong lĩnh vực điều tra tiêu cực, tham nhũng?

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, Bộ Công an cũng đề xuất nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật PCTN theo hướng cho phép Cơ quan điều tra được tiến hành các biện pháp ngăn chặn cần thiết và các biện pháp nghiệp vụ trinh sát khi có tài liệu đối tượng tham nhũng trước khi khởi tố bị can như trong đấu tranh với các tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm về ma túy được quy định Luật An ninh quốc gia, Luật Phòng, chống ma túy.

Sớm ban hành hướng dẫn áp dụng Chương XXI, Mục A, Bộ Luật Hình sự năm 1999 quy định các tội phạm tham nhũng; lượng hoá cụ thể các tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; hướng dẫn áp dụng các tình tiết dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm, lợi ích vật chất khác, số lượng lớn, giá trị lớn, tư lợi hoặc động cơ cá nhân khác; xác định hành vi phạm tội của các tội phạm xâm phạm tài sản trong các doanh nghiệp có cổ phần của Nhà nước.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại