Những ngày qua, dư luận hết sức quan tâm và phẫn nộ với những phát ngôn của ông Dương Đình Sáu - Bí thư Đảng ủy xã Thành Công (huyện Phổ Yên - tỉnh Thái Nguyên) khi ông này chửi dân ngu và bố láo.
Ngoài ra, nhiều người dân xã Thành Công đã bày tỏ sự bức xúc trước việc Bí thư Đảng ủy xã Thành Công là ông Dương Đình Sáu trong quá trình làm cán bộ lãnh đạo xã đã “không công tâm”, “không dân chủ”, “kéo bè kéo cánh” và “biến” bộ máy chính quyền xã Thành Công thành cơ cấu mô hình “gia đình trị” với hàng loạt vị trí lãnh đạo chủ chốt trong UBND xã đều là anh em, con cháu, họ hàng của mình.
Ông Dương Đình Sáu - Bí thư Đảng ủy xã Thành Công
Cụ thể: 11 vị trí cán bộ, công chức đã được biên chế và cán bộ nguồn (trong đó có nhiều vị trí chủ chốt) của xã Thành Công đều là “người nhà” của ông Dương Đình Sáu như: Ông Dương Văn Thu – Phó Chủ tịch HĐND xã (là cháu); ông Dương Huy Vọng – Phó Chủ tịch HĐND xã (là cháu); ông Dương Văn Thu - Phó Chủ tịch HĐND xã (là cháu); ông Dương Văn Bảy – Phó Chủ tịch UBND xã (là em ruột); ông Dương Văn Tuyên – Phó Chủ tịch UBND xã (là em họ); ông Dương Văn Liêm – Trưởng Công an xã (là cháu họ); ông Dương Văn Chúc – cán bộ Địa chính xã (là con trai); ông Dương Văn Hùng – cán bộ Văn phòng xã (là cháu); ông Dương Đức Chung – cán bộ Tư pháp xã (là cháu); ông Dương Văn Dũng – Xã Đội phó (là cháu); ông Dương Văn Cường – phụ trách Nông nghiệp xã (là cháu).
Trả lời về vấn đề, tổ chức bộ máy cán bộ xã Thành Công chiếm hơn nửa là anh họ hàng nhà mình, ông Dương Đình Sáu lý giải: “Xã Thành Công có hơn 15 nghìn dân, trong đó bà con người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 3.000 người. Tôi là người quê gốc ở đây, nên anh em xa, anh em gần chiếm đến 60 - 70%. Vì lối sống, sinh hoạt là làng xã, vùng nông thôn, anh em 5 - 7 đời vẫn đi lại với nhau. Trước kia công tác lựa chọn cán bộ không khắt khe lắm nên mới có việc như vậy”.
Ông Sáu nói tiếp: “Những năm gần đây công tác chọn cán bộ vào làm việc tại xã đòi hỏi phải có bằng cấp, trình độ chuyên môn nên cũng cần chuẩn hóa hết mọi thứ. Riêng cán bộ là người dân tộc ít người tôi rất lưu ý, lưu tâm và cần có tiếng nói chung kể cả từ lúc tôi còn làm chủ tịch UBND xã. Con em dân tộc có trình độ cũng được cân nhắc để đưa đi đào tạo về làm cán bộ nguồn.
Vừa rồi, tôi cũng đã sắp xếp và lấy 2 vị trí là con em người dân tộc ra làm việc tại xã rồi. Một người vừa học xong trường trung cấp địa chính cho ra là cán bộ địa chính xã, còn một người mới học xong lớp 10 cũng lấy và đang cho đi học văn hóa tiếp rồi”.
Tuy nhiên, nhiều người dân ở xã Thành Công lại cho rằng, việc tổ chức, xây dựng bộ máy chính quyền xã, đào tạo cán bộ nguồn của ông Dương Đình Sáu có phần thiên vị họ hàng nhà ông này hơn. Bởi những người không phải họ hàng nhà ông Sáu dù có trình độ, đạt chuẩn về bằng cấp, chuyên môn nhưng cũng không được vị bí thư Đảng ủy xã Thành Công cân nhắc vào các vị trí làm việc.
Người dân xã Thành Công rất bức xúc trước việc Bí thư Đảng ủy xã "mắng" dân "ngu và bố láo", rồi “không công tâm”, “không dân chủ”, “kéo bè kéo cánh” và “biến” bộ máy chính quyền xã Thành Công thành cơ cấu mô hình “gia đình trị” từ nhiều năm nay (!?).
Ông Dương Đình Sáu là bí thư Đảng ủy xã nhưng con trai ông Sáu là Dương Đình Chúc lại đang làm cán bộ địa chính xã. Cơ cấu cán bộ, nhân sự như trên đã vi phạm Nghị định số 114/2003/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2004/TT-BNV của Bộ Nội vụ.
Về vấn đề này, ông Sáu cho hay: “Cháu (tức nói ông Dương Đình Chúc - cán bộ Địa chính xã Thành Công - PV) thi công chức vào đây từ 3 năm trước. Sau khi nhận thức thấy vị trí đó không đúng với quy định của Nhà nước, cháu đi học hơn 1 năm nay rồi và xin chuyển bàn giao đang chờ điều động đi các xã rồi.
Chúng tôi tiếp thu toàn bộ nội dung của bài báo. Tiến tới chúng tôi sẽ điều chỉnh cho tốt, sắp xếp hợp lý bộ máy cán bộ xã để có tiếng nói chung, tạo hài hòa cho toàn bộ bà con trong xã, thôm xóm đều có cán bộ làm ở UBND xã. Vì lợi ích, nhiệm vụ chính trị chung của địa phương, những thứ chưa làm được sẽ cố gắng làm tốt. Còn những gì chưa được, vi phạm cần phải điều chỉnh, rút kinh nghiệm sâu sắc để lấy lại lòng tin trong nhân dân”.