Biệt động Sài Gòn, vang mãi khúc tráng ca

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngay tại nội thành Sài Gòn, Cơ quan tình báo CIA của Mỹ và Đặc ủy Trung ương tình báo Ngụy quyền Sài Gòn từng kinh hồn bạt vía bởi những trận đánh “xuất quỷ, nhập thần” của lực lượng Biệt động Sài Gòn…

Đội quân tinh nhuệ của nhân dân

Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, nghệ thuật biệt động phát triển đến đỉnh cao, đã giáng những đòn sấm sét xuống đầu quân thù, lập nên những chiến công vang dội mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, góp phần cùng cả nước đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh dẫn đến thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ (30-4-1975).

Những chiến sĩ biệt động bình thường, được nhân dân đùm bọc, nuôi dưỡng, đã trở thành những thiên thần xung trận, gieo bao nỗi kinh hoàng cho bọn xâm lược và tay sai của chúng.

Lịch sử sẽ mãi mãi nhắc tới những cái tên: Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Thanh Xuân (Bảy Bê), Nguyễn Văn Tăng, Bành Văn Trân, Nguyễn Văn Kịp, Lâm Sơn Náo, Trần Phú Cương (Năm Mộc), Lê Văn Việt, Trần Thị Mai, Đoàn Thị Ánh Tuyết, Nguyễn Thị Thu Trang... gắn liền với những chiến công: Khách sạn Majestic, tàu Ca-đơ, Đại sứ quán Mỹ, Tổng nha cảnh sát, cư xá Brink, khách sạn Carallelle, Metropol, Victoria, nhà hàng nổi Mỹ Cảnh, bar Kiện Liên ...

Chiến công của “Biệt động Sài Gòn” góp phần không nhỏ vào chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975 của dân tộc ta.

Có lẽ sự kiện nổi tiếng nhất khiến quân Mỹ phải kiềng nể lực lượng biệt động Sài Gòn phải kể tới trận đánh lớn, nhấn chìm tàu Ca-đơ (US Card) trọng tải 16.500 tấn ngay tại cảng Sài Gòn.

Cảng Sài Gòn là  mục tiêu lớn nên ngay từ năm 1963, Đội 65 Biệt động Sài Gòn đã cắt cử một trung đội biệt động thường xuyên bám sát theo dõi do Tư Đen, Tám Quang và Ba Náo (biệt danh của chiến sĩ Lâm Sơn Náo) phụ trách.

Ba Náo là công nhân làm việc hợp pháp tại cảng nên có điều kiện đi lại, trinh sát địa hình. Cha của Ba Náo cũng là một công nhân từng có hàng chục năm làm thợ hồ tại cảng nên thuộc lòng đường hầm, cống ngầm trong cảng. Chính ông là người đã vẽ cho Ba Náo đường cống ngầm từ bờ sông Sài Gòn xuyên đến khu vực các tàu Mỹ thường neo đậu, dỡ hàng.

Một lần giả vờ xuống sông tắm, Ba Náo đã bơi vào kiểm tra đường ống này và nhận thấy đây là lối vào cảng rất thuận lợi để thực hiện các trận đánh.

Đêm 30-4-1964, cơ sở bí mật lại báo ra có tàu Ca-đơ sẽ cập bến vào ngày 1-5-1964 và bốc dỡ trong 3 ngày. Đêm 1-5, Ba Náo đưa Nguyễn Phú Hùng (Hai Hùng) cùng đi với mình. Hai anh chèo xuồng từ Kênh Tẻ (quận 7) băng sông Sài Gòn về Thủ Thiêm, từ đó vượt sông hướng về phía cảng Sài Gòn.

Xuồng ra đến giữa sông thì bị tàu tuần tra địch phát hiện khiến hai anh bơi giáp về bờ Thủ Thiêm nhưng không thể cập bờ được vì nước triều xuống.

Bọn địch trên tàu kêu hai anh lại, hỏi tại sao lại bỏ chạy. Nhanh trí, Ba Náo trả lời định qua bên các tàu kiếm vài chục bộ quần áo về bán kiếm lời. Vừa nói, anh vừa cho chúng một xấp tiền và xin chúng cho qua sông.

Bọn chúng nhận tiền và đồng ý cho các anh qua sông với điều kiện nếu làm ăn được thì chia thêm và dặn hai anh coi chừng tụi hải quân. Nhưng thật bất ngờ, một dân buôn lậu nghe chuyện của hai anh với bọn cảnh sát ngụy cũng nhảy lên xuồng đòi đi theo để kiếm ăn khiến Ba Náo phải can gián: “Có người lạ lên xuồng, bọn móc nối sẽ không giao hàng. Anh cứ chờ ở trên bờ, nếu nhận được hàng, chúng tôi sẽ chia cho anh”.

Nghe có lý, anh dân buôn đồng ý ở lại còn Ba Náo và Hai Hùng lặng lẽ vượt sông với sự canh chừng của đám cảnh sát để chờ được chia chác.

Thiếu tá Nguyễn Thanh Xuân, người đặt thuốc nổ vào cư xá Brink cùng với vợ cũng là một chiến sĩ biệt động.

Qua được đầu cảng phía bên kia, hai anh cho xuồng vào đường cống và đi được khoảng 300m thì nước cạn. Hai anh nhảy xuống vác thuốc nổ đi về phía tàu Mỹ đang cặp sát bờ cảng.

Hai khối thuốc nổ, mỗi khối nặng 40kg được các anh đặt cách nhau 10m sát thành tàu và gần mực nước nổi để khi tàu nổ, nước có thể tràn vào ngay gây chìm tàu. Sau đó, hai anh rời khỏi cảng.

Sang đến bờ Thủ Thiêm, các anh bình tĩnh trở về chỗ chiếc tàu tuần tra đang đợi nói với bọn cảnh sát là chưa lấy được hàng, hẹn đến mai gặp nhau để làm ăn. Không mảy may nghi ngờ, bọn cảnh sát đồng ý nên các anh rút lui an toàn. 2g sáng 2-5-1964, tàu Ca-đơ nổ tung và chìm nghỉm xuống sông Sài Gòn.

Chiến sĩ biệt động khoác áo cà sa

Dù địch kiểm tra gắt gao đến mấy vẫn không ngờ được rằng chính nhà sư đó lại là một chiến sĩ biệt động đang vận chuyển vũ khí, đạn dược về cho cơ sở nội thành để tập kết, chuẩn bị cho cuộc tấn công và nổi dậy vào Tết Mậu Thân.

Hòa thượng Thích Viên Hảo (tên thật là Tô Thế Bình), SN 1932, quê ở thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp thực sự là một chiến sĩ biệt động toàn tâm vì nước, toàn lực vì dân, một chiến sĩ biệt động Sài Gòn hết sức đặc biệt.

Đã có rất nhiều lần, nhà sư Thích Viên Hảo dùng xe gắn máy đi Củ Chi chở chất nổ, súng K54, thậm chí cả súng cối 81 ly về nơi tập kết an toàn bằng cách ngụy trang khéo léo như nhà chùa đang chở các vật dụng cúng bái.

Hòa thượng Thích Viên Hảo từng kể lại: “Năm 1968, lúc này chủ trương của ta cần nhiều thuốc nổ để gây nhiều tiếng nổ trong nội thành Sài Gòn làm rối loạn, hoang mang quân địch nhưng địch kiểm soát, lục lọi rất gắt gao các ngả đường vào TP, đặc biệt là hướng Củ Chi, Hóc Môn.

Tình thế rất cấp bách, khẩn trương, bằng mọi cách phải vận chuyển thuốc nổ, súng đạn về nơi tập kết. Thấy vậy, tôi xung phong đi Củ Chi vận chuyển đạn dược, thuốc nổ… về nội thành.

Để vận chuyển an toàn súng cối 81 ly, tôi phải dùng xe ba gác chở những ống cống xi măng và giấu súng cối vào trong đó. Gặp lính kiểm soát tôi nói vận chuyển về xây dựng chùa.

Thế là chúng cho qua. Cứ như vậy, tôi đã vận chuyển thuốc nổ, súng đạn vào nội thành và chuyển đi khắp nơi rất an toàn”.

Ban ngày, Hòa thượng đi thực địa, vận chuyển vũ khí, còn tối lại vẽ sơ đồ các trận đánh cho đơn vị. Chùa Tam Bảo đã thành nơi xuất phát của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn - Gia Định khiến địch khiếp vía, mất ăn mất ngủ.

Chiến sĩ biệt động Tô Thế Bình đã cùng đồng đội đánh hàng chục trận như: Cầu treo bến xe Sài Gòn, trạm điện ở trường đua Phú Thọ, cabin điện Chợ Thiếc, đánh mìn nhà Quốc hội khu vực bến Chương Dương…

Hòa thượng nhớ lại: “Một lần đơn vị tôi đánh cư xá đường Nguyễn Văn Thoại (góc Ngã tư Bảy Hiền bây giờ), trận đánh diễn ra gay go, ác liệt. Ta đẩy lui nhiều đợt tấn công và tiêu diệt nhiều tên địch. Bọn địch lúc ấy được chi viện ùa ra bao vây cả khu vực đội biệt động thành đang chiếm giữ. Hai chiến sĩ của ta rút ra sau cùng bảo vệ cho đồng đội nhưng xe bị hư, đạp mãi không nổ.

Một anh ngồi sau xe thấy vậy nên sốt ruột, nhảy xuống lao vào hẻm. Anh còn lại vừa đạp vừa đẩy, thật may xe nổ máy được và chạy về an toàn.

Do sơ hở đường thoát hiểm nên đã để lộ cơ sở, sau đó địch kéo rất đông cảnh sát dã chiến, quân cảnh đến bao vây toàn bộ khu vực chùa Tam Bảo. Tôi bị bắt tại chùa và bị kết án tù, sau đó bị đày ra nhà tù Phú Quốc”.

Đến lúc này, người dân quanh khu vực chùa Tam Bảo mới biết nhà sư Thích Viên Hảo là chiến sĩ biệt động Sài Gòn.

Mọi cực hình tra tấn của địch với những tội ác tàn bạo nhất nơi tù ngục Phú Quốc không làm lung lay ý chí chiến đấu và tinh thần yêu nước, cách mạng của nhà sư, chiến sỹ biệt động thành Sài Gòn - Gia Định.

Bọn cai ngục liệt nhà sư vào hạng đặc biệt, nhưng chúng cũng chùn bước khi đối mặt với ông. Phong thái điềm tĩnh, hàng đêm vẫn niệm Phật, đọc kinh và chay tịnh của nhà sư đã làm khuất phục kẻ thù và là tấm gương cho nhiều bạn tù noi theo.

Sau này khi đất nước hoàn toàn giải phóng, Hòa thượng Thích Viên Hảo lại tiếp tục với nghiệp tu hành của mình cho đến khi viên tịch vào năm 2005, thế nhưng những câu chuyện về người lính biệt động Sài Gòn một thời vẫn không bao giờ hết…

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại