Tuy nhiên, để quy rõ trách nhiệm lại là vấn đề không hề đơn giản.
Vừa đi vừa lo
Những bất cập của biển báo giao thông có thể nói là muôn hình muôn vẻ. Anh Hoàng Quang Ngọc - doanh nghiệp vận tải Hoàng Hà (Hà Nội) phản ánh: “Không cần đi đâu xa, ngay khu vực nội thành Hà Nội cũng thấy nhiều trường hợp biển báo cắm không ổn tí nào. Đường Giải Phóng là trục lớn, nhưng đi mấy cây số quanh ga Giáp Bát đã nhiều biển báo bất hợp lý”.
"Trên các tuyến đường đang khai thác, chỉ có cơ quan quản lý đường bộ đi kiểm tra, rà soát biển báo, cải tạo điểm đen. Chưa có tuyến đường nào được kiểm định ATGT bởi các cơ quan Tư vấn chuyên nghiệp một cách bài bản”.
Ông Dương Viết Doãn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông
Theo anh Ngọc, đường đã mở rộng lên 4 - 6 làn xe, song các biển báo cắm hai bên đường vẫn rất nhỏ, thấp, khó quan sát. Kích thước biển báo rõ ràng là chỉ phù hợp với đường Hà Nội xưa có hai làn xe thôi. Theo chân anh Ngọc ra ngã ba Giải Phóng - Kim Đồng, PV chứng kiến giữa dải phân cách có biển cấm quay đầu xe, nhưng phía dưới lại kèm thêm một biển phụ. Dù đứng rất gần nhưng chúng tôi không tài nào đọc được mấy chữ ở biển phụ do quá bé trong khi thời gian dừng chờ đèn đỏ chưa đầy 30 giây. Phải đỗ xe ở bên đường, ra đứng dưới chân biển báo để đọc, hóa ra những chữ này lại có nội dung gần như ngược lại với biển chính, “được phép quay đầu các xe từ 16 chỗ trở xuống, chỉ trừ giờ cao điểm”.
Bên cạnh đó, một số vị trí gần ga Giáp Bát có cắm biển ưu tiên người đi bộ qua đường và cho phương tiện rẽ trái, song đi gần đến nơi vẫn chỉ thấy cột chân biển, vì biển bị cây lá che khuất. Hơn nữa, biển báo rất nhỏ, lái xe rất khó quan sát, sẽ rất nguy hiểm vì không biết để nhường đường cho người đi bộ sang đường.
Khó xác định trách nhiệm
Thời gian qua, Tổng cục Đường bộ VN đang tiến hành rà soát và cắm lại nhiều loại biển báo đường bộ trên các tuyến quốc lộ. Hàng loạt biển báo dưới 40km/h bị bỏ nhỏ. Hàng ngàn cầu cắm biển hạn chế tải trọng cũng đang được rà soát lại theo hướng cắm lại biển mới để quy định tải trọng cho chính xác với từng loại xe. Thực tế từ cuối tháng 6/2014 đến nay, việc làm này được triển khai quyết liệt, trên các tuyến quốc lộ gần như không còn biển hạn chế tốc độ dưới 40km/h.
Liên quan đến vấn đề trách nhiệm khi cắm biển báo sai, gây ra TNGT, ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, việc này rất khó khăn và lâu nay chưa đặt ra. Theo ông Quyền, việc cắm biển báo giao thông trên đường phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nên để xác định biển báo cắm sai, trách nhiệm của ai là cả vấn đề. Chẳng hạn như biển báo tốc độ, tình trạng phổ biến trong vài năm gần đây là các địa phương chỉ muốn cắm thấp thôi để an toàn. Người tham gia giao thông thấy bất cập, không thực hiện dẫn tới vi phạm và bị CSGT xử phạt.
Ở các tuyến đường mới xây dựng, biển báo được cắm căn cứ vào đề nghị của người thiết kế, song nhà thầu có khi cũng cắm biển để phục vụ thi công. Cơ quan quản lý đường bộ sau đó chỉ tiếp nhận để quản lý. Khi sử dụng phát hiện bất cập thì điều chỉnh lại. Do đó rất cần có một cơ quan tư vấn chuyên nghiệp vào thẩm định ATGT ở tất cả các bước của dự án, từ thiết kế kỹ thuật đến giai đoạn đường đang khai thác. Khi đó, cơ quan tư vấn chuyên nghiệp sẽ chỉ ra những bất hợp lý có nguy cơ gây mất ATGT trên tuyến đường để tư vấn thiết kế và cơ quan quản lý đường bộ điều chỉnh cho phù hợp.