Thân đào thất thốn đen, xù xì. Mới nhìn thì thấy rất thô, nhưng càng ngắm thì lại thấy càng đẹp. Vẻ đẹp của nó khiến nhiều người sẵn sàng bỏ ra 30 – 40 triệu đồng thuê một gốc đào thất thốn về chơi Tết.
Tên gọi đào thất thốn xuất phát từ đặc điểm cứ 7 thốn (mỗi thốn bằng khoảng một đốt ngón tay) trên thân cây thì lại có các cành nhỏ đâm ra, mỗi đầu cành khi ra hoa thường có 7 bông. Khoảng 7 năm mới có một lần đào thất thốn mới cho hoa kép 7 tầng, mỗi tầng 7 cánh. Lá đào thất thốn cũng dài khoảng 7 đốt ngón.
Đào thất thốn thường chỉ ra hoa vào khoảng rằm tháng Giêng. Để ép cho đào ra hoa đã khó, và cho nó nở đúng dịp Tết lại càng khó hơn.
Hoa đào thất thốn có màu đỏ thắm, nhụy vàng, mỗi bông hoa có khoảng 49 cánh, nhiều gấp đôi đào thường và được xếp dày dặn.
Hoa đào thất thốn nở ở nhiều chỗ khác nhau và từ trên ngọn xuống. Đặc biệt, những cây đào thất thốn có hoa nở ở dưới gốc lại càng quý.
Hoa có thể tươi hơn 20 ngày trong tiết trời mưa phùn, gió bấc, nhưng lại sáng nở tối tàn, héo ngay khi gặp phải nắng.
Khi nở có bông hoa to đến 4 cm – 5 cm.
Mùi hương của đào thất thốn chỉ thoang thoảng. Hoa, lá đào thất thốn khi tàn sẽ co lại nhưng không rụng như đào thường.
Theo anh Lê Hàm (Nhật Tân, Hà Nội) – một người có hàng chục năm gắn duyên với đào thất thốn, thì đây là một thứ đào quý hiếm. Người chơi đào thất thốn không nhiều, phần vì giá của nó rất đắt, phần vì người chơi phải là những người rất kỹ tính, cầu kì.
Trồng đào thất thốn rất khó nên anh Hàm còn chọn cả người để cho thuê đào, vì việc chăm sóc đào thất thốn đòi hỏi người chơi phải am hiểu về cây. "Những người ưa hình thức, nhìn đào chỉ để đẹp mắt thì chơi đào thất thốn cũng như không", anh Hàm nói.
Hiện tại, các gốc đào ở vườn nhà anh Hàm cũng đã được các khách hàng ở Hà Nội và nhiều tỉnh khác đến mua và thuê gần hết.